Ngày thơ 2025: Tôn vinh thi ca gắn với lịch sử, văn hóa dân tộc

Ngày thơ Việt Nam 2025 chủ đề 'Tổ quốc bay lên' diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước, tôn vinh truyền thống thi ca gắn liền với lịch sử văn hóa dân tộc.

 Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đánh trống khai mạc Ngày Thơ Việt Nam 2025.

Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đánh trống khai mạc Ngày Thơ Việt Nam 2025.

Nhiều năm qua, rằm tháng giêng đã trở thành lễ hội thơ ca trên cả nước. Năm nay, sự kiện Ngày thơ Việt Nam lần thứ 23 do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Ninh Bình hôm 12/2.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương - tham dự và đánh trống khai mạc Ngày thơ Việt Nam 2025.

Với chủ đề "Tổ quốc bay lên" lấy cảm hứng từ câu thơ của nhà thơ, liệt sĩ Lê Anh Xuân, sự kiện năm nay tôn vinh tinh thần dân tộc, khát vọng phát triển và niềm tự hào về lịch sử, văn hóa.

Thông điệp về hòa bình và khát vọng sống chân chính

Phát biểu khai mạc Ngày thơ tại Ninh Binh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều lý giải về chủ đề được chọn cho sự kiện năm nay: "Chúng ta chọn tinh thần từ bài thơ của nhà thơ Lê Anh Xuân để bày tỏ sự tôn vinh và lòng biết ơn đối với những người con trên mảnh đất Việt Nam yêu quý đã dâng hiến trọn đời mình cho độc lập, tự do và thống nhất đất nước.

Chúng ta chọn dáng đứng của họ để chọn dáng đứng của một dân tộc không bao giờ biết quỳ gối trước bất kỳ kẻ thù nào. Họ đã ngã xuống trong những cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại để Tổ quốc Việt Nam được quyền đứng dậy, kiêu hãnh làm người.

Từ vùng đất thiêng liêng kỳ vĩ mang tên Ninh Bình, chúng ta cùng nhau gửi đi thông niệm về hòa bình, về cái đẹp, về khát vọng sống chân chính của dân tộc và ý chí hành động cho khát vọng chân chính ấy".

Ngày thơ Việt Nam lần thứ 23 do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức với các tiết mục ngâm thơ: Nguyên Tiêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Dục Thúy sơn của Trương Hán Siêu, Dáng đứng Việt Nam của Lê Anh Xuân, Chúng con chiến đấu cho người sống mãi Việt Nam ơi của Nam Hà.

Sáng tác của các nhà thơ Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, Lệ Thu, Trần Đăng Khoa, Phan Hoàng, Nguyễn Việt Chiến, Trần Kim Hoa, Đinh Thị Như Thúy, Bình Nguyên,… và các nhà thơ trưởng thành sau Đổi mới đang tạo được ấn tượng trên văn đàn như Nguyễn Bảo Chân, Nguyễn Tiến Thanh, Nguyễn Quang Hưng, Phùng Thị Hương Ly… cũng được các nhà thơ, nghệ sĩ thể hiện trong khuôn khổ chương trình.

Đặc biệt Ngày thơ năm nay có nhà thơ, cựu chiến binh Mỹ Bruce Weigl tham gia với tác phẩm Gửi một người mẹ Việt Nam. Bên cạnh đó còn là những ca khúc nổi tiếng được phổ nhạc từ thơ như Đường chúng ta đi (thơ Xuân Sách, nhạc Huy Du), Tổ quốc gọi tên mình (thơ Nguyễn Phan Quế Mai, nhạc Đinh Trung Cẩn)...

Ngày hội cho tác giả trẻ

Trước đó, sáng ngày 12/2 diễn ra lễ khai mạc Ngày thơ tại TP.HCM với chủ đề "Bài ca thống nhất". Chương trình gồm nhiều tiết mục ngâm thơ, trình diễn tác phẩm phổ nhạc từ thơ và giao lưu với tác giả nhiều thế hệ. Trong đó, Sân chơi thơ trẻ với chủ đề "Gương mặt mới - Kỷ nguyên mới" thu hút nhiều tác giả trẻ đến tham dự.

Nhà thơ Trần Đức Tín (sinh năm 1989, bút danh Khét), người đoạt giải Tác giả Trẻ - Hội Nhà văn Việt Nam 2022 với tập thơ Chín nhánh da vàng, nhiều năm gần đây đều tham gia Ngày thơ ở TP.HCM. Chia sẻ với báo chí, anh nhận định kể từ năm 2024 trở thành lễ hội lớn thường niên nhân dịp lễ Nguyên tiêu của thành phố, Ngày thơ càng làm tốt hơn nữa vai trò quảng bá và kết nối các thế hệ nhà thơ.

Theo anh, TP.HCM hiện có số lượng cây bút đông đảo so với các địa phương khác, trong đó nhiều bạn trẻ vẫn đam mê viết lách dù chịu nhiều áp lực khác từ cuộc sống.

Anh nhận định các thế hệ nhà thơ trẻ về sau, bao gồm cả những bạn là hội viên Hội Nhà văn và cả những bạn chưa phải là hội viên, đang ngày một cập nhật sâu sắc hơn với văn chương thế giới, với khả năng ngoại ngữ có thể đọc trực tiếp nguyên tác thay vì bản dịch. Với kiến văn đó, nhiều cây bút tiềm năng có những bứt phá trong sáng tác.

Tác giả những vần thơ "Ta sẽ giấu giếm cơn mưa này / xin em đừng củi lửa / sau giông bão cuộc đời / cây cỏ sẽ xanh lên" kỳ vọng Sân chơi thơ trẻ tại Ngày thơ sẽ ngày một phát triển hơn, gom tụ được thêm nhiều tác giả trẻ "để họ không chênh vênh trên con đường viết lách". Bởi lẽ đây là cơ hội để tác giả trẻ "trao đổi với công chúng, gặp gỡ nhà xuất bản, báo chí, gỡ khúc mắc về tác phẩm của mình".

Nhắn gửi đến các thế hệ đàn em, nhà thơ Khét nói: "Hy vọng các bạn hãy kiên trì, cân bằng cuộc sống và theo đuổi đam mê với thơ".

 Các tác giả Trần Đức Tín (trái) và Trần Trọng Đoàn. Ảnh: P.K.

Các tác giả Trần Đức Tín (trái) và Trần Trọng Đoàn. Ảnh: P.K.

Trần Trọng Đoàn (sinh năm 2004) từng đoạt giải Nhất thể loại Tản văn Cuộc thi Văn học trẻ Đại học Quốc gia TP.HCM 2023, thời gian qua đã ra mắt một số tác phẩm thơ trên một blog cá nhân, tìm được những bạn đọc của riêng mình. Đoàn thể hiện sự phấn khởi vì đến tham dự Ngày thơ năm nay được gặp các nhà thơ cùng thế hệ và cả những thế hệ trước.

Sáng táng hiện tại của Đoàn bộc lộ những suy tư về vấn đề danh tính và những định kiến xã hội mà con người phải đối mặt, cũng như những nội dung nhẹ nhàng như tình cảm trong đời sống, tình yêu. Đoàn mong muốn được nhớ đến với những "bài thơ của một người bình thường không tầm thường". Nhà văn - nhà thơ đang bước sang tuổi 21 tìm thấy "thế giới tự do tuyệt đối trên trang viết, từ đó được trải lòng và thể hiện mình".

Với Đoàn, những dịp như Ngày thơ là cơ hội đáng quý để kết nối thêm mối quan hệ, song anh vẫn luôn tự nhắc mình rằng "chất lượng sáng tác điều quan trọng nhất trong văn chương".

Phong Khang

Nguồn Znews: https://znews.vn/ngay-tho-2025-ton-vinh-thi-ca-gan-voi-lich-su-van-hoa-dan-toc-post1531075.html