Nghệ An: Kỷ niệm 200 năm ngày sinh Lương giang Tướng công, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Ôn (1825 - 2025)
Ngày 10/5, UBND xã Diễn Thái (huyện Diễn Châu) cùng dòng họ Nguyễn Xuân đã trang trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 200 năm ngày sinh Lương giang Tướng công, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Ôn (1825 - 2025).
Cụ Nguyễn Xuân Ôn, hiệu Hiến Đình, bút danh Ngọc Đường, sinh ngày 23/3 Ất Dậu, năm Minh Mệnh thứ 6 (theo Dương lịch là ngày 19/5/1825) ở xóm Cồn Sắt, thôn Văn Hiến, xã Lương Điền, huyện Đông Thành, trấn Nghệ An (nay thuộc xã Diễn Thái, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An). Từ nhỏ, cụ Nguyễn Xuân Ôn nổi tiếng thông minh, được người đời ca tụng là “bụng chứa đầy sách”. Nho, y, lý, số, và cả binh pháp ông đều am hiểu.
Năm 22 tuổi (năm 1847), cụ đậu Tú tài tại trường thi Hương Nghệ An. Hai mươi năm sau cũng tại trường thi này, ông đậu Cử nhân, tiếp đó đến năm 1871, ông đậu Tiến sĩ, đồng khoa với Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến.
Tháng 4/1882, thành Hà Nội thất thủ lần thứ 2. Tổng đốc Hoàng Diệu tuẫn tiết. Trung Kỳ tuy còn tạm thời được yên nhưng luôn bị bọn Pháp cho người dò la, nhất là ở vùng rừng núi. Nguyễn Xuân Ôn dâng sớ xin đi kinh lý trung du, đề xuất kế hoạch phòng và chống giặc.

Đông đảo nhân dân dự lễ
Từ năm 1883 đến giữa năm 1885, tại xứ Đồng Thông (nay thuộc xã Đồng Thành - Huyện Yên Thành), Nguyễn Xuân Ôn “ chăm việc vỡ hoang đồn điền, tập hợp những người dân lưu tán, xếp vào đội ngũ, chờ lúc cần mà dùng” như mong muốn của ông trong bài tấu xin đình hoãn án kiện và trù tính thời sự.
Năm 1885, phái chủ chiến trong triều Tôn Thất Thuyết (1835 - 1913) đứng đầu đã lấy danh nghĩa vua Hàm Nghi, cử người ra Nghệ An phong ông chức An - Tĩnh Hiệp đốc quân vụ đại thần có nhiệm vụ thống lĩnh nghĩa quân 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh chuẩn bị chống Pháp.
Trong chiến đấu, Nguyễn Xuân Ôn nêu cao gương dũng cảm để khích lệ tướng sĩ. Nghĩa quân rất mực tôn sùng chủ tướng của mình, coi ông là người nhà trời. Ông là vị lãnh tụ Cần Vương xuất sắc có tầm nhìn xa, thấy rộng. Lãnh đạo nghĩa quân chống Pháp, ông đã có dịp thực hiện đường lối chiến lược, chiến thuật mà ông đã từng trình bày trong các tấu, sớ gửi vua Tự Đức trước đó.

Sự kiện nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc
Đầu năm 1889, vua bù nhìn Đồng Khánh lâm bệnh mất, vua Thành Thái lên ngôi. Phong trào chống Pháp trên cả nước đã lắng xuống. Lúc này Nguyễn Xuân Ôn đã già yếu, bệnh tật nên Pháp giả nhân, giả nghĩa nhân danh vua mới “ân xá” cho ông, song không dám cho ông về quê mà quản thúc ở Huế. Nguyễn Xuân Ôn trút hơi thở cuối cùng ngày 1 -10 -1889, thọ 64 tuổi.
Năm 1992, Nhà thờ và Mộ cụ Nguyễn Xuân Ôn đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia, trở thành nơi lưu giữ giá trị tinh thần và văn hóa đặc biệt của quê hương Diễn Châu.
Lễ kỷ niệm 200 năm ngày sinh cụ Nguyễn Xuân Ôn không chỉ là dịp tưởng nhớ, tri ân một danh nhân lớn, mà còn là cơ hội để giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc và khơi dậy ý chí vươn lên trong các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hôm nay.