Nghề dệt lanh của người Mông trên Cao nguyên đá
Người Mông trên Cao nguyên đá Đồng Văn có đời sống văn hóa đặc sắc, lâu đời với nhiều nghề truyền thống được gìn giữ qua hàng trăm năm. Nếu như cây khèn là biểu tượng cho sự tài hoa, bản lĩnh của đàn ông người Mông, thì kỹ năng se lanh, dệt vải thể hiện sự khéo léo của người phụ nữ. Nghề dệt lanh truyền thống không chỉ là dệt vải, may trang phục, mà là chuỗi công đoạn kéo dài hoàn toàn thủ công và gắn liền với tín ngưỡng, bản sắc dân tộc Mông. Hành trình từ cây lanh trở thành sản phẩm vải lanh hoàn chỉnh, có giá trị là hành trình chứa đựng công sức, tâm huyết, phản ánh thẩm mỹ của mỗi người phụ nữ dân tộc Mông trên Cao nguyên đá.

Cây lanh thường được người dân trồng từ khoảng tháng 2 hàng năm, sau 90 ngày sẽ được thu hoạch.

Sau khi thu hoạch, thân cây lanh sẽ được phơi khô, sau đó cây được tuốt vỏ lấy sợi, đây là nguyên liệu chính để dệt vải lanh.

Sợi lanh được tước ra từ thân cây sẽ được đem đi giã cho mềm.

Sau khi sợi lanh được giã mềm sẽ đến công đoạn nối sợi. Đây là công đoạn mất rất nhiều thời gian và làm hoàn toàn bằng tay. Phụ nữ Mông thường cuốn sẵn những bó sợi lanh quanh bụng và tận dụng mọi thời gian rỗi để nối sợi như lúc đi chợ, ngồi nói chuyện, đi đường...

Những cuộn lanh thô khi nối xong sẽ được mang đi se lại, hay còn được gọi là kéo sợi để tạo thành những sợi chỉ nhỏ. Mỗi cuộn sợi được nối và se thành cuộn từ 2 – 3kg.

Để sợi lanh có màu trắng, mịn hơn, sợi được mang đi nấu với tro bếp, rồi mang giặt. Công đoạn nấu - giặt thường được làm từ 3 - 4 lần tới khi sợi lanh có độ trắng đạt yêu cầu.

Sau đó sợi lanh được những đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ chia đều vào khung để chuẩn bị cho bước dệt lanh.

Dệt lanh là bước quan trọng, đòi hỏi sự khéo léo và lành nghề của người thợ.

Bà Vàng Thị Súa ở xã Đồng Văn năm nay 66 tuổi, nhưng có trên 50 năm dệt vải lanh cho biết: Phụ nữ Mông ai cũng sẽ biết dệt lanh từ khi 14 -15 tuổi, nhưng độ đẹp, độ khéo thì không phải ai cũng đạt được để dệt nên những tấm vải lanh mịn, đẹp.

Vải lanh dệt xong thường được lăn cho mịn và đem nấu cùng tro bếp để đạt độ trắng nhất định rồi tranh thủ thời tiết thuận lợi sẽ mang phơi.

Những cuộn vải lanh đạt tiêu chuẩn để may trang phục.

Vải lanh nhuộm màu vàng từ hoa mâm xôi.

Hiện nay có nhiều hợp tác xã đã sáng tạo, làm ra các sản phẩm từ vải lanh vô cùng đa dạng và được du khách yêu thích.

Các sản phẩm từ lanh mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân, trở thành điểm tựa cho chị em phụ nữ Mông vươn lên thoát nghèo.