Ngày Xuân bàn chuyện đột phá cho 'sức khỏe' của doanh nghiệp và hợp tác xã

Sau giai đoạn khó khăn trong năm 2023, điều gì sẽ giúp cho 'sức khỏe' của doanh nghiệp nhỏ và vừa, cùng các hợp tác xã có bước đột phá để trở nên vững mạnh hơn trong năm Giáp Thìn 2024? Hãy cùng Tạp chí Kinh Doanh ghi nhận ý kiến của chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp, lãnh đạo hợp tác xã xoay quanh vấn đề này.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng

Hiện nay cả nước có khoảng 800.000 doanh nghiệp (DN). Mặc dù vẫn quan tâm đến con số mà Chính phủ đã đặt ra nhiều năm trước là 1 triệu DN, nhưng điều mà tôi quan tâm hơn cho năm 2024 là chất lượng của DN, đó là họ làm được gì và đóng góp gì cho kinh tế xã hội.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng.

Đặc biệt là đối với “sức khỏe” của DN nhỏ và vừa, cùng với các hợp tác xã (HTX) trong năm 2024, tôi cho rằng có 2 vấn đề cần quan tâm giải quyết. Thứ nhất là do quy mô nhỏ của các HTX cùng các DN nhỏ và siêu nhỏ (chiếm trên dưới 90% DN của Việt Nam) nên điều lo ngại là khả năng cạnh tranh và tầm nhìn còn hạn chế, sản phẩm đầu tư không đủ lớn và khó thâm nhập ở những thị trường lớn, khó tính.

Nhưng cũng kỳ vọng là chính vì họ nhỏ nên sẽ dễ đi vào những thị trường ngách của quốc tế và vẫn có thể đứng vững trên thị trường nội địa. Quan trọng là họ có đầu tư chiều sâu và kiên trì với đam mê thì vẫn có còn đường sống và thậm chí sống tốt hơn so với những DN có quy mô lớn.

Thứ hai là thể chế kinh tế ở Việt Nam vẫn đang tiếp tục có nhiều cải cách. Kỳ họp nào của Quốc hội, Chính phủ cũng có đề cập, nhắc nhở về việc hỗ trợ, đồng hành, tiếp xúc và lắng nghe tiếng nói trực tiếp của DN, HTX. Từ đó đã đưa ra những chính sách mới nhằm “lót đường”, tăng cường “sức khỏe”, sức chiến đấu và làm nền tảng cho sự phát triển của hệ thống DN nhỏ và vừa cùng các HTX trong năm 2024.

Tôi tin rằng, năm 2024 với sự quyết tâm của Quốc hội và Chính phủ thì những thể chế chính sách mới sẽ được ban hành, giúp cho “sức khỏe” của DN, HTX sẽ vững mạnh hơn nữa và cho họ những “con đường sáng”, những “ngọn đèn pha” để “rọi” cho họ đi rõ hơn và chất hơn.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Nương, Tổng giám đốc Công ty TNHH Đào tạo Lãnh đạo và Dịch vụ Phát triển Bền vững (SDLT)

Đứng ở góc độ DN tham gia vào lĩnh vực đào tạo cho DN nhỏ và vừa và các HTX, tôi mong rằng trong năm 2024 có nhiều sự đột phá hơn dành cho chính bản thân các DN và các HTX. Các cơ quan quản lý cần lắng nghe tiếng nói của DN, HTX một cách cặn kẽ hơn, nhiều hơn, hỗ trợ DN, HTX thực chất hơn nữa khi mà họ vẫn còn “tự lực cánh sinh” là chính.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Nương, Tổng giám đốc Công ty TNHH Đào tạo Lãnh đạo và Dịch vụ Phát triển Bền vững (SDLT).

Bà Nguyễn Thị Mỹ Nương, Tổng giám đốc Công ty TNHH Đào tạo Lãnh đạo và Dịch vụ Phát triển Bền vững (SDLT).

Hơn thế nữa, đứng ở góc độ bên trong của mỗi DN, HTX đòi hỏi bản thân người chủ DN, lãnh đạo HTX cũng cần nâng cấp tư duy của mình lên, tiếp cận những tư duy mới hơn. Họ phải biết xu hướng của thị trường trong nước và trên thế giới là gì, phải biết rõ những chủ trương của Nhà nước như kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi xanh, công nghệ 4.0, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR)…Tất cả những xu hướng, chủ trương này thì người đầu tiên phải nắm rõ chính là chủ DN và lãnh đạo HTX để ứng dụng một cách tốt nhất có thể trong đơn vị của họ.

Để có bước đột phá trong năm 2024, các DN, HTX cũng cần hiểu rằng nếu muốn phát triển hiệu quả thì phải có sự đồng bộ trong bộ máy của họ. Cho nên không riêng người lãnh đạo giỏi mà đội ngũ nhân lực tại đó nên được nâng cấp về chất lượng chuyên môn và cập nhật các kiến thức, kỹ năng mới. Bởi lẽ, lâu nay có nhiều DN kiểu gia đình truyền thống hay các HTX vẫn chưa chú trọng đến yếu tố này.

Và một “đòn bẩy” rất lớn mà các DN, HTX của Việt Nam không nên bỏ qua, đó là chuyển đổi số. Trên thực tế, qua quan sát tôi thấy có nhiều DN, HTX tuy hoạt động lâu năm nhưng chậm ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, đây là điều đáng tiếc. Cho nên các DN, HTX phải chú trọng đến việc này, xem đây là ưu tiên hàng đầu.

ÔngLâm Ngọc Tuấn, Giám đốc HTX nông nghiệp Tuấn Ngọc (Tp.HCM)

Bất cứ HTX nào cũng đều mong mỏi có bước đi đột phá trong hoạt động sản xuất kinh doanh để ngày càng vững mạnh hơn, và đối với HTX của chúng tôi cũng như vậy. Như trong năm 2024 và các năm tới, mục tiêu mà HTX Tuấn Ngọc đặt ra là mở rộng quy mô sản xuất ra các tỉnh, thành phố lân cận để nhân rộng mô hình sản xuất rau thủy canh của mình, chuyển giao quy trình kỹ thuật cho các đối tác, người nông dân.

Ông Lâm Ngọc Tuấn, Giám đốc HTX nông nghiệp Tuấn Ngọc.

Từ khi thành công với mô hình trồng rau thủy canh thì khát vọng của HTX là áp dụng cho tất cả những vùng miền có điều kiện thời tiết nắng nóng, cũng như sẽ phát triển thêm rau ăn củ, rau ăn quả trồng bằng hình thức thủy canh. Chúng tôi đã học nền cơ bản về dinh dưỡng, đã thành công và đạt đến một mức mới là bắt đầu đi chuyển giao thành công cho bà con nông dân.

Mục tiêu của chúng tôi là giúp người tiêu dùng được tiếp cận với thực phẩm sạch, đồng thời nâng cao thu nhập cho thành viên HTX. Việc ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và phải liên tục cải tiến là con đường mà HTX vẫn luôn kiên định từ trước cho đến nay.

Với thị trường tiêu thụ của HTX là hầu như dành cho khách hàng trung và cao cấp vốn có yêu cầu cao về sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, cho nên chúng tôi luôn phải xây dựng niềm tin cho họ, mỗi sản phẩm rau thủy canh được tung ra thị trường có ít nhất 3 – 6 tháng nghiên cứu.

Nhằm nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, HTX đã không ngừng tìm tòi, học hỏi, ứng dụng kỹ thuật mới trong sản xuất và ươm giống rau thủy canh, đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất rau thủy canh an toàn.

Để các HTX nông nghiệp có bước đột phá và phát triển bền vững trong thời tới, ngoài các cơ chế, chính sách hỗ trợ hiện có, thì các cơ quan, ban, ngành cần đẩy mạnh các hoạt động kết nối ngân hàng với HTX, người nông dân để kịp thời tháo gỡ khó khăn về vốn và tiếp tục hỗ trợ chính sách ưu đãi về lãi vay.

Ông Nguyễn Viết Vị, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Thươngmại – Dịch vụ Phước Thiện (Bình Phước)

Đến nay HTX của chúng tôi đã liên kết với 150 hộ nông dân trồng trên 1.000ha cây mít ruột đỏ. Để tiếp tục có bước đột phá trong hoạt động thì HTX đặt mục tiêu từ nay tới năm 2025 sẽ mở rộng diện tích lên 3.000ha chuyên canh để tạo vùng nông sản, đáp ứng nhu cầu nhà máy và hướng đến xuất khẩu.

Ông Nguyễn Viết Vị, Chủ tịch HTX nông nghiệp Phước Thiện (Bình Phước).

Ông Nguyễn Viết Vị, Chủ tịch HTX nông nghiệp Phước Thiện (Bình Phước).

Để tiếp tục mở rộng thị trường, HTX đang tích cực ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc và chủ động tìm kiếm thị trường thông qua các kênh thương mại điện tử. Bên cạnh đó, hướng đi xa của HTX là muốn có được một chuỗi liên kết vững chắc từ cánh đồng đến cơ sở đóng gói, nhà máy sản xuất chế biến sâu sản phẩm.

Thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh liên kết sản xuất với các hộ nông dân, trên nguyên tắc mở rộng vùng nguyên liệu phải đảm bảo thị trường đầu ra bền vững. Phương châm xuyên suốt của HTX là liên kết sản xuất, sản phẩm sạch, an toàn, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, giúp nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm...

Do đó, quy trình canh tác của chúng tôi luôn đảm bảo tiêu chuẩn VietGap và hướng tới hữu cơ, đề cao sức khỏe người tiêu dùng và người sản xuất. HTX cũng rất khắt khe trong việc kết nạp thành viên, nông dân được chọn phải đảm bảo các tiêu chí: Trình độ, sáng tạo và tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu trên.

Hơn thế nữa, thích ứng với xu hướng chuyển đổi số trong nông nghiệp, HTX đã, đang và sẽ tiếp tục áp dụng mô hình vạn vật kết nối (IoT), minh bạch hóa sản phẩm, kết hợp hệ thống tưới cây và bón phân theo công nghệ tự động, chấm công bằng quét mã QR…Từ đó chúng tôi tích hợp được lịch sử, quá trình làm việc, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Luật Việt Á, Phó Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu tỉnh Đồng Nai

Trong năm 2024, để có bước đột phá cho “sức khỏe” của các DN nhỏ và vừa thì điều mà tôi mong đợi là cần sớm sửa đổi, bổ sung các luật thuế và sớm giảm thuế Thu nhập DN theo nội dung trong luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa để phù hợp với tình hình mới. Bên cạnh đó, việc giảm thuế Giá trị gia tăng cho năm 2024 cũng là điều hết sức cần thiết cho các DN, HTX, để từ đó góp phần hỗ trợ họ lấy lại đà tăng trưởng.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Luật Việt Á, Phó Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu tỉnh Đồng Nai.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Luật Việt Á, Phó Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu tỉnh Đồng Nai.

Bên cạnh đó, trong năm 2024 rất cần thêm các giải pháp giảm thuế, phí, lệ phí nhằm tạo điều kiện tốt hơn nữa để giúp DN nhỏ và vừa cùng các HTX giảm được chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, tăng khả năng kích cầu, góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ. Để từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.

Các DN, HTX ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng mong muốn có thêm nhiều tuyến đường cao tốc kết nối các tỉnh trong khu vực, đặc biệt là kết nối với sân bay quốc tế Long Thành và cảng biển Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) nhằm giúp cho hàng hóa xuất nhập khẩu của DN, HTX ngày càng khơi thông nhanh chóng, giảm được thời gian và chi phí logistics.

Và điều quan trọng nữa, để có sự đột phá trong hoạt động xuất khẩu và trong sản xuất kinh doanh thì năm 2024 các DN nhỏ và vừa cùng các HTX phải tiếp tục nắm bắt và tận dụng thật tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là các FTA thế hệ mới. Họ phải hiểu các FTA đã và đang tác động trực tiếp đến với bản thân họ, nếu muốn đột phá thì phải hiểu rõ và hành động, còn một khi thụ động, cố tình không biết, không hiểu về các FTA sẽ khó tránh tự thua trên “sân nhà”.

Thế Vinh (thực hiện)

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//quan-tri/ngay-xuan-ban-chuyen-dot-pha-cho-suc-khoe-cua-doanh-nghiep-va-hop-tac-xa-1097656.html