'Ngày về thôn bản' và mùa no ấm trên biên cương A Lưới
Khi cái nắng tháng 5 trải vàng trên những cánh đồng lúa chín ở xã Lâm Đớt (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) cũng là lúc những người lính biên phòng tổ chức Chương trình 'Ngày về thôn bản' để giúp đồng bào thu hoạch vụ mùa. Tiếng nói cười rộn ràng trên cánh đồng no ấm dường như cho thấy tình quân dân nơi biên giới càng bền chặt hơn.
Mùa vàng nơi biên cương
Khi ngọn núi gần nhà vẫn ẩn mình trong sương sớm, chị A Viết Thị Ai (thôn Cưr Xo, xã Lâm Đớt) đã thức dậy để nấu bữa sáng cho chồng là anh La Pi Tê, rồi tất tả ra đồng. Hôm nay, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu A Đớt, Bộ đội Biên phòng Thừa Thiên Huế sẽ xuống giúp gia đình chị thu hoạch lúa. Mấy hôm trước, chị vẫn lo lắng vì 2 sào lúa nhà mình đã chín mà thời tiết năm nay có nhiều cơn mưa trái mùa thất thường nên cần phải tranh thủ những ngày nắng, gặt xong phơi cất cho yên tâm.
Nhà chị Ai khó khăn thế nào ở thôn ai cũng biết. Anh La Pi Tê bị bệnh xơ gan và u não, dù tốn biết bao tiền chạy chữa nhưng không thuyên giảm, chỉ nằm một chỗ. Tuy gia cảnh nghèo khó, nhưng những năm qua, vợ chồng chị luôn cố gắng làm ăn để nuôi 2 người con đang theo học Đại học Quảng Nam và Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Thừa Thiên Huế. Ở nhà chỉ có chị là còn khả năng lao động. Mọi nguồn thu trong gia đình cũng chỉ trông chờ vào 2 sào lúa và lên rừng lấy măng, trồng sắn. Chị đã rất xúc động khi Thiếu tá Trần Quốc Toản, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Cửa khẩu A Đớt, nói sẽ đến giúp gia đình thu hoạch lúa.
Nhờ có sự giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu A Đớt, chỉ trong một ngày, 2 sào lúa của gia đình chị A Viết Thị Ai đã được gặt, tuốt, rửa sạch sẽ và chở về tận nhà. Nhiều người nói chị hãy nhờ bộ đội giúp phơi khô vì một mình chị làm sẽ rất vất vả, mất thời gian nếu gặp cơn mưa trái mùa. Thế nhưng, chị A Viết Thị Ai lắc đầu, nói: “Mình được các chú Bộ đội Biên phòng gặt lúa giúp, chở về tận nhà thế này là rất mừng rồi. Các chú còn phải sang giúp nhà ông Nguyễn Văn Lũ (thôn A Tin, xã Lâm). Ông Lũ bị tai biến, sống cùng vợ, con cái thì đều ở xa, rồi còn nhiều nhà khác nữa cũng đang cần bộ đội mà”. Người đồng bào Trường Sơn bao giờ cũng thế, chân thành, mộc mạc và luôn nghĩ cho người khác. Chính điều đó đã tạo nên một cộng đồng gắn kết dù rằng cuộc sống còn rất nhiều khó khăn.
Mang đến những niềm vui
Theo Thiếu tá Trần Quốc Toản, trong chiến tranh, A Lưới là vùng căn cứ cách mạng, có con đường Trường Sơn huyền thoại. Đã có hàng nghìn người con ưu tú dân tộc Pa Cô, Tà Ôi, Pa Hy, Vân Kiều ở A Lưới góp sức mình cho cách mạng. Có những người trực tiếp cầm súng chiến đấu, có những người đi làm dân công hỏa tuyến làm đường, tiếp lương, tải đạn cho bộ đội để đánh Mỹ. Bên cạnh đó, đây cũng là vùng đất để lại di chứng của chiến tranh nên đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy mà những năm qua, cấp ủy, chỉ huy Đồn Biên phòng Cửa khẩu A Đớt luôn quan tâm đến việc giúp đỡ nhân dân, đặc biệt là các gia đình có công với cách mạng phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Điển hình là Chương trình “Ngày về thôn bản” đã giúp hàng trăm lượt gia đình chính sách, gia đình thiếu nhân lực, trong khi khu vực canh tác, nơi ở địa hình hiểm trở, chưa có nông cụ, máy móc hỗ trợ nên việc thu hoạch còn gặp nhiều khó khăn.
Chương trình “Ngày về thôn bản” của Đồn Biên phòng Cửa khẩu A Đớt được bắt đầu từ hơn 10 năm trước và được những người lính biên phòng duy trì bền bỉ bởi ý nghĩa nhân văn cũng như hiệu quả thiết thực đem lại. Nếu như "Ngày thứ 7 tình nguyện", "Ngày Chủ nhật xanh-sạch-đẹp" là hoạt động cuối tuần thì “Ngày về thôn bản” không kể bất cứ thời gian nào. Căn cứ tình hình địa bàn do đơn vị quản lý là 3 xã Lâm Đớt, Đông Sơn và Hương Phong (huyện A Lưới), Đoàn thanh niên của đồn xây dựng kế hoạch cụ thể theo tháng. Nói là phong trào của Đoàn thanh niên thế nhưng bất cứ ai có đủ nhiệt huyết và trách nhiệm đều có thể tham gia. Không chỉ giúp dân gặt lúa, những người lính biên phòng còn giúp dân sửa chữa nhà cửa, điện, đường, trường, trạm… với đúng tiêu chí “đâu cần thanh niên có”.
Đến Trường Mầm non Đông Sơn (xã Đông Sơn, huyện A Lưới), mọi người sẽ thấy một vườn hoa sim rất đẹp mắt trong khuôn viên nhà trường. Đây là kết quả của Chương trình “Ngày về thôn bản” của Đồn Biên phòng Cửa khẩu A Đớt mấy tháng trước. Ngắm nhìn những bông hoa, người ta càng trân trọng hơn khi biết rằng đây là cả một câu chuyện cảm động. Thiếu tá Trần Quốc Toản chia sẻ: “Đông Sơn là nơi có sân bay A So, nơi tập kết các chuyến bay rải thảm dioxin của Mỹ ngụy trong chiến tranh nên cả vùng đất xung quanh bị nhiễm độc. Đến bây giờ, bài toán phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Đông Sơn vẫn chưa có lời giải khi mà nguồn nước, nguồn đất bị nhiễm dioxin. Vùng đất nắng bỏng, mưa rào này keo, tràm cũng còi cọc, chỉ có cây sim kiên cường nở ra những bông hoa tím biếc. Với mong muốn để các cháu nhỏ được ngắm hoa mỗi ngày, Chương trình “Ngày về thôn bản” đã trồng 150 cây hoa sim. Biết được việc làm của những người lính biên phòng, nhiều phụ huynh đã đến góp cây".
Hiện nay, xã Lâm Đớt có diện tích lúa vụ hè thu lớn nhất huyện A Lưới với 240ha, bởi vậy mà đứng trên đồi cao nhìn về thung lũng A Đớt như được trải tấm thảm màu vàng óng ánh trong nắng ngày hè. Màu áo xanh của người lính, áo xanh của thanh niên tình nguyện hòa quyện cùng với màu vàng của lúa đang ngày ngày vẽ nên những vụ mùa no ấm cho vùng đất này.