Nghệ An tập trung nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản, cơ cấu lại sản xuất

Xây dựng, phát triển các chuỗi thực phẩm an toàn 'từ trang trại đến bàn ăn'; Gắn kết công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản với cơ cấu lại sản xuất… là những giải pháp được ngành Nông nghiệp tỉnh Nghệ An triển khai để sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông sản theo chuỗi.

Phát triển các chuỗi thực phẩm an toàn

Hiện trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 48.552 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Trong đó, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý hơn 1/2 với 24.659 cơ sở sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông lâm thủy sản (cấp tỉnh quản lý 1.792 cơ sở; cấp huyện, cấp xã quản lý 22.867 cơ sở). Điều này cho thấy vai trò lớn của các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đối với sự phát triển kinh tế nói chung và yêu cầu về an toàn thực phẩm, bảo đảm sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nói riêng.

Để sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, trong thời gian qua, ngành Nông nghiệp Nghệ An đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm xây dựng, phát triển các chuỗi thực phẩm an toàn “từ trang trại đến bàn ăn”. Đồng thời, gắn kết chặt chẽ công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản với cơ cấu lại sản xuất; lồng ghép với các hoạt động trong Chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển sản phẩm OCOP, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch.

Ngoài việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, ngành Nông nghiệp Nghệ An còn phối hợp với các bên liên quan thúc đẩy xúc tiến thương mại nông lâm thủy sản; Chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng cũng như sự phối hợp, giám sát hiệu quả của các tổ chức chính trị - xã hội.

Đặc biệt, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản đã từng bước tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động. Diện tích trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, cơ sở chăn nuôi được chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt (như VietGAP hoặc tương đương); tỷ lệ cơ sở sơ chế, chế biến nông lâm thủy sản áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như GMP, HACCP, ISO 22000... tăng lên qua các năm. Đơn cử năm 2023, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai xây dựng 13 mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP với sự tham gia của 210 thành viên là các tổ chức, hộ gia đình. Cụ thể: 11 mô hinh trồng trọt với tổng diện tích gần 74 hecta; 02 mô hình chăn nuôi gà với quy mô 67.100 con/năm, 02 mô hình chăn nuôi lợn với quy mô 3.080 con/năm. Hỗ trợ 03 mô hình chế biến theo tiêu chuẩn HACCP, 04 mô hình chuyển giao quy trình công nghệ chế biến nông lâm thủy sản.

Hiện đã có 33 mô hình sản xuất, chế biến an toàn tại 15 chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn, trong đó nhiều mô hình tiêu biểu, đã có chỗ đứng trên thị trường như: cam VietGAP ở Thanh Chương, Yên Thành, rau VietGAP ở thành phố Vinh, Hưng Nguyên, Diễn Châu…

Đối với việc pháp triển sản phẩm OCOP, tính đến thời điểm hiện tại toàn tỉnh hiện đã có 433 sản phẩm, trong đó có 391 sản phẩm 3 sao, 41 sản phẩm đạt hạng 4 sao và có 01 sản phẩm 5 sao và Nghệ An là tỉnh đứng thứ hai cả nước về số lượng sản phẩm đạt hạng sao được công nhận (sau Hà Nội). Các sản phẩm OCOP được công nhận đều đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm; có truy xuất nguồn gốc, có mẫu mã, bao bì đa dạng và thân thiện với môi trường, phù hợp với yêu cầu của thị trường, điển hình như sản phẩm của Công ty TNHH Đức Phong, Công ty cổ phần dược liệu Pù Mát; Công ty cổ phần khoa học công nghệ tảo VN; Công ty CP đầu tư và sản xuất ATC; HTX Nông nghiệp Sen Quê Bác, Công ty Hasafood; Công ty cổ phần tập đoàn BOMETA; Công ty TNHH MAMI FARM...

Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng phần mềm truy xuất nguồn gốc; thiết kế và cung cấp mã QR Code cho các cơ sở sản xuất để tăng cường công tác quản lý, giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Tính đến hết năm 2023, đã có trên 50 sản phẩm nông lâm thủy sản tiêu thụ ổn định trong hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm; có 10 sản phẩm nông lâm thủy sản xuất khẩu tại 36 nước.

Song song với công tác hướng dẫn, hỗ trợ các mô hình, công tác thanh tra, kiểm tra về chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản luôn được chú trọng. Ngoài ra, tiến hành thẩm định điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm theo Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT cho 1.008 cơ sở, trong đó: 363 cơ sở thẩm định xếp loại và 645 cơ sơ thẩm định định kỳ. Xếp loại: 02 cơ sở loại A và 976 cơ sở xếp loại B; 30 cơ sở xếp loại C. Cấp 323 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Sản xuất an toàn ngay từ khâu ban đầu

Bên cạnh kết quả đạt được, việc bảo đảm an toàn thực phẩm, chất lượng nông lâm thủy sản còn nhiều vấn đề đặt ra. Tình trạng lạm dụng các chất hóa học trong sản xuất, chế biến, bảo quản hàng nông sản vẫn còn. Hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm còn manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, cách thức truyền thống, sử dụng thiết bị, công nghệ kỹ thuật lạc hậu.

Theo báo cáo của cơ quan chức năng, tỷ lệ các cơ sở sản xuất nông lâm thủy sản cấp huyện, cấp xã quản lý được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm hoặc tương đương và ký cam kết an toàn thực phẩm hiện rất thấp (chỉ 9,9%, 15,05% ở cấp huyện và 35% ở cấp xã). Theo đó, tỷ lệ các sản phẩm thực phẩm có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm so với sản phẩm thực phẩm được sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ trên thị trường còn thấp; công nghiệp chế biến phát triển chậm; việc đầu tư phát triển vùng nguyên liệu gắn với cơ sở chế biến chưa được quan tâm đúng mức. Số lượng chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến, đến tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn, có thương hiệu trên địa bàn tỉnh chưa nhiều. Việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là lĩnh vực chế biến, tiêu thụ nông sản còn hạn chế; giá cả, thị trường nông sản không ổn định. Công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá thương hiệu sản phẩm chưa được thường xuyên. Sản phẩm an toàn và không an toàn còn lẫn lộn, nhất là ở các chợ truyền thống.

Hiện tại các ngành chức năng đang tự cập nhật dữ liệu để quản lý mà chưa kết nối liên thông cơ sở dữ liệu về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm. Việc kiểm tra giết mổ gia súc, gia cầm tại các hộ gia đình chưa thực hiện được, chủ yếu tập trung kiểm tra, giám sát tại các lò giết mổ tập trung. Ngay cả nông sản đạt chuẩn OCOP có sự giám sát chất lượng cũng như kiểm soát về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh hiện mới chiếm khoảng 55-60% trên tổng số sản phẩm đạt sao OCOP.

Để nâng cao chất lượng sản phẩm nông lâm thủy sản, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An xác định đối với quản lý chất lượng an toàn thực phẩm lĩnh vực nông nghiệp cần tập trung hỗ trợ người sản xuất thực hiện quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn ngay từ sản xuất ban đầu, đây là mấu chốt vì toàn bộ nguyên liệu thực phẩm cung cấp cho người tiêu dùng bắt nguồn từ công đoạn sản xuất này.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, để phát triển liên kết chuỗi giá trị và tiêu thụ sản phẩm OCOP, các huyện, thành, thị của tỉnh cần quy hoạch vùng nguyên liệu để các sản phẩm đều truy xuất được vùng nguyên liệu; có những chính sách hỗ trợ xây dựng các sản phẩm tiểu thụ công nghiệp; tăng cường tính liên kết để nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP.

Bên cạnh việc nâng cao năng lực cho các chủ thể, cần tăng cường liên kết trong quảng bá, giới thiệu, tạo điều kiện thuận lợi về đầu ra tiêu thụ cho các sản phẩm OCOP; cần kích thích, thay đổi thói quen của người tiêu dùng. Mỗi địa phương cần nắm bắt cơ hội và tổ chức lại sản xuất, gắn sản xuất với thị trường, tạo thêm sản phẩm OCOP có giá trị cao về kinh tế, xã hội, văn hóa, đưa các sản phẩm OCOP vào làm quà tặng...

Hoàng Trang

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/nghe-an-tap-trung-nang-cao-chat-luong-nong-lam-thuy-san-co-cau-lai-san-xuat-d53066.html