Ngày vui kéo dài, VN-Index tăng thêm hơn 12 điểm

Dòng tiền sôi động với điểm tựa vững chắc từ các cổ phiếu lớn đầu ngành, đã giúp VN-Index duy trì chuỗi 6 phiên tăng mạnh liên tiếp, lên sát mốc 1.460 điểm.

Trong phiên giao dịch sáng cuối tuần ngày 11/7, động lực tăng có dấu hiệu suy yếu sau thời gian ngắn mở cửa, khi áp lực bán lan rộng trên thị trường khiến VN-Index lùi về sát mốc tham chiếu.

Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư trên thị trường vẫn rất hưng phấn và lệnh mua luôn sẵn sàng nhập cuộc bởi hiệu ứng FOMC, nên VN-Index khó có thể lùi sâu. Đặc biệt là sự hỗ trợ tích cực của các trụ cột, với tâm điểm là cổ phiếu nhà Vingroup cùng các cổ phiếu đầu nhóm ngành như ngân hàng, chứng khoán, thép, công nghệ…, thị trường đã nhanh chóng tăng vọt trở lại khi tạm dừng phiên giao dịch sáng.

Bước sang phiên giao dịch chiều, dòng tiền tiếp tục chảy mạnh cùng sự dẫn dắt của các cổ phiếu lớn, VN-Index duy trì đà tăng mạnh. Thậm chí, chỉ số chung có thời điểm vượt xa mốc 1.460 điểm trước khi thu hẹp đà tăng đôi chút về cuối phiên.

Về kỹ thuật, VN-Index có phiên bùng nổ với gap tăng điểm thứ 6 với mẫu hình nến Marubozu liên tục được hình thành tương tự những phiên trước đó, được hỗ trợ bởi mức thanh khoản đột biến và chuỗi mua ròng mạnh của nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, yếu tố kéo trụ, với điểm tựa chính trong phiên hôm nay vẫn là cổ phiếu nhà Vingroup, cho thấy khả năng cao đà tăng của VN-Index có thể sẽ chững lại nếu dòng tiền thiếu yếu tố lan tỏa. Nhưng về dài hạn, xu hướng thị trường vẫn được đánh giá lạc quan bởi những thông tin tích cực từ thuế quan, triển vọng nâng hạng thị trường trong tháng 9…

Chốt phiên, sàn HOSE có 159 mã tăng và 179 mã giảm, VN-Index tăng 12,12 điểm (+0,84%), lên 1.445,64 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1,27 tỷ đơn vị, giá trị 31.940,6 tỷ đồng, tăng 12,4% về khối lượng và 15,54% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 36 triệu đơn vị, giá trị 960,6 tỷ đồng.

Nhóm VN30 vẫn giữ đà tăng mạnh gần 25 điểm khi đóng cửa, với 17 mã tăng và 10 mã giảm. Trong đó, SHB giảm mạnh nhất là 1%, còn lại các cổ phiếu chỉ giảm nhẹ quanh mức 0,5%.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu VIC vẫn đóng góp lớn nhất tới hơn 6 điểm cho thị trường. Đóng cửa, VIC tăng 6,3% lên đỉnh mới 108.000 đồng/CP với thanh khoản xấp xỉ 4,8 triệu đơn vị.

Xét về nhóm ngành, các nhóm trụ cột bank – chứng – khoán đều tăng điểm nhờ sự dẫn dắt của các cổ phiếu đầu ngành, còn lại chỉ biến động phân hóa nhẹ.

Cụ thể, ở nhóm ngân hàng, cổ phiếu VCB đóng cửa tăng 2,1% lên mức 62.700 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 12,7 triệu đơn vị; trong khi nhóm cổ phiếu thép, HPG đóng cửa tăng 3,4% lên mức 26.000 đồng/CP và khớp gần 65,3 triệu đơn vị.

Nhóm chứng khoán tăng tốt nhất trong bộ 3 trụ cột, với điểm sáng là VCI đóng cửa tăng kịch trần và thanh khoản lên tới gần 30 triệu đơn vị cùng lượng dư mua trần xấp xỉ 1 triệu đơn vị. Ngoài ra, VDS, HCM, SSI, FTS đều tăng hơn 2%, trong đó SSI khớp lệnh xấp xỉ 63 triệu đơn vị.

Nhóm bất động sản với sự đóng góp lớn của các cổ phiếu nhà Vingroup, vẫn là nhóm tăng tốt nhất thị trường. Tuy nhiên, cũng như các nhóm ngành trên, ngoại trừ mã lớn đầu ngành, các cổ phiếu bất động sản còn lại diễn biến phân hóa, với DXG, DIG, KDH, PDR, NVL, HDC… kết phiên giảm 1-2%.

Về thanh khoản, dòng tiền vẫn tập trung vào các nhóm ngành lớn trên, trong đó SHB dẫn đầu với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 68,5 triệu đơn vị, tiếp theo là HPG và SSI khớp hơn 60-65 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, thị trường tiếp tục rung lắc và HNX-Index vẫn hồi phục thành công.

Chốt phiên, sàn HNX có 92 mã tăng và 75 mã giảm, HNX-Index tăng 0,37 điểm (+0,16%) lên 238,81 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 143 triệu đơn vị, giá trị xấp xỉ 2.370 tỷ đồng.

Top 5 mã có thanh khoản lớn nhất thị trường khá phân hóa, trong đó, SHS dẫn đầu với gần 40,2 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa tăng 1,4%; MBS tăng 3,2% và khớp 12,95 triệu đơn vị, cùng MST tăng 3,3% và khớp 9,4 triệu đơn vị.

Trong khi đó, CEO kết phiên giảm 1,6% và khớp 18,95 triệu đơn vị, PVS tiếp tục giảm 1,5% và khớp hơn 5,1 triệu đơn vị.

Ngoài MST, một số mã vừa và nhỏ cũng ghi nhận phiên giao dịch khởi sắc, như IDJ kết phiên tăng 3,9% và khớp 2,5 triệu đơn vị, NRC tăng 3,6% và khớp gần 2 triệu đơn vị, API tăng 2,7% và khớp hơn 1,7 triệu đơn vị, FID tăng 4,5% và khớp 1,64 triệu đơn vị, AAV tăng 3% và khớp 1,27 triệu đơn vị…

Xét về nhóm ngành, nhóm chứng khoán là điểm sáng của thị trường. Ngoài SHS và MBS khởi sắc, các mã chứng khoán khác như BVS và VIG cùng tăng 1,5%, APS tăng 1,4%, IVS tăng 1,1%, HBS tăng 1,4%...

Trên UPCoM, dù có chút rung lắc nhẹ đầu phiên chiều, nhưng thị trường đã đảo chiều hồi phục và duy trì đà tăng trong nửa thời gian còn lại.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,44 điểm (+0,43%) lên 102,72 điểm với 191 mã tăng và 136 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt xấp xỉ 110 triệu đơn vị, giá trị gần 771 tỷ đồng.

Cổ phiếu PVX vẫn dẫn đầu thanh khoản với hơn 7,7 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa tăng 11,1% lên mức giá trần 2.000 đồng/CP.

Các cổ phiếu nhỏ khác như BCR, POM, QBS, MCG, BII, LMH đều tăng kịch trần với thanh khoản sôi động tới vài triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, BVB tăng nhẹ 0,7% và khớp 5,8 triệu đơn vị, ABB tăng 1,1% và khớp gần 4 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng mạnh. Trong đó, hợp đồng tương lai 41I1F7000 tăng 28 điểm, tương đương +1,8% lên 1.595,9 điểm, khớp 249.030 đơn vị, khối lượng mở đạt gần 50.000 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, mã CVPB2407 vẫn có thanh khoản cao nhất, với 8,68 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa tiếp tục đứng tại mức giá tham chiếu tại 100 đồng/cq. Tiếp theo là CVIB2406 khớp 2,97 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 15,4% lên 300 đồng/cq.

T.Thúy

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/ngay-vui-keo-dai-vn-index-tang-them-hon-12-diem-post372916.html