Nơi lưu giữ ký ức văn hóa

Lợi thế của Mẫn Phong Sơn là ông từng làm cán bộ quản lý đất đai, từ thời Đắk Nông và Đắk Lắk chưa chia tách tỉnh, ông đã có cơ hội đi đến những vùng xa xôi, hẻo lánh nhất. Càng đi, càng thấy thú vị, mỗi nơi đến, ông đều mang về một hiện vật. Nay, kho sưu tập của Mẫn Phong Sơn đã lên đến hàng ngàn hiện vật, mỗi hiện vật thể hiện nét văn hóa, tín ngưỡng độc đáo của đồng bào dân tộc gốc Tây Nguyên. Đầu xuân, mời các bạn đến mục sở thị bảo tàng Ama H'Mai ở buôn Kmrơng Prông B (xã Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), gặp gỡ chủ nhân bảo tàng là ông Mẫn Phong Sơn quê gốc xứ Kinh Bắc kể về hành trình tích góp, gom nhặt tri thức trên vùng đất mới.

Trong Bảo tàng Ama H’Mai

Trong Bảo tàng Ama H’Mai

- Thưa ông, điều gì đã thôi thúc ông thành lập Bảo tàng tư nhân Ama H’Mai?

- Ông MẪN PHONG SƠN: Phải nói thật là hữu duyên, từ thập niên 90 của thế kỉ trước, khi đang còn là cán bộ đo đạc, do đặc thù công việc, chúng tôi phải đi nhiều đến nỗi không nhớ nổi. Ban đầu chỉ là sở thích sưu tầm vài đồ vật dụng dễ mang về, dần dần tôi nhận ra nhiều thứ đã mai một, thậm chí biến mất, tôi mới bắt đầu nảy ra ý định làm một bộ sưu tập. Sống ở ngay giữa buôn làng của người Ê Đê nên tôi làm bảo tàng với mục đích để trước hết là cho thế hệ trẻ xung quanh cũng như hàng xóm, láng giềng hiểu hơn về phong tục, tập quán, văn hóa của cha ông để trân quý giữ gìn và phát huy giá trị đó. Ama trong tiếng Ê Đê có nghĩa là bố, H’Mai là tên con gái, “Ama H’mai” có nghĩa là “Bố của Mai”.

Trong Bảo tàng Ama H’Mai

Trong Bảo tàng Ama H’Mai

- Từ thích thú ban đầu đến đam mê, có thể nói, đến nay ông đã có cả một gia tài hiện vật, mỗi hiện vật trong bảo tàng đều đáng quý bởi chúng có đời sống và câu chuyện riêng. Ông có thể chia sẻ thêm về điều này?

- Đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên theo tín ngưỡng vạn vật hữu linh. Theo họ, tất cả sự vật xung quanh đều có thần linh canh giữ, vì vậy họ cố sống làm sao để làm hài lòng thần linh, tối kị việc xúc phạm vào điều linh thiêng. Có lần tôi nghe được câu chuyện từ một vị già làng kể rằng, vài năm trước có đoàn công tác xuống thăm nhà, người cán bộ sơ ý tiện miệng nhổ nước bọt vào một chiếc ché ngay gần chỗ ngồi, sau đó một thời gian ông đã bán chiếc ché bởi theo ông, khi điều linh thiêng đã bị xúc phạm, ông cũng không muốn giữ lại bởi với ông nó không còn giá trị tâm linh nữa. Nhiều năm sau, khi nhắc lại ông vẫn thấy tiếc nuối vì đó là vật cha ông để lại.

Người cán bộ đó không biết, vị già làng cũng chưa giãi bày tâm sự với ai về chuyện này, đó là may mắn của tôi khi trực tiếp được lắng nghe tiếng lòng của họ. Thế nên, đối với tôi, mỗi hiện vật ở đây đều đáng trân quý. Có người nghĩ tôi sưu tập để mua đi, bán lại kiếm lời, thậm chí còn nghi vấn về niên đại của hiện vật, tôi khẳng định đó không phải là mục đích mà mình theo đuổi.

Trong văn hóa dân gian có tri thức dân gian, trong kho tàng đó, người Ê Đê đặc biệt đề cao tinh thần lao động, giáo dục con trẻ. Bộ sưu tập tẩu thuốc của tôi có 3 loại tương ứng với các chất liệu đồng, đất nung và bằng tre. Ngày xưa, già trẻ, gái trai Ê Đê đều hút thuốc, trong ba loại tẩu trên, tẩu bằng đồng có giá trị nhất. Nhưng trong luật tục người Ê Đê, nếu ai ăn cắp tẩu bằng tre thì bị phạt nặng nhất bởi tẩu bằng tre dễ làm, nguyên liệu có sẵn, thì bất kì ai cũng có thể làm được, phạt ở đây là phạt tội lười biếng, không phải phạt vì giá trị vật chất.

Bếp của người Ê Đê thường làm bằng đất, cao hơn nền nhà sàn khoảng 10 cm đặt ở giữa phòng khách, ngay bên cạnh bếp luôn có một chiếc gùi đựng từ ba đến bốn bầu nước. Khi bắt đầu tàn lửa, nước được dùng để tưới xung quanh bếp, mục đích là tăng độ ẩm, giảm nhiệt trên nền đất, tránh trường hợp tro hay than bay ra ngoài, hạn chế nguy cơ gây hỏa hoạn. Đây là tri thức dân gian trong phòng, chống cháy của người Ê Đê xưa và cho đến ngày nay vẫn được áp dụng.

Mỗi hiện vật trong bảo tàng thể hiện nét văn hóa, tín ngưỡng độc đáo của đồng bào dân tộc gốc Tây Nguyên

Mỗi hiện vật trong bảo tàng thể hiện nét văn hóa, tín ngưỡng độc đáo của đồng bào dân tộc gốc Tây Nguyên

- Ông vừa với vai trò là chủ nhân vừa là hướng dẫn viên của bảo tàng, câu chuyện ông kể xuất phát từ thực tế cuộc sống gắn bó, chan hòa giữa chủ thể văn hóa cho nên nó sống động, dễ tiếp thu, dễ nhớ. Công tác bảo tồn văn hóa là một việc khó, cần nhiều thời gian, công sức, đòi hỏi năng lực và trách nhiệm của người làm công tác văn hóa. Theo ông, lâu nay, cách tiếp cận đối với chủ thể văn hóa của ngành chức năng đã đúng cách chưa?

- Tôi thấy nhiều thứ chưa phù hợp. Theo như tôi biết, ngay ở Buôn Ma Thuột này đã mời nghệ nhân Jrai sang Trường Đại học Tây Nguyên để dạy đánh chiêng Jrai cho người Ê Đê, như thế nó không đúng, dạy mà không thực hành thì nó trở nên vô nghĩa, cái thực hành thường xuyên mới là cái quan trọng.

Tôi nghĩ, bảo tồn phải trở về đúng không gian, chủ thể của nó, có thể chúng ta xuất phát từ thôn, buôn nào đấy có đậm đặc người bản địa, để cho họ nói lên được tâm tư, nguyện vọng mong muốn giữ cái gì, cái gì bỏ, cái gì cần bổ sung, chỉnh sửa và phát triển. Mỗi buôn sẽ có mặt mạnh riêng của họ, ví dụ như buôn này có người già biết thổi Đinh puôt, thì làm sao để ông ấy có thể truyền lại cho bọn trẻ cách thổi Đinh puốt, buôn nào có nghệ nhận đánh chiêng thì mình phát huy đánh chiêng là thế mạnh, chứ bây giờ đi đâu cũng thấy giàn hàng ngang đánh chiêng, dệt vải như thế thực ra không phù hợp với thực tế tại từng buôn làng cụ thể. Xét về khía cạnh du lịch thì dễ nhàm chán vì đi đâu cũng giống nhau, nếu là tôi, tôi chỉ đến một chỗ là đủ biết những chỗ còn lại.

Việc xây dựng nhà cộng đồng cũng vậy. Người Ba Na và Jrai có nhà rông được xem là nhà cộng đồng, người Ê Đê thường tụ tập ở nhà dài trong buôn, thường là nhà của tù trưởng, người có uy tín, giàu có. Đây là nơi tổ chức các lễ cầu cúng, thực hiện nghi thức tâm linh, nhà dài đủ lớn để cả buôn tụ tập bàn việc buôn, làng, chứ người Ê Đê không có nhà cộng đồng như bây giờ.

Người Ê Đê có một câu nói rất hay: “Chúng tôi học bằng mắt chứ không học bằng tai”. Người ta nghe mình nói họ có thể họ quên, phải nhìn thấy cái mình làm thì người ta mới nhớ, mới tin được. Ví dụ như người đàn bà đi ra giã gạo trước hiên nhà thì bao giờ bộ chày cối đằng trước cũng có bộ nhỏ hơn để cho đứa con gái khoảng 12 - 13 tuổi bắt đầu trưởng thành nó tò mò khi thấy bố mẹ làm, nó bắt chước làm theo, đó chính là học bằng mắt…

LÊ TIẾN SỸ (thực hiện)

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/van-hoa-nghe-thuat/202502/noi-luu-giu-ky-uc-van-hoa-25612eb/