Nghệ sĩ lưu trú 'đánh thức' ngôi đình trong khu phố cổ
Dự án nghệ sĩ lưu trú với chủ đề Tơ óng - Màu cây: Đường thêu nét nhuộm xưa – nay do nghệ sĩ thêu Phạm Ngọc Trâm thực hiện tại đình Tú Thị đã giới thiệu đến công chúng vẻ đẹp tinh xảo của nghệ thuật thêu tay, đồng thời khẳng định sức sống bền bỉ của tinh hoa nghề thêu Việt Nam.
Óng lại những đường thêu nét nhuộm xưa
Diễn ra tại đình Tú Thị[*], chương trình Tơ óng - Màu cây: Đường thêu nét nhuộm xưa – nay là tên gọi của chương trình nghệ sĩ lưu trú nối dài những chuỗi hoạt động của dự án Chuyện đình trong phố.
Chương trình cho phép nghệ sĩ tới sáng tác, chia sẻ và mở xưởng trong thời gian 8 tuần tại đình, nhằm mang lại những trải nghiệm, tìm tòi và cảm hứng sáng tác mới nhờ tiếp xúc và nghiên cứu sâu sắc các yếu tố văn hóa, con người, không gian… giàu tính di sản của đình.
Không gian diễn ra chương trình còn độc đáo ở chỗ hiện diện một mắt xích giữa truyền thống và đương đại thiêng liêng, bởi đình Tú Thị là một trong những ngôi đình trong phố tiêu biểu, đánh dấu mắt xích liên kết từ làng lên phố giữa làng thêu Quất Động với đô thị Thăng Long - Kẻ Chợ.
Xưa kia, cùng với dòng người hội tụ về Thăng Long làm ăn, những người thợ thủ công làng Quất Động đã di cư vào Thăng Long và đến định cư tại làng Yên Thái, vốn là đất thôn Yên Thái, tổng Tiền Túc (sau đổi là tổng Thuận Mỹ), huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức để sinh cơ lập nghiệp theo nghề cổ truyền do tổ tiên để lại.
Tại đây, người làng Quất Động đã xây dựng một ngôi đình để thờ ông tổ nghề thêu – Lê Công Hành vào năm 1891. Đình có tên Nôm là “Đình Chợ Thêu”, tên chữ là “Tú Đình Thị” nghĩa là “Chợ đình Thợ Thêu”.
![Công chúng đã có dịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp tinh xảo của nghệ thuật thêu tay qua chương trình“Tơ óng - Màu cây”.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_342_51461422/70f30915395bd005894a.jpg)
Công chúng đã có dịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp tinh xảo của nghệ thuật thêu tay qua chương trình“Tơ óng - Màu cây”.
Đến với chương trình, công chúng có dịp được tiếp xúc sâu hơn với nghệ thuật bằng việc tham quan, chứng kiến và hỏi đáp trực tiếp quá trình sáng tạo của nghệ sĩ qua việc tham quan các bức tranh thêu cổ được trưng bày trong triển lãm, và theo dõi nghệ sĩ Phạm Ngọc Trâm ngồi thêu tại đình với các bài thêu cổ mang tính di sản.
Trong thời gian lưu trú, nghệ sĩ cũng đưa ra những tương tác, đóng góp và giao lưu văn hóa với cộng đồng thông qua các hội thảo, workshop và góc đọc sách chuyên ngành thêu.
Triển lãm diễn ra trong suốt thời gian lưu trú sáng tác đã trưng bày những bức tranh thêu cổ thời Đông Dương (khoảng 100 năm) trong bộ sưu tập cá nhân của nghệ sĩ Phạm Ngọc Trâm và một phần bảng màu chỉ thêu tơ tằm nhuộm tự nhiên là kết quả nghiên cứu và thực hành tìm tòi chất cảm của nghệ sĩ trong suốt nhiều năm.
![Nghệ sĩ Phạm Ngọc Trâm thực hành thêu tay tại đình Tú Thị.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_342_51461422/7f1805fe35b0dcee85a1.jpg)
Nghệ sĩ Phạm Ngọc Trâm thực hành thêu tay tại đình Tú Thị.
Tại buổi tổng kết dự án sáng 12.2, tấm thêu Lưỡng long tranh châu - thành quả thời gian lưu trú tại đình của nghệ sĩ Phạm Ngọc Trâm đã được ra mắt.
Nghệ sĩ Phạm Ngọc Trâm cho biết, trong thời gian thực hiện chương trình nghệ sỹ lưu trú tại cổ đình Tú Thị, mong đợi của chị là định hình, làm dầy dặn và nuôi dưỡng mối dây liên hệ giữa cá nhân mình với Tổ nghề và nguồn cội nghề thêu - theo cách riêng của một nghệ sĩ thực hành nghệ thuật hiện đại.
Ở khía cạnh truyền thống, bằng việc “chép vốn cổ”, nghệ sĩ đã kết nối thân, tâm của mình với việc thêu, tưởng tượng đời sống của một nghệ nhân thêu thời cổ và đi theo từng bước của chuỗi công việc nghề thêu. Còn ở khía cạnh đương đại, nghệ sĩ đã quan sát chính mình khi thực hành, chiêm nghiệm và lật lại những suy tưởng về sáng tạo, mỹ thuật, vai trò xã hội, góc nhìn về giới, mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên… trong nghề thêu ở quá khứ, hiện tại và tương lai.
“Điểm cuối thực hành nghệ thuật của tôi không nhất thiết chỉ bao gồm những bức tranh thêu mà còn là những trình bày, sắp đặt, dự án nghệ thuật thị giác (visual arts)... được gợi cảm hứng từ mọi khía cạnh và ý niệm của nghề thêu tay từ quá khứ tới hiện nay”, nghệ sĩ Phạm Ngọc Trâm chia sẻ.
![Các bạn trẻ tìm hiểu về nghề thêu qua sự hướng dẫn của nghệ sĩ.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_342_51461422/224c59aa69e480bad9f5.jpg)
Các bạn trẻ tìm hiểu về nghề thêu qua sự hướng dẫn của nghệ sĩ.
Cho rằng thêu là vốn cổ quý giá cho những sáng tạo trong tương lai, nghệ sĩ Phạm Ngọc Trâm mong muốn những dự án nghệ thuật lưu trú sẽ tiếp tục nhận được nhiều sự quan tâm và hỗ trợ hơn nữa để có thể đưa di sản thêu trở lại đúng vị trí đáng quý trên nền nghệ thuật sáng tạo Việt Nam và cả trên thế giới.
Nét độc đáo của các chương trình lưu trú nghệ thuật
Những chuyến lưu trú sáng tác là cơ hội để các nghệ sĩ có dịp gác lại các nỗi lo cuộc sống để dành nhiều thời gian hơn cho việc nghiên cứu, sáng tạo, thực hành và tạo ra tác phẩm mới. Việc tham gia các đợt lưu trú cũng mang đến nhiều cơ hội về nghề nghiệp cho các nghệ sĩ, nhất là nghệ sĩ trẻ.
Là người đã từng tham gia nhiều chương trình nghệ sĩ lưu trú trên thế giới, nghệ sĩ, giám tuyển Nguyễn Thế Sơn chia sẻ: “Thực hành lưu trú nghệ thuật là trải nghiệm tuyệt vời, ở đó, các nghệ sĩ có thể đưa các thực hành nghệ thuật của mình để đối thoại với chính thành phố, cộng đồng và không gian lưu trú trong một khoảng thời gian nhất định”.
![Nghệ sĩ, giám tuyển Nguyễn Thế Sơn chia sẻ các chương trình lưu trú nghệ thuật tại buổi tổng kết dự án.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_342_51461422/7e7e029832d6db8882c7.jpg)
Nghệ sĩ, giám tuyển Nguyễn Thế Sơn chia sẻ các chương trình lưu trú nghệ thuật tại buổi tổng kết dự án.
Chương trình nghệ sĩ lưu trú đã xuất hiện phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới và trong xu hướng mới của nghệ thuật đương đại, nhiều đơn vị trong nước cũng bắt đầu tổ chức các chương trình này. Trong đó, các lĩnh vực không chỉ dành riêng cho những nghệ sĩ thực hành nghệ thuật thị giác mà còn cả các lĩnh vực khác như giám tuyển, viết văn, làm thơ, đạo diễn,…
Tuy nhiên khác với các nước đồng văn là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc thì Việt Nam lại mang một đặc điểm văn hóa rất riêng là có các đình thờ tổ nghề đặc trưng, tạo ra nét độc đáo, tính cộng đồng khi thực hiện các chương trình lưu trú nghệ thuật (artist-in-residence) trong không gian đình trong phố.
“Tồn tại cùng với những khu phố cổ sầm uất, đình thờ tổ nghề giống như những viên ngọc ẩn giấu trong đời sống đô thị hiện đại. Chúng tôi hy vọng, những chương trình lưu trú nghệ thuật sẽ tạo ra nguồn cảm hứng, giúp cho nghệ sĩ có được những tương tác với các giá trị truyền thống thông qua nghệ thuật đương đại”, nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn cho hay.
Với hơn 60 ngôi đình thờ tổ nghề, quận Hoàn Kiếm đã trở thành địa điểm lý tưởng để tổ chức các dự án nghệ thuật, trong đó nổi bật là Chuyện đình trong phố. Đây làdự án đánh thức các ngôi đình trong khu phố cổ Hà Nội bằng hoạt động đưa nghệ thuật vào triển lãm do quận phối hợp với nhóm nghệ sĩ thực hiện, nhằm tạo sức sống cho các di sản, thúc đẩy việc phát huy giá trị di sản, hướng tới xây dựng Hoàn Kiếm là quận sáng tạo của Thủ đô.
![Nghệ sĩ Phạm Ngọc Trâm chia sẻ về quá trình thực hành lưu trú vừa qua.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_342_51461422/8f4af2acc2e22bbc72f3.jpg)
Nghệ sĩ Phạm Ngọc Trâm chia sẻ về quá trình thực hành lưu trú vừa qua.
Mỗi thực hành nghệ thuật đương đại trong các chương trình lưu trú nghệ thuật vừa góp phần kết nối những câu chuyện về nghề truyền thống, vừa mang những giá trị truyền thống đối thoại với những hình thức nghệ thuật đương đại với ý nghĩa kết nối, làm mới lại di sản.
Các nghệ sĩ tham gia dự án mong muốn, lưu trú nghệ thuật sẽ trở thành những gợi ý để chính quyền, các nhà quản lý ở Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội khai thác những không gian sáng tạo ở trong địa bàn thành phố. Khi mô hình này được mở rộng, nó có thể mang đến những dấu ấn đặc trưng cho đô thị, góp phần cụ thể hóa câu chuyện công nghiệp văn hóa bằng một hướng đi độc đáo mà chỉ ở khu phố cổ Hà Nội mới có được.
Phạm Ngọc Trâm là nghệ sĩ thêu Việt Nam, sinh năm 1984 và tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 2006. Thành lập Meo Meo Atelier từ 2014, Phạm Ngọc Trâm có nhiều năm nghiên cứu và thể nghiệm trong lĩnh vực vật liệu mềm textile arts, đặc biệt là các kỹ thuật thêu và nhuộm cổ. Thực hành nghệ thuật của cô bắt nguồn từ niềm say mê với vốn cổ di sản Việt Nam, tình yêu thiên nhiên và cảm hứng với sự tự do.
Nguyễn Hoàng Minh
___________
[*] Chương trình diễn ra từ 9.12 – 19.1.2025.