Ngay trong tháng 6, Việt Nam sẽ tiến hành khảo sát tình hình hoạt động của doanh nghiệp

Trong tháng 6/2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ giao Tổng cục Thống kê thực hiện một chương trình khảo sát đánh giá tình hình hoạt động của doanh nghiệp.

Ngay trong tháng 6 sẽ khảo sát tổng thể tình hình doanh nghiệp

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê (GSO), trong 4 tháng đầu năm 2024, cả nước có 81.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 20.300 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Ngược lại, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 86.400 doanh nghiệp, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 21,6 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

 Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. (Ảnh: MPI)

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. (Ảnh: MPI)

Như vậy, có thể thấy rằng, trong giai đoạn 4 tháng đầu năm 2024, số lượng doanh nghiệp phá sản đang áp đảo so với số lượng doanh nghiệp thành lập mới.

Tuy nhiên, bước sang tháng 5/2024, các con số này có xu hướng đảo chiều, số lượng doanh nghiệp phá sản đã thấp hơn số lượng doanh nghiệp thành lập mới, song cách biệt không quá lớn.

Theo báo cáo của GSO, riêng trong tháng 5, cả nước có khoảng 13.200 doanh nghiệp thành lập mới và có 6.749 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.

Trong khi đó, cũng trong tháng 5, cả nước có 5.303 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, 4.550 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và 1.538 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.

Trong 5 tháng đầu năm 2024, cả nước có 98.800 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 19.800 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 97.300 doanh nghiệp, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 19,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Liên quan tới vấn đề này, trong buổi họp báo ngày 19/6, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, hiện nay cộng đồng doanh nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn.

Đặc biệt, ngay trong tháng 6/2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ giao Tổng cục Thống kê thực hiện một chương trình khảo sát đánh giá tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Trong đó có một số hạng mục đánh giá có bao nhiêu doanh nghiệp đã phá sản, bao nhiêu doanh nghiệp trả lại mặt bằng kinh doanh, rút lui khỏi các trung tâm thương mại.

“Từ khảo sát đó, chúng ta mới đánh giá được cụ thể “hơi thở” của cộng đồng doanh nghiệp để tìm ra những giải pháp cụ thể giúp doanh nghiệp trong nước “lớn” lên có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời giúp doanh nghiệp kết nối được với doanh nghiệp FDI”, ông Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Cần coi khó khăn của doanh nghiệp cũng là khó khăn của mình để tập trung tháo gỡ

Trước đó, trong buổi họp báo Chính phủ tháng 5 diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, các bộ, ngành cần nâng cao tính chủ động; đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ.

“Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương cần coi khó khăn của doanh nghiệp cũng là khó khăn của mình để tập trung tháo gỡ”, Thứ trưởng Phương nói.

Bên cạnh đó, các ngành chức năng tăng cường kích cầu tiêu dùng trong nước; đổi mới công tác tổ chức và triển khai thực chất, hiệu quả Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; chủ động có các giải pháp phòng vệ thương mại phù hợp, tăng cường phòng, chống gian lận xuất xứ, buôn lậu qua khu vực cửa khẩu biên giới.

Bên cạnh những giải pháp trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất các bộ, ngành, địa phương tích cực chuẩn bị và thực hiện khi bắt đầu vào mùa cao điểm du lịch hè 2024.

Theo đó, đẩy mạnh thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế; theo dõi chặt chẽ tình hình biến động giá vé máy bay để có giải pháp điều chỉnh phù hợp, góp phần thúc đẩy du lịch trong nước; đồng thời, tạo thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp trong thông quan hàng hóa, hoàn thuế VAT và đáp ứng các tiêu chuẩn mới của thị trường xuất khẩu…

“Chúng ta cần tăng dòng tiền hỗ trợ đầu vào cho doanh nghiệp và giải pháp đầu ra liên quan đến thị trường xuất khẩu để khai thác tối đa hiệu quả các FTA đã ký kết, thúc đẩy ký kết các FTA mới; đồng thời, giúp doanh nghiệp có thêm đơn hàng mới để thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong tháng 6 tháng và 6 tháng cuối năm”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Việt Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ngay-trong-thang-6-viet-nam-se-tien-hanh-khao-sat-tinh-hinh-hoat-dong-cua-doanh-nghiep-post300021.html