Nghề báo không chỉ để mưu sinh

Báo chí suy cho cùng cũng là ngành nghề để phụng sự xã hội, đất nước. Tuy nhiên, với đội ngũ những người làm báo, đây không chỉ là công việc đơn thuần để mưu sinh, mà đằng sau đó còn là sứ mệnh, trách nhiệm lớn lao.

Mỗi năm, cứ đến tháng 6, những người làm báo trên cả nước lại chung cảm xúc hân hoan, chúng tôi thường gọi 21/6 là ngày sinh nhật nghề. Đối với người cầm bút, dù đã gắn bó thâm niên, hay mới chập chững vào nghề thì cảm xúc trong những ngày này vẫn vẹn nguyên như thuở ban đầu.

Tháng 6, trên khắp các nẻo đường, băng rôn, khẩu hiệu chào mừng Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam rộn ràng. Trên mạng xã hội, các đồng nghiệp cũng chia sẻ nhiều khoảnh khắc ý nghĩa, đó là bức ảnh trong một chuyến tác nghiệp đáng nhớ, câu chuyện về nghề hay những nỗi niềm riêng.

Nhà báo Kim Sáng: “Tôi vẫn luôn tự hào là phóng viên của Báo Công lý”.

Nhà báo Kim Sáng: “Tôi vẫn luôn tự hào là phóng viên của Báo Công lý”.

Năm nay kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024). Gần một thế kỷ là minh chứng rõ nét nhất cho quá trình hình thành, phát triển của nền báo chí nước nhà. Dù có nhiều thay đổi trong các bối cảnh khác nhau của đất nước và cách mạng công nghiệp 4.0, nhưng báo chí vẫn đóng vai trò quan trọng, gắn chặt với chức năng giám sát và phản biện xã hội.

2024 cũng là năm đầu tiên Hội báo toàn quốc được tổ chức ở Thành phố mang tên Bác, niềm vui của anh em báo chí phía Nam như được nhân lên. Đây cũng là Hội báo có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, mang lại nhiều cảm xúc đặc biệt, là nơi chúng tôi gặp gỡ, chia sẻ, giao lưu những câu chuyện về nghề, về cuộc sống. Tuy chỉ diễn ra trong 3 ngày ngắn ngủi, nhưng Hội báo toàn quốc đã để lại dấu ấn mạnh mẽ không chỉ với những người làm báo mà còn với độc giả khắp mọi miền đất nước.

Với tôi, 21/6 này là năm thứ 6 tôi gắn bó với Báo Công lý, cơ quan ngôn luận của TANDTC và là năm thứ 8 tôi gắn bó với nghề báo. Đối với tôi, đó là quãng thời gian đẹp nhất vì tôi được sống, cầm bút và thỏa niềm đam mê với nghề. Cũng có những thời điểm khó khăn, nhưng lòng yêu nghề đã giúp tôi vượt qua tất cả để tiếp tục nghiệp cầm bút.

Từ những ngày còn là sinh viên báo chí trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội cơ sở 2 tại TP.HCM cho đến thời điểm hiện tại, tôi không còn nhớ rõ mình đã viết bao nhiêu tin, bài, tham dự bao nhiêu sự kiện, gặp gỡ những ai, nhưng tôi thấy rõ sự trưởng thành của bản thân với nghề.

Tuy nhiên, có một điều vẫn không đổi thay qua năm tháng, đó chính là tình yêu tôi dành cho nghề báo. Từ mẩu tin đầu tiên được đăng tải trên Website Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM đến các tác phẩm báo chí sau này, tôi luôn trân quý vì đó không đơn thuần là câu chữ viết ra, mà còn chứa đựng tâm huyết của tôi với nghề.

Có đôi lúc tôi bị sững lại với câu hỏi “Nếu không làm báo thì làm gì?”. Tôi cũng không biết nữa vì tôi yêu nghề báo hơn tất cả những gì mình có. Tôi có thể bỏ lỡ chuyến du lịch cùng gia đình, lỡ hẹn với bạn bè, nhưng với công việc tôi luôn ưu tiên thời gian, trách nhiệm và sự chỉn chu. Câu slogan theo tôi suốt những năm tháng qua, đó là “Đam mê không bao giờ giới hạn, nghề báo là duy nhất trên cuộc đời”.

May mắn lớn nhất của tôi là được học tập, làm việc trong môi trường báo chí chính thống, tiếp xúc với những người thầy, những người đồng nghiệp giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, nên ngay từ lúc chập chững đến thời điểm hiện tại, tư tưởng và ngòi bút của tôi luôn vững vàng. Tuy nhiên, tôi vẫn phải cố gắng mỗi ngày để có thể trở thành một nhà báo tốt trong tương lai, đúng như câu nói của cố nhà báo Hữu Thọ “Tâm sáng, lòng trong, bút sắc”.

Nghề báo cũng có những vinh quang nhưng không kém phần vất vả, người ta ví nghề báo như “con dao hai lưỡi”, nhất là đối với những phóng viên theo mảng điều tra, thời sự… có những câu chuyện chỉ người trong cuộc mới hiểu.

Chung quy, báo chí cũng là một nghề để phụng sự xã hội, đất nước. Tuy nhiên, với đội ngũ những người làm báo, đây không chỉ là công việc đơn thuần để mưu sinh mà đằng sau đó còn là sứ mệnh, trách nhiệm lớn lao.

Trong một số bối cảnh, nhà báo, phóng viên trở thành gương mặt đại diện cho cả cơ quan báo chí, ngòi bút của họ có sức ảnh hưởng nhất định. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận những mặt tiêu cực đang diễn ra nhưng đa phần, khi nhắc đến nghề báo và nhà báo, mọi người vẫn nói bằng thái độ kính trọng.

Tôi biết rằng, rất nhiều bạn trẻ vẫn đam mê và muốn cống hiến hết mình cho nghề báo. Nền báo chí Việt Nam rất cần những người như vậy. Với tôi, là một phóng viên trẻ, tôi vẫn đang từng ngày nỗ lực trau dồi kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ, tôi quan niệm rằng cứ yêu nghề thì nghề sẽ không phụ.

Kim Sáng

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/nghe-bao-khong-chi-de-muu-sinh-437035.html