Nghệ An: đẩy nhanh việc tổ chức chi trả tiền giảm phát thải khí nhà kính

Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn Nghệ An cho biết, hiện nay địa phương này đang rất tích cực triển khai thực hiện chi trả đối với nguồn tiền giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ, tuy nhiên vẫn còn một số vướng mắc, phía địa phương đang tích cực tháo gỡ.

Vần còn khó khăn cần tháo gỡ

Trao đổi với phóng viên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nghệ An Nguyễn Danh Hùng cho biết, tổng kinh phí chi trả hoạt động quản lý rừng năm 2024 và 2025 hưởng lợi nguồn thu từ thỏa thuận chi trả giảm phát khí thải nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) của toàn tỉnh Nghệ An trên 282 tỷ đồng. Riêng năm 2024 sẽ thực hiện chi trả cho các địa phương, chủ rừng, cộng đồng quản lý rừng cũng như chủ rừng hộ gia đình với số tiền trên 202 tỷ đồng.

Nghệ An được xem là một trong những tỉnh có diện tích, độ che phủ của rừng rất lớn.

Nghệ An được xem là một trong những tỉnh có diện tích, độ che phủ của rừng rất lớn.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn chậm, hiện hữu một số vướng mắc cần tháo gỡ. Nguyên nhân như: chi trả ERPA là một chính sách mới, chưa có tiền lệ, văn bản quy định, hướng dẫn một số nội dung chưa rõ ràng nên quan điểm một số cấp, ngành về một số nội dung khi triển khai thực hiện ERPA vẫn chưa đồng nhất. Đặc biệt là trong việc thẩm định, phê duyệt Kế hoạch tài chính của Quỹ tỉnh.

Thông tin một số chủ rừng, diện tích rừng tự nhiên theo kết quả công bố diễn biến rừng có sự sai lệch nhất định so với thực tế. Bên cạnh đó, thời gian qua thực hiện công tác giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp theo Quyết định 4213/QĐ-UBND ngày 20/9/2018 của UBND tỉnh, tại các địa phương có nhiều biến động về chủ quản lý rừng, diện tích rừng.

Đơn cử như diện tích trước đây UBND xã quản lý nay giao cho cộng đồng dân cư, hộ gia đình. Hoặc có thay đổi từ hộ này sang hộ khác về tên, khối lượng…Do đó phải rà soát, cập nhật lại nhằm chi trả đúng, giảm thiểu những thắc mắc, khiếu nại, phản hồi nên cần phải kéo dài thời gian thực hiện.

Số lượng chủ rừng chủ rừng là hộ gia đình, công đồng trên địa bàn tỉnh rất lớn (hơn 28.000 đối tượng trên địa bàn 19 huyện, thị, thành phố) và một số vùng diện tích chi trả manh mún. Đối tượng giao khoán bảo vệ rừng ERPA rất hạn chế (chỉ giao khoán cho cộng đồng) và đồng thời phải đảm bảo nguyên tắc không chồng chéo với nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước...

“Đơn vị được Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng phân bổ nguồn này hơn 11,5 tỷ đồng. Hiện nay đơn vị cũng đang tập trung thống kê, rà soát tránh trùng lặp nguồn vốn chi trả, xây dựng kế hoạch trình Sở cũng như UBND tỉnh phê duyệt. Thực tế phát sinh vướng mắc nhất hiện nay đó là việc quy định việc chi trả phải qua tài khoản ngân hàng, tuy nhiên thực tế tại địa phương nhiều chủ rừng là người dân tộc thiểu số, chưa tiếp cận được tài khoản ngân hàng cá nhân...cái này cũng đang trình chờ cấp thẩm quyền tháo gỡ.”, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống Võ Minh Sơn cho biết.

Bảo đảm chi trả đúng kế hoạch

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An nêu, để bảo đảm giải ngân kịp thời, đúng kế hoạch theo chủ trương chung, cũng như chỉ đạo từ UBND tỉnh, Sở NN&PTNT cũng đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện đầy đủ và kịp thời các nhiệm vụ theo Kế hoạch đã được UBND tỉnh để ra.

Trong đó cụ thể như yêu cầu Chi cục Kiểm lâm phối hợp với Quỹ tỉnh triển khai thực hiện các nội dung tại Kế hoạch 124/KH-UBND ngày 22/2/2024 của UBND tỉnh về việc triển khai Thỏa thuận chi trả nguồn ERPA. Chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm phối hợp với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, UBND cấp xã thực hiện rà soát, thống kê danh sách, diện tích rừng tự nhiên của các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, UBND cấp xã thực tế làm cơ sở chi trả.

Giao Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng bám sát chỉ đạo của UBND tỉnh để ban hành mức khoán bảo vệ rừng, tỷ lệ tạm ứng, thanh toán...Giao nhiệm vụ cho Hạt kiểm lâm hỗ trợ Quỹ để thực hiện chi trả tiền ERPA.

Đồng thời chủ trì phối hợp với các bên liên quan rà soát, thống kê danh sách, thông tin, diện tích rừng tự nhiên của của các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư để chi trả kịp thời, đảm bảo chi trả đúng diện tích, đúng đối tượng.

Kinh phí chi trả hoạt động quản lý rừng năm 2024 và 2025 hưởng lợi nguồn thu từ thỏa thuận chi trả giảm phát khí thải nhà kính vùng Bắc Trung Bộ khá lớn, hiện đang được tỉnh Nghệ An thực hiện rốt ráo.

Kinh phí chi trả hoạt động quản lý rừng năm 2024 và 2025 hưởng lợi nguồn thu từ thỏa thuận chi trả giảm phát khí thải nhà kính vùng Bắc Trung Bộ khá lớn, hiện đang được tỉnh Nghệ An thực hiện rốt ráo.

Tổ chức tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn các bên liên quan thực hiện tốt chi trả tiền ERPA. Chi trả tiền ERPA cho các chủ rừng kịp thời, theo quy định...

Đối với chủ rừng là tổ chức thì yêu cầu căn cứ vào diện tích rừng tự nhiên đơn vị quản lý, kinh phí Quỹ thông báo lập kế hoạch tài chính năm 2024 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Quản lý, sử dụng kinh phí và thực hiện các nội dung liên quan theo Kế hoạch 124/KH-UBND ngày 22/2/2024 của UBND tỉnh cũng như theo Nghị định số 107/2022/NĐ-CP của Chính phủ và các quy định hiện hành.

Hoàng Phạm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nghe-an-day-nhanh-viec-to-chuc-chi-tra-tien-giam-phat-thai-khi-nha-kinh.html