Những bước chân lặng thầm trong mùa xuân toàn thắng

Năm tháng có thể phủ bụi lên những vết chân trên con đường Trường Sơn năm xưa, nhưng có những bước chân sẽ còn mãi trong ký ức dân tộc - những bước chân lặng thầm của người chiến sĩ Công an nhân dân vượt núi băng rừng, chi viện cho chiến trường miền Nam trong những ngày khói lửa, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của mùa xuân năm 1975. Trong niềm vui khi non sông thu về một mối, có biết bao người lính đã không trở về. Và trong số những người trở về, có những chiến sĩ mang theo ký ức không thể xóa nhòa. Thiếu tá Trịnh Đức Thịnh - nguyên cán bộ Trại tạm giam số 2, Công an thành phố Hà Nội là một trong những người như thế.

Ngọn lửa của lòng yêu nước

Sinh năm 1954 tại vùng quê Khánh An, Yên Khánh, Ninh Bình, chàng trai Trịnh Đức Thịnh lớn lên trong bối cảnh đất nước bị chia cắt. Khi bước vào tuổi đôi mươi, cái tuổi đẹp nhất của đời người, ông đã không chọn ở lại với những ước mơ riêng tư mà lên đường nhập ngũ, biên chế vào Đoàn 555 thuộc Ban An ninh miền Trung Trung bộ.

Thiếu tướng Dương Đức Hải, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cùng đoàn công tác tặng quà đồng chí Trịnh Đức Thịnh

Thiếu tướng Dương Đức Hải, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cùng đoàn công tác tặng quà đồng chí Trịnh Đức Thịnh

Đó là năm 1974, thời điểm chiến trường miền Nam bước vào giai đoạn khốc liệt nhất. Với tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, lực lượng Công an nhân dân đã chọn lọc, huấn luyện và chi viện hàng nghìn cán bộ tinh nhuệ vào Nam, trong đó có ông Thịnh. Mang trong tim lời hiệu triệu của Tổ quốc, ông lặng lẽ rời hậu phương, bước vào chiến trường không mang theo giấy tờ tùy thân, không hành lý nặng nề mà chỉ có một niềm tin mãnh liệt vào việc “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Ông kể: “Chúng tôi đi mà chẳng nghĩ gì nhiều, thậm chí không ai mang giấy tờ để phòng khi rơi vào tay giặc. Tất cả đều thực hiện “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”, vì sự an toàn của lực lượng và của chính mình”.

Lúc đó, mỗi chiến sĩ đều như cánh chim không mỏi, mang theo nguyện vọng của hậu phương, tình yêu thương của đồng bào, sẵn sàng hy sinh cho ngày non sông liền một dải. Nhiệm vụ đầu tiên của ông Thịnh là bảo vệ an toàn cho các đồng chí lãnh đạo Khu ủy Khu 5 - nơi đầu não chỉ đạo cách mạng miền Trung. Trong môi trường đầy hiểm nguy, việc giữ an toàn cho cấp lãnh đạo không chỉ đòi hỏi tinh thần cảnh giác cao độ mà còn là sự hy sinh âm thầm. Sau một thời gian, ông được điều động về Trà My, Quảng Nam, nơi đang tổ chức một lớp đào tạo y tá trong rừng. Chuyến đi từ Khu ủy đến Trà My không hề dễ dàng. Phải vượt qua những cánh rừng rậm rạp, lội qua con sông Tranh trong đêm tối giữa mùa mưa, khi nước chảy cuồn cuộn và bùn đất ngập lối.

Ông Trịnh Đức Thịnh bên gia đình

Ông Trịnh Đức Thịnh bên gia đình

Ông Thịnh nhớ lại: “Đó là chuyến đi mà tôi không thể nào quên. Mỗi bước chân cảm nhận rõ sự mỏng manh giữa sự sống và cái chết. Tại Trà My, tôi vừa học y tá, vừa trực tiếp chăm sóc các thương binh từ chiến trường đưa về. Đó là những người lính thân thể không còn vẹn nguyên, thậm chí có người đang hấp hối, nhưng lúc nào cũng ánh lên niềm tin trước lúc nhắm mắt”.

Chính những giờ phút chăm sóc, điều trị cho đồng đội bên giường bệnh ấy đã tôi luyện trong ông lòng kiên nhẫn, sự cảm thông và ý chí không khuất phục trước đau thương. “Mỗi một lần xót xa trước sự hy sinh của đồng đội là một lần tôi tự nhủ mình phải sống, phải làm việc gấp đôi để bù lại phần mất mát” - ông Thịnh nói

Ký ức không phai

Cuối tháng 3-1975, ông Thịnh cùng Đoàn 555 nhận lệnh tham gia giải phóng Đà Nẵng. Khi đoàn quân tiến đến cửa ngõ thành phố, quân địch đã tháo chạy tán loạn. Ông nhớ lại khoảnh khắc ấy với giọng xúc động: “Âm vang của những bài hát như “Tiến về Sài Gòn”, “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” vang lên khắp nơi. Tôi thấy nước mắt mình rơi mà không biết vì mừng hay vì thương những người đã nằm lại nơi rừng sâu núi thẳm”.

Không lâu sau, ông được điều về bảo vệ kho xăng Đại Liên, rồi đến khu công nghiệp Hòa Vang, những cơ sở hạ tầng trọng yếu của miền Trung sau giải phóng. Ngày 7-4-1975, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra bức điện nổi tiếng với tinh thần “Thần tốc, thần tốc hơn nữa...”, toàn bộ các cánh quân của ta lập tức chuyển hướng tiến vào giải phóng miền Nam thì ông Thịnh được rút về Gia Lai để hỗ trợ công tác quản lý trại giam, giữ gìn an ninh trật tự tại những vùng mới giải phóng. Sau ngày 30-4-1975, non sông liền thành một dải thì ông được cấp trên điều động chuẩn bị chi viện sang chiến trường Campuchia. Tuy nhiên, kế hoạch sau đó thay đổi và ông được điều về công tác tại Trại giam 52 và đến năm 1982 thì chuyển về Trại tạm giam số 2 thuộc Công an thành phố Hà Nội, rồi gắn bó với công tác y tế đến ngày nghỉ hưu.

Giờ đây, khi đã nghỉ hưu, Thiếu tá Trịnh Đức Thịnh vẫn nhớ từng khoảnh khắc của những năm tháng tham gia kháng chiến. Ông bảo: “Được trở về là một điều may mắn, nhưng tôi không bao giờ quên được đồng đội đã nằm lại rừng sâu. Họ hy sinh trong thầm lặng, không đòi hỏi vinh quang, chỉ để lại cho đời một tấm gương”. Vì thế, ông luôn nhớ nằm lòng, ở bất cứ cương vị nào, từ người lính trên chiến trường đến y tá trong trại giam, đều phải sống và làm việc với tinh thần “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. Đó là phẩm chất cao quý của người chiến sĩ Công an nhân dân mà ông luôn gìn giữ như một lời thề suốt đời.

Câu chuyện của Thiếu tá Trịnh Đức Thịnh là minh chứng sống động cho đóng góp lặng thầm mà vô cùng quan trọng của lực lượng Công an nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Họ không chỉ chiến đấu trực diện ngoài mặt trận, mà còn âm thầm bảo vệ hậu phương, chăm sóc thương binh, đảm bảo an ninh cho từng bước tiến của cách mạng. Từ những bước chân lặng thầm trong rừng Trường Sơn năm ấy, một nửa thế kỷ đã qua, nhưng mỗi câu chuyện, mỗi ký ức đều là viên gạch làm nên nền móng vững chắc của lòng yêu nước và tinh thần trách nhiệm. Những người như Thiếu tá Trịnh Đức Thịnh không ồn ào, không lấp lánh hào quang, nhưng lại chính là nhân chứng sống, là điểm tựa cho niềm tin và tự hào của cả một thế hệ.

Khánh Huyền

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nhung-buoc-chan-lang-tham-trong-mua-xuan-toan-thang-post610194.antd