Nghệ An: Kỷ niệm 236 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa
Sáng 02/02 (ngày mùng 5 tháng Giêng năm Ất Tỵ), tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 236 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa.
Vào cuối năm 1788, Vua Lê Chiêu Thống phản bội dân tộc, cho người sang cầu cứu nhà Thanh, Vua Càn Long nhân cơ hội đó đã cử Tôn Sỹ Nghị đem quan sang đánh chiếm nước ta.
Ngày 20 tháng 11 năm Mậu Thân (tức ngày 16/12/1788), 29 vạn quân Thanh kéo sang xâm lược nước ta và tràn vào đánh chiếm Kinh thành Thăng Long, sau đó kiểm soát nhiều vùng rộng lớn ở Bắc Hà.
Nguyễn Huệ được tin cấp báo, liền tổ chức làm lễ lên ngôi Hoàng Đế vào ngày 25 tháng 11 năm Mậu Thân (tức ngày 22/12/1788), đặt niên hiệu là Quang Trung, rồi lập tức ra lệnh xuất quân.
Hoàng đế Quang Trung tự mình đốc thúc đại binh, cả thủy lẫn bộ cùng ra trận. Ngày 29/12/1788 đến Nghệ An tuyển lính, luyện quân và chỉ trong một thời gian ngắn đã tuyển được hơn một vạn quân tinh nhuệ kéo quân ra tiến đánh thành Thăng Long.
Đúng vào đêm giao thừa Tết Kỷ Dậu 1789, ba đạo quân bộ binh Tây Sơn từ Tam Điệp xuất phát. Mũi tấn công chính do đích thân Hoàng đế Quang Trung chỉ huy, đánh thẳng vào hệ thống phòng thủ phía Nam Thăng Long, mà đồn Ngọc Hồi là cứ điểm then chốt. Đô đốc Long chỉ huy mũi tấn công, bất ngờ đánh vào đồn Đống Đa, rồi thọc sâu vào đại bản doanh của Tôn Sĩ Nghị ở cung Tây Long.
Trước đó, đô đốc Lộc và đô đốc Thuyết chỉ huy hai đạo quân thủy binh cũng xuất phát từ Biện Sơn, vượt biển tiến vào đánh Hải Dương và bố trí chặn đường rút chạy của quân Thanh.
Với thiên tài thao lược quân sự, thế trận lợi hại và sức tấn công thần tốc, vũ bão của quân đội Tây Sơn “hành binh như bay, tiến quân rất gấp, tướng quân như trên trời rơi xuống, quân như dưới đất chui lên”, chỉ sau 5 ngày đêm, toàn bộ hệ thống phòng thủ và sức chống đỡ của quân Thanh đã bị đập tan.
Hai trận Ngọc Hồi, Đống Đa vào sáng mồng 5 Tết là những chiến công vang dội, có vai trò quyết định thắng lợi của cuộc đại phá quân Thanh, giải phóng thành Thăng Long. Trưa ngày mồng 5 tết Kỷ Dậu (tức ngày 30/01/1789), Hoàng đế Quang Trung trên mình voi chiến, dẫn đoàn quân chiến thắng tiến vào Thăng Long trong sự hân hoan vui mừng chào đón của muôn dân.
Chiến công oai hùng đó tôn vinh sức mạnh phi thường của dân tộc và tài năng thao lược quân sự tuyệt vời của Hoàng đế Quang Trung. Với tầm vóc và ý nghĩa to lớn đó, chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa được nhân dân trân trọng ghi nhớ và trở thành lễ hội truyền thống hàng năm mỗi độ xuân về.
Sau khi đại thắng quân Thanh giải phóng Thăng Long, Hoàng đế Quang Trung đã thực hiện canh tân xây dựng đất nước, giao thiệp với nhà Thanh bằng nhiều chính sách bang giao khéo léo để tránh được việc binh đao, chăm lo xây dựng đất nước hòa bình, củng cố chính quyền và tăng cường lực lượng quốc phòng để bảo vệ đất nước.
Hoàng đế Quang Trung đã chọn vùng đất “địa linh nhân kiệt” Yên Trường và Vĩnh Yên, nơi có Rú Quyết và Miêu Sơn (nay là núi Dũng Quyết, thuộc phường Trung Đô, thành phố Vinh, Nghệ An) để xây dựng kinh đô gọi là Phượng Hoàng Trung Đô.
Phát huy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”, vào mồng 5 Tết Nguyên đán hàng năm, tại Đền thờ Hoàng đế Quang Trung, thành phố Vinh đều tổ chức Lễ kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, nhằm ôn lại công lao sự nghiệp to lớn của vị anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ, người đã có công bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì sự trường tồn của dân tộc, vì sự ấm no, hạnh phúc của nhân dân.
Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh và các đại biểu, cùng nhân dân thành kính dâng hoa, dâng hương tưởng niệm Hoàng đế Quang Trung; nguyện phát huy truyền thống yêu nước, noi gương các vị anh hùng của dân tộc, ra sức phấn đấu chung tay, góp sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Trong suốt sự nghiệp của minh, bên cạnh những chiến công quân sự hiển hách, Hoàng đế Quang Trung rất quan tâm để gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ của dân tộc; coi trọng việc học hành, thi cử, nhân tài để xây dựng đất nước.