Ngày thơ Việt Nam lần thứ 23:Khơi gợi trách nhiệm, khát vọng của nhà thơ

Ngày 12/2 tại Ninh Bình, tọa đàm 'Trách nhiệm và khát vọng của nhà thơ' đã được Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức, trong khuôn khổ Ngày Thơ Việt Nam. Tọa đàm thu hút sự tham gia của nhiều nhà văn, nhà thơ và những người yêu văn chương. Tại đây, những câu hỏi lớn về vai trò của nhà thơ, sự thay đổi trong thế giới quan và quan điểm sáng tạo của họ đã được thảo luận một cách sâu sắc.

Thơ có thể làm gì?

Thơ ca được coi là một “tấm gương” phản chiếu những biến động của thời đại. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, nơi mà các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, sự phân hóa xã hội, hay sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đang chi phối mọi mặt, vai trò của nhà thơ lại một lần nữa đặt ra. Nhà thơ không chỉ “mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây” mà còn là người có trách nhiệm với xã hội, với những vấn đề lớn lao của cộng đồng.

Một tiết mục trình diễn trong khuôn khổ Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 23 diễn ra tại Ninh Bình. Ảnh: Hữu Khôi.

Một tiết mục trình diễn trong khuôn khổ Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 23 diễn ra tại Ninh Bình. Ảnh: Hữu Khôi.

Phát biểu tại tọa đàm, nhà thơ Nguyễn Bình Phương - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhấn mạnh, thơ ca có giá trị đối với đời sống ở chỗ, con người biết vịn vào sự tử tế do thơ ca mang đến. Thơ ca không chỉ đưa con người vượt qua những trắc trở trong cuộc sống, nhìn ra những vẻ đẹp của cuộc sống và ca tụng vẻ đẹp đó, mà từ đó còn chưng cất lên một vẻ đẹp khác cao hơn mang tính lý tưởng, biến lý tưởng thành khát vọng và đưa con người hướng tới lý tưởng đó. Thơ ca tạo ra khát vọng để con người vươn tới. Khát vọng đó gắn chặt với trách nhiệm của nghệ sĩ.

Nhưng liệu người nghệ sĩ, mà cụ thể ở đây là các nhà thơ, đã làm được đầy đủ trách nhiệm đó hay chưa, có đối diện với những vấn đề gai góc của đời sống không, hay chọn cách đi vòng qua, tránh né bằng sự phù phiếm. Đó là câu hỏi mà nhiều người đặt ra.

Tại buổi tọa đàm, 11 tham luận đã được trình bày tập trung lí giải và luận bàn xoay quanh chủ đề trách nhiệm và khát vọng, thiết thực với đời sống xã hội, với môi trường sống chúng ta đang hít thở, tạo nên suy tưởng của nhà thơ về thời đại. Các ý kiến tham luận đã tập trung làm rõ nhiều vấn đề được đặt ra như: Thi ca trở về giá trị đích thực vốn có của nó; thơ hay - trách nhiệm và khát vọng của nhà thơ; thi ca - tín hiệu rung chuyển của thời cuộc; nghĩ về trách nhiệm của nhà thơ hôm nay...

Theo nhà thơ Vũ Quần Phương, trách nhiệm và khát vọng là hai yếu tố quan trọng, bổ sung cho nhau trong sự nghiệp của người cầm bút: “Trách nhiệm và khát vọng, về định tính, chúng như nhau, đều là những đòi hỏi tích cực của cuộc đời mà mỗi chúng ta nên hoàn thiện, cần hoàn thiện, phải hoàn thiện. Nhưng về định lượng thì có khác nhau. Trách nhiệm có tính cách bắt buộc, như bổn phận, không hoàn thành là thiếu sót, nhưng cái đích ngắn hơn, cụ thể hơn, nhiều khi như việc của thường ngày. Khát vọng thì không bắt buộc ai cũng phải có, phải trưng ra, cái đích đến của khát vọng cũng cao hơn, cũng xa hơn, nhiều khi là cả đời người”.

Trách nhiệm thể hiện qua việc nhà văn phải phản ánh hiện thực cuộc sống, đấu tranh cho những giá trị tốt đẹp. Lớp lớp các nhà thơ đã làm tròn trách nhiệm với vận mệnh của đất nước và hạnh phúc của nhân dân. Tuy nhiên, trách nhiệm không có nghĩa là từ bỏ khát vọng sáng tạo. Nguyễn Đình Thi là một ví dụ cho thấy sự dung hòa giữa trách nhiệm và khát vọng. Ông sẵn sàng sửa chữa những tác phẩm chưa phù hợp với công chúng để “thực thi trách nhiệm nhà văn trước đòi hỏi của cuộc đời”, nhưng đồng thời vẫn theo đuổi khát vọng cách tân thơ.

Nhà thơ Nguyễn Bình Phương phát biểu tại tọa đàm “Trách nhiệm và khát vọng của nhà thơ”. Ảnh: Minh Thu.

Nhà thơ Nguyễn Bình Phương phát biểu tại tọa đàm “Trách nhiệm và khát vọng của nhà thơ”. Ảnh: Minh Thu.

Từ góc nhìn của mình, nhà thơ Hà Phạm Phú đặt câu hỏi “Thơ có thể làm gì để xây dựng một xã hội chân - thiện - mỹ?”. Ông cho rằng, hiển nhiên thơ sẽ không trực tiếp can thiệp, thay đổi vận mệnh thực sự của con người, nhưng nó sẽ tác động đến xã hội một cách tinh tế. Đặc biệt hiện nay, Internet và thông tin đa phương tiện đã thâm nhập sâu và rộng vào nhiều lĩnh vực của xã hội, nền tảng sáng tạo và các kênh truyền thông, tiếp nhận thơ ngày càng đa dạng. Đặc điểm văn phong của thơ quyết định nó có thể điều phối sự chú ý của công chúng, dùng ngôn từ thích hợp để diễn đạt những chủ đề phức tạp, truyền tải năng lượng mới, chạm đến những vấn đề nóng hổi của xã hội…

Thơ hay làm cho người ta phải kinh ngạc

Trong khi đó, nhà thơ Đặng Huy Giang nhận định, thơ của ta hiện nay có diện nhưng không có đỉnh. Tìm ra được một gương mặt mới, một hiện tượng thơ mới, bây giờ thật là khó. Những bài thơ vô thưởng, vô phạt hơi nhiều. Những bài thơ không sạch nước cản, lại đẻ non, rất sẵn. Những bài thơ mang giá trị hữu ích, có ảnh hưởng tốt về mặt mỹ cảm rất hiếm. Những bài thơ có ý, có tứ cũng rất hiếm. Những bài thơ có giá trị về mặt tư tưởng thì chẳng khác gì “sao buổi sớm”, “lá mùa thu”... Có vẻ như nguyên khí không còn mấy. Xu hướng “mủi lòng”, “rên rỉ”, “làm trò làm vè”, “bế tắc”... ngày càng có xu hướng gia tăng. “Theo tôi, thơ hay là thơ có tư tưởng, giản dị mà sâu sắc, giản dị mà khó làm, làm khác thường những điều bình thường hoặc phát hiện ra những điều khác thường trong những điều bình thường. Đó là cái đích muôn đời mà nhân loại đã, đang và sẽ hướng tới. Và những bài thơ hay, được chuyển ngữ thường đáp ứng những đòi hỏi trên” - nhà thơ Đặng Huy Giang bày tỏ.

Cũng bàn về cái mới trong thơ, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến nêu quan điểm: Cái mới trong thơ nhiều khi không cần đến sự trình diễn cầu kỳ bằng một hình tượng lạ, một cấu trúc lạ, một biểu đạt lạ mà điều nó hướng tới phải là một phát hiện mới về tính suy tưởng của thơ. “Thơ hay là thứ thơ làm cho người ta phải kinh ngạc và thật sự rung động bởi một ý tưởng mới, một suy tưởng mới, một sức sống mới đang làm nên những dạng thức mới của ngôn ngữ thơ” - nhà thơ Nguyễn Việt Chiến nhấn mạnh.

Khát vọng sáng tạo của nhà thơ không chỉ nằm ở việc phát triển ngôn ngữ nghệ thuật mà còn ở khả năng kết nối các thế hệ thông qua những tác phẩm của mình. Mỗi nhà thơ, với trách nhiệm và khát vọng sáng tạo, đều có một nhiệm vụ chung: viết những bài thơ có thể thấu hiểu, sẻ chia và khơi dậy cảm xúc của người đọc.

Ngày 12/2, Ngày Thơ Việt Nam đã diễn ra tại các địa phương trên cả nước. Trong đó, tại Ninh Bình, Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 23 năm 2025, với chủ đề “Tổ quốc bay lên”. Chủ đề của ngày thơ năm nay lấy cảm hứng từ câu thơ “Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân” trong bài thơ “Dáng đứng Việt Nam” của nhà thơ, liệt sĩ Lê Anh Xuân.
Còn tại TPHCM, Ngày Thơ Việt Nam năm 2025 cũng đã diễn ra ở khuôn viên Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TPHCM (quận 3), với chủ đề “Bài ca thống nhất”.

Trang Thu

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ngay-tho-viet-nam-lan-thu-23-khoi-goi-trach-nhiem-khat-vong-cua-nha-tho-10299812.html