Nghề dệt truyền thống ở Khuôn Thê

'Dệt vải là nghề truyền thống của người Nùng, được trao truyền qua nhiều thế hệ. Thế nhưng, nghề dệt đang dần bị mai một bởi hiện giờ có đủ các loại vải vóc bắt mắt, hợp mốt bọn trẻ'. Bà Nông Thị Thao năm nay 80 tuổi thôn Khuôn Thê, xã Phúc Ứng (Sơn Dương) vừa dệt tấm vải khổ lớn, vừa tiếc nuối nói về nghề như thế.

Dệt vải từ thuở mười ba

Lớn lên với nghề dệt lâu đời, nơi các bà, các mẹ đều biết dệt và dệt khéo, bà Nông Thị Thao đã sớm quen thuộc với bộ áo chàm, khung dệt. Với bà, đó là tuổi thơ, là một phần cuộc sống. Bà Thao bảo: nghề dệt truyền thống của người Nùng ở Khuôn Thê đã có từ lâu đời. Từ xưa, phụ nữ Nùng đều tự tay dệt vải, khâu quần áo. Nhờ bàn tay khéo léo và kiên trì của những người phụ nữ, dệt vải đã trở thành một nghề truyền thống.

Bà Thao không nhớ mình đã dệt bao nhiêu tấm vải, tấm chăn. Chỉ nhớ rằng, thuở nhỏ, cũng như những đứa trẻ khác trong làng, bà đã biết dệt từ khi 13, 14 tuổi. Bộ khung dệt vải mà bà Thao đang dùng cũng có từ rất lâu. Cây thoi và bộ khung cửi làm từ gỗ rừng, tre, nứa đều đã nhẵn bóng theo thời gian.

Công đoạn se sợi và lên khung dệt vải là kỳ công nhất.

Công đoạn se sợi và lên khung dệt vải là kỳ công nhất.

Bà Thao nhớ lại: thời mẹ bà còn sống, cây bông trồng trên triền núi thấp. Khi những cây bông trổ trắng cả triền núi, người làng mang về, quay vòng se thành sợi. Sợi chỉ ngày ấy không trau chuốt, nhẵn mịn và đều như bây giờ. Ngày đó, hầu như nhà nào cũng trồng bông, tự dệt vải cho gia đình. Bởi vậy, hình ảnh các cụ lên khung, dệt vải đều tay, miệng ngân nga vài khúc hát hay trò chuyện cùng nhau không ai là không nhớ.

Là một trong những hộ còn giữ lại nghề dệt vải truyền thống ở Khuôn Thê, bà Hoàng Thị Phùng tâm sự: trang phục của người Nùng tuy ít họa tiết nhưng khi làm lại rất cầu kỳ. Công đoạn se sợi và lên khung là kỳ công nhất. Cán bông và se sợi đòi hỏi sự tỉ mỉ, chú tâm mới tạo ra những sợi chỉ đều, đẹp. Công đoạn se sợi vào khung nhanh nhất cũng mấy tiếng đồng hồ, còn bình thường phải tốn cả buổi. Còn để dệt nên một tấm vải, ít nhất phải mất vài ngày.

Sau khi dệt những mảnh vải bằng khung cửi gỗ, người dân thu hái lấy cây chàm về ngâm vào chum nước hàng tháng trời cho đến khi lá nhàu nát. Sau đó mới chắt lọc lấy nước rồi trộn một ít vôi, nhân hạt đào phai giã nát và khuấy đều để tạo thành thứ nước hỗn hợp màu xanh lam đậm hay còn gọi là màu chàm. Vải được ngâm chàm, mỗi ngày phải vớt ra phơi và ngâm lại hai lần. Phơi chàm cũng phải phơi lúc sáng sớm cho kịp sương, liên tục trong khoảng một tháng mới bền màu.

Khi đã có được tấm vải ưng ý, người Nùng mới bắt đầu thêu hoa văn lên để may thành quần áo, chăn, túi xách, khăn đội đầu… Theo bà Phùng, họa tiết thêu của người Nùng đơn giản như chính cách sống của họ. Trên các sản phẩm, hoa văn chủ yếu là các họa tiết hình tròn, bố cục cân xứng, mô phỏng lại mặt trời, ngôi sao với nhiều màu sắc rực rỡ. Việc thêu thùa với con gái người Nùng trước kia rất được coi trọng, nhìn vào từng đường kim mũi chỉ có thể biết được đâu là cô gái khéo léo, đảm đang.

Nghề dệt truyền thống ở Khuôn Thê đang dần mai một, bà con Nùng sử dụng vải may sẵn may trang phục truyền thống.

Nghề dệt truyền thống ở Khuôn Thê đang dần mai một, bà con Nùng sử dụng vải may sẵn may trang phục truyền thống.

Yêu thích dệt thổ cẩm từ nhỏ, mỗi khi thấy bà, mẹ ngồi dệt vải, chị Hoàng Thị Thơm ngồi ngắm nhìn và học theo. Được sự hướng dẫn, chỉ dạy của mẹ, chị Thơm trở thành người nối nghiệp và là người nổi tiếng dệt giỏi trong làng. 13 tuổi, chị Thơm đã biết kéo sợi, lên khung thành thạo. Chị Thơm kể: ngày ấy, con gái Nùng lứa chị ai cũng biết dệt vải, may vá, thêu thùa. Chẳng thế mà trong những điệu ca ở Khuôn Thê vẫn còn vang câu: “Em về dệt cửi trên khung/Để anh đọc sách cùng chung một đèn/Vải em em bán lấy tiền/Em mua lụa liền may áo cho anh/Trong thì lót tím lót xanh/ Ngoài thêu đôi bướm lượn cành phù dung”.

Nỗ lực giữ nghề

Nghề dệt truyền thống ở Khuôn Thê đang dần mai một. Cả làng giờ chỉ còn sót lại vài ba chiếc khung cửi. Bà Hoàng Thị Phùng buồn rầu nói: để dệt và làm ra một sản phẩm quần áo, gối, chăn có hoa văn thêu tay đẹp đòi hỏi ở người làm sự tỉ mỉ, kiên trì và tâm huyết nghề. Nhiều công đoạn cầu kỳ, tốn thời gian nên giờ chẳng còn mấy ai ngồi bên khung cửi để dệt vải nữa. Cũng chẳng còn ai làm ra được những tấm vải chàm cầu kỳ như ngày xưa. Làm cả năm mới được bộ váy áo, mà bán rẻ thì không đủ tiền công, bán đắt thì không có ai mua. Mua sợi, vải công nghiệp sẽ rẻ hơn nhiều.

“Có lẽ mà vì thế ít người còn mặn mà với việc làm sản phẩm thêu thủ công trên vải chàm. Không còn ai mặc quần áo Nùng “xịn” nữa. Họ mua vải kẻ may áo, vải phin bóng may quần cũng kiểu dáng truyền thống, nhưng chất liệu thay đổi, tất cả đều là vải công nghiệp. Ngay cả những người cao tuổi trước đó mặc quần áo chàm cả ngày, nay cũng cất trang phục truyền thống vào rương, hòm. Bọn trẻ trong làng bây giờ chủ yếu đi làm công ty, không còn ai mặn mà với nghề này nữa”, bà Phùng buồn bã nói.

Người Nùng Khuôn Thê mặc những bộ trang phục do chính mình dệt nên.

Người Nùng Khuôn Thê mặc những bộ trang phục do chính mình dệt nên.

Tiếc cho nghề truyền thống đang dần mai một, chị Hoàng Thị Len là một trong số ít người trẻ ở Khuôn Thê còn duy trì công việc dệt vải, nhuộm chàm và thêu thùa. Chị Len tự hào bảo, dù mất công sức, nhưng sản phẩm làm ra đường chỉ rất chắc chắn, màu vải chàm không phai, hoa văn độc đáo đậm nét dân tộc, đường thêu điêu luyện và mềm mại.

“Ở Khuôn Thê nghề dệt vải thêu tay đang đứng trước rất nhiều khó khăn. Nghề dệt truyền thống ở đây diễn ra ở phạm vi gia đình là chủ yếu, chưa mang tính hàng hóa. Sản phẩm sản xuất ra không bán được sẽ không mang lại nguồn thu nhập cho gia đình, dẫn tới họ không thiết tha với nghề nữa mà tự chuyển sang làm các nghề khác” - chị Len cho hay.

Giữa cuộc sống hiện đại, đời sống của người Nùng dần thay đổi, thế nhưng, những tấm vải dệt tay vẫn hiện diện như kết nối giữa các thế hệ với nhau và là sợi chỉ gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Khi tôi hỏi chị Len dệt thủ công mất nhiều thời gian, công sức, sao chị không mua vải công nghiệp như mọi người. Chị Len khẳng định: “Linh hồn của nghề dệt truyền thống chính là làm thủ công, là công sức, là tâm huyết của những người dệt gửi gắm vào từng tấm vải. Dẫu tính toán giữa bài toán kinh tế, nhưng vẫn phải giữ mạch nguồn văn hóa truyền thống của làng”.

Ông Lê Đức Vân, Bí thư Chi bộ thôn Khuôn Thê cho biết, thôn có 104 hộ, dân tộc Nùng chiếm 99%. Bản sắc văn hóa dân tộc Nùng là những điệu hát, là trang phục, tiếng nói… và đều đã, đang được khôi phục. Từ chỗ mất dần các bộ trang phục Nùng, nay 95% các hộ trong thôn đều có trang phục, thôn còn có 3 hộ còn dệt trang phục truyền thống. Chi bộ đã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn và phát triển nghề truyền thống này. Đồng thời cũng tăng cường quảng bá các sản phẩm do bà con làm ra, để trở thành sản phẩm hàng hóa, từ đó khôi phục nghề dệt truyền thống của người Nùng nơi đây.

Phóng sự: Lý Thu

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/phong-su/nghe-det-truyen-thong-o-khuon-the-176692.html