NGHỆ AN: VƯỚNG MẮC TRONG THỰC HIỆN CÁC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT CỦA 3 CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

Báo cáo với Đoàn giám sát của Quốc hội về tình hình triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An cho rằng, tỉnh đã triển khai thực hiện 3 CTMTQG nhanh chóng, kịp thời và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, kinh tế - xã hội vùng nông thôn, vùng dân tộc miền núi có nhiều thay đổi. Tuy nhiên lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An cũng chỉ rõ một số khó khăn, vướng mắc từ các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, về công tác tổ chức thực hiện, chưa phù hợp với thực tiễn tại địa phương…

Báo cáo với Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”, lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An cho biết, Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, dân số trung bình trên 3,4 triệu người, đứng thứ tư cả nước, có 47 dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn, có 76 xã đặc biệt khó khăn và 588 thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc, miền núi.

Nghệ An đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận trong triển khai thực hiện 3 CTMTQG

Nhìn chung, tỉnh Nghệ An đã triển khai thực hiện 3 CTMTQG nhanh chóng, kịp thời và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, kinh tế - xã hội vùng nông thôn, vùng dân tộc miền núi có nhiều thay đổi; công tác giảm nghèo có nhiều chuyển biến tích cực. Cuối năm 2022, tỉ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 1,39%, tỉ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTSMN giảm 3,63%.

Tổng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương thực hiện các CTMTQG giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Nghệ An là: 5.344.388 triệu đồng.

UBND tỉnh đã sớm thành lập Ban Chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, từ đó tạo sự xuyên suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã. Kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản triển khai thực hiện các CTMTQG theo quy định của Trung ương. Đồng thời đã ban hành các văn bản hướng dẫn của tỉnh trong thực hiện các CTMTQG, nhờ đó đã đạt được nhiều kết quả quan trọng đối với từng Chương trình.

Ông Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An báo cáo với Đoàn giám sát của Quốc hội

Ông Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An báo cáo với Đoàn giám sát của Quốc hội

Đối với CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, tỉ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS&MN giảm 3,63%. Nguồn lực được tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào DTTS&MN; quan tâm đến việc bảo tồn truyền thống văn hóa của dân tộc, hướng dẫn, hỗ trợ người dân xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, tiếp cận văn minh để hòa nhập tốt với cộng đồng xã hội; góp phần cải thiện đời sống đồng bào dân tộc.

Đối với CTMTQG giảm nghèo bền vững, tỉnh đã thực hiện công khai, minh bạch từ việc xác định đối tượng hỗ trợ đến việc phân bổ vốn và kiểm tra, giám sát của các cơ quan trung ương, địa phương, cộng đồng, người dân, đặc biệt là sự giám sát, phản biện của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và HĐND các cấp. Phong trào “Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” được các địa phương hưởng ứng và triển khai thi đua thực hiện hiệu quả, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững, đảm bảo mức tỉ lệ giảm hộ nghèo 1-1,5% năm, đạt kế hoạch trung ương giao.

Đối với CTMTQG xây dựng nông thôn mới, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ các cấp về chủ trương, chính sách của Chương trình giai đoạn 2021-2025 thực hiện sâu, rộng; xây dựng nông thôn mới tiếp tục là phong trào sôi nổi trên toàn tỉnh, trở thành nhu cầu, mong muốn của cộng đồng dân cư. Đến nay toàn tỉnh Nghệ An có 309 xã/411 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 75,18%), có 53 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 7 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng và đạt chuẩn nông thôn mới. Kinh tế nông thôn tăng trưởng khá, trình độ sản xuất được nâng lên, chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được tập trung chỉ đạo và có những thành công bước đầu, tạo sức lan tỏa rộng rãi, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân.

Còn nhiều vướng mắc trong việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật

Bên cạnh những kết quả tích cực, lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An cũng chỉ rõ một số tồn tại, khó khăn, vướng mắc về các văn bản quy phạm pháp luật, về công tác tổ chức thực hiện, chưa phù hợp với thực tiễn tại địa phương…

Đối với CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, việc thực hiện quy định tại các khoản 4, 5 và 6 Điều 3 Quyết định số 04/2023/QĐ-TTg ngày 23/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ (về mức hỗ trợ và cơ chế hỗ trợ sử dụng vốn đầu tư công để thực hiện một số nội dung thuộc Dự án 1 và Tiểu dự án 1, Dự án 4 của CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) gặp khó khăn, vướng mắc, chưa phù hợp với thực tiễn tại địa phương do:

Đây là các danh mục công trình quan trọng phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, khi triển khai sẽ được lập các dự án đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng; tổng mức đầu tư phụ thuộc vào quy mô của từng công trình (đối với loại hình công trình cấp nước, công trình chợ), cấp công trình (đường giao thông đến trung tâm xã) và điều kiện cụ thể tại nơi xây dựng các công trình. Do đó, có thể xảy ra trường hợp nhiều dự án có suất đầu tư/công trình/km đường giao thông lớn hơn quy định tại Quyết định này.

Mặt khác, Quyết định này ban hành và có hiệu lực sau thời điểm tỉnh Nghệ An và nhiều địa phương khác trong cả nước đã hoàn thành việc giao kế hoạch vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch vốn năm 2022, năm 2023 chi tiết cho các dự án (trong đó có các dự án thuộc danh mục quy định tại các khoản 4, 5 và 6 Điều 3 Quyết định số 04/2023/QĐ-TTg).

Thông tư số 02/2022/TT-UBDT ngày 30/6/2022 của Ủy Ban Dân tộc cũng chưa hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ đào tạo, Ủy Ban Dân tộc chưa ban hành bài giảng khung của các chuyên đề bồi dưỡng kiến thức dân tộc nên địa phương khó triển khai thực hiện Tiểu dự án 2, Tiểu dự án 4 Dự án 5.

Toàn cảnh cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát của Quốc hội với UBND tỉnh Nghệ An về triển khai thực hiện 3 CTMTQG

Toàn cảnh cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát của Quốc hội với UBND tỉnh Nghệ An về triển khai thực hiện 3 CTMTQG

Tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 12/2022/TT-BNNPTNT ngày 20/9/2022 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định đối tượng được hưởng chính sách giao khoán, hỗ trợ bảo vệ rừng là “Hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người Kinh nghèo; cộng đồng dân cư thôn thuộc các xã khu vực II, khu vực III thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Nghệ An nêu rõ, các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người Kinh nghèo; cộng đồng dân cư sinh sống tại các thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc các xã khu vực I không được hưởng chính sách, hỗ trợ nêu trên.

Ngoài ra, Hướng dẫn số 04/HD-ĐCT ngày 28/7/2022 của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam chưa quy định cụ thể một số nội dung về cách thức triển khai và mức chi như: thiết lập địa chỉ an toàn; hỗ trợ xây dựng mô hình công nghệ 4.0; thành lập Đoàn giám sát... Do đó, địa phương còn lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện.

Đối với CTMTQG giảm nghèo bền vững, lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An cho rằng, trong các văn bản quy định của Chính phủ, Bộ, ngành trung ương chưa có quy định về “người lao động có thu nhập thấp”. Tại điểm b khoản 4 Mục III Chương trình kèm theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/10/2022 của Thủ tướng Chính phủ và khoản 1 Điều 17 của Thông tư số 46/2022/TT-BTC ngày 28/7/2022 của Bộ Tài chính quy định người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài không được hỗ trợ chi phí đi lại từ nơi đăng ký hộ khẩu thường trú đến địa điểm đào tạo. Trong khi đó, cùng chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng, cùng đối tượng, cùng địa bàn thì theo khoản 1 Điều 25 Thông tư số 15/2022/TT-BTC ngày 04/3/2022 của Bộ Tài chính, người lao động là dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ chi phí đi lại, gây khó khăn trong việc thực hiện Dự án.

Bên cạnh đó, Thông tư số 46/2022/TT-BTC ngày 28/7/2022 của Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 chưa có quy định nội dung chi công tác phí cho cán bộ, công chức, viên chức khi tham dự hội nghị, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực.

Đối với CTMTQG xây dựng nông thôn mới, lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An nhận thấy, tại Công văn số 3887/BTC-ĐT ngày 19/4/2023, Bộ Tài chính có ý kiến “không bố trí ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho các dự án chuyển tiếp, hoàn thành giai đoạn 2016-2020 và các giai đoạn trước” là chưa phù hợp với điều kiện thực tiễn ở địa phương và quy định tại các văn bản pháp luật có liên quan. Mặt khác, tại Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 07/2022/QĐ-TTg ngày 25/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện CTMTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 không đề cập đến nội dung “không bố trí ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho các dự án chuyển tiếp, hoàn thành giai đoạn 2016-2020 và các giai đoạn trước”.

Vướng mắc trong công tác tổ chức thực hiện

Ngoài những vướng mắc từ văn bản quy phạm pháp luật, lãnh đạo tỉnh Nghệ An còn chỉ rõ một số khó khăn, vướng mắc trong công tác tổ chức thực hiện. Đến giữa năm 2022, sau khi Thủ tướng có Quyết định giao kế hoạch vốn Ngân sách Trung ương (Quyết định số 652/QĐ-TTg, 653/QĐ-TTg ngày 28/5/2022), các địa phương mới có cơ sở để triển khai thực hiện các Chương trình MTQG. Trong khoảng thời gian ngắn, số lượng văn bản hướng dẫn rất lớn, khối lượng công việc cần triển khai nhiều, công tác triển khai thực hiện cần sự phối hợp của nhiều ngành, nhiều cấp, do đó công tác chỉ đạo điều hành thực hiện ở các cấp vẫn còn nhiều lúng túng.

Đến 30/6/2023, chưa hoàn thành việc phân bổ chi tiết 100% vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương thực hiện CTMTQG xây dựng nông thôn mới và CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Do các dự án đề xuất chủ yếu là dự án khởi công mới, nhất là các dự án thuộc Chương trình mới như CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, phải thực hiện lập, thẩm định, quyết định đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, cần mất nhiều thời gian; một số dự án có quy mô lớn nên quá trình khảo sát địa hình, địa chất phức tạp nên đã ảnh hưởng đến việc bố trí vốn chi tiết để triển khai thực hiện.

Việc tổ chức thực hiện các dự án, tiểu dự án thành phần thuộc các CTMTQG phải theo hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương chủ quản Chương trình. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, một số văn bản chậm ban hành nên các địa phương phải chờ, lúng túng trong việc triển khai, chậm triển khai hoặc không triển khai được./.

Bích Ngọc

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=78588