Nghề đi lùi, đãi cát tìm 'ngọc biển'

Lầm lũi trên bãi biển ven bờ là những người dân đang 'bán mặt cho đất, bán lưng cho trời' để thu mối vài cân ngao biển mỗi ngày. Sự tĩnh lặng trong bước đi của người kéo ngao khiến biển sớm như được đóng khung trong một thước phim đầy chất thơ.

Khi mặt trời còn lấp ló ở chân trời, để lại màu tối pha lẫn thứ ánh sáng cam đỏ huyền hoặc bao trùm vùng biển lớn, những người dân vùng ven đã sớm có mặt và lần tìm khắp bãi cát dài thứ hải sản nức tiếng của vùng.

Ngao biển tự nhiên, lẫn cùng cả chem chép biển, vốn nhỏ mình, thân bé, ít thịt, lại ngày càng khó tìm hơn. Tuy vậy, món hải sản của biển đổi lại vốn có nước dùng ngọt thơm và giá trị kinh tế cao hơn so với ngao nuôi. Những người dân chia nhau mỗi người một vùng rồi lặng lẽ ngâm mình trong nước, đi tới đi lui kéo từng lượt cát dưới làn nước trong, làm lộ ra những con ngao biển nhỏ lẫn cả với ghẹ con, ốc biển và cả vài chú sao. Cũng bởi công việc tới lui với bước chân bước về sau nên nghề này còn được gọi là nghề “đi lùi”.

Người ngư dân kéo ngao trên bãi biển Bảo Ninh (TP. Đồng Hới)

Người ngư dân kéo ngao trên bãi biển Bảo Ninh (TP. Đồng Hới)

Dụng cụ kéo ngao được các chú, các bác chế lại cho phù hợp với công việc, bao gồm một cán gỗ hoặc tre dài tầm 1,2m, nối với khung sắt tạo hình hộp, trong đó có một phía lớn và phía còn lại bé hơn như tạo hình chiếc phễu. Khung sắt được hàn từ những thanh sắt nhỏ, để cát có thể trôi theo dòng nước và chỉ sót lại những chú ngao to, trôi tuột về phần lưới được buộc vào cuối đuôi “phễu”.

Để có thể đâm xuyên mặt cát và trôi nhẹ nhàng trong làn nước, một đầu to của khung sắt hình hộp có những phần đinh nối dài, giúp ngư dân giảm bớt sức trong quá trình làm việc. Chiếc cào được kéo trôi từ lực nơi thanh gỗ cộng hưởng với phần dây buộc vào lưng của ngư dân. Những chú ngao biển nằm dưới mặt cát từ đó mà bị “hút” hết cả vào chiếc túi lưới của bác kéo ngao, trôi tuột xuống phần đáy mà đồng loại đang nằm im trong nước. Người kéo ngao đi đến đâu, chiếc túi lưới lại được kéo đi và đầy hơn đến đó. Cát theo lỗ to của lưới mà lọt ra ngoài, không khiến tạo thêm sức nặng cho ngư dân.

Mặt trời dần lên, nhưng công việc của người ngư dân không dừng. Có chăng, sự thay đổi chỉ là từ điểm cồn này đến vùng bãi khác. Họ tránh chỗ người dân tắm biển, và lựa chỗ làm việc theo kinh nghiệm, có khi là may rủi.

“Làm nghề này cũng nhọc lắm, cần sức khỏe. Nhưng mà chưa chắc người trẻ đã kéo hơn người già do già rồi họ có kinh nghiệm. Nhìn ri là ông biết chỗ nào có ngao, chỗ nào không này”, ông Hoàng Văn Xuân (SN 1958) chia sẻ khi đang nghỉ ngơi trên bãi biển trước khi quay trở lại với công việc của mình.

Theo ông, ngao thường tập trung ở quanh những vùng cồn. Khi nước triều xuống, ngao sẽ đóng thân mình và lẩn xuống lớp cát nơi đây. Công việc nhìn dường như có vẻ không nặng nhọc, nhưng những người ngư dân thường phải ngâm mình trong nước biển, dưới nắng hè từ 5-6 tiếng đồng hồ. Ai mỏng sức hơn, cũng chỉ mong để đủ kiếm bữa cơm cho gia đình thì cào vừa đủ, đi về tùy lúc.

Đãi cát tìm ngao

Đãi cát tìm ngao

Ngâm mình lâu trong nước mặn, những ngư dân cào ngao ai cũng có làn da bánh mật rắn rỏi cùng đôi tay, đôi chân nhăn mềm do nước. Họ vốn là người đi biển lâu năm, nay đã lớn tuổi nên chọn nghề cào ngao ven bờ cho bớt nhọc nhằn, lại yêu cầu ít hơn giờ công mà đủ chi phí trang trải qua ngày hay thêm chút hải sản cho bữa cơm nhà khi còn có sức. Cũng có một vài người phụ nữ đảm đương công việc này, để gọi làm kiếm thêm chút ít cho gia đình.

Khung cảnh những người cào ngao trong sáng sớm biển lặng đã thu hút sự chú ý của những khách du lịch đến với Đồng Hới. Ngại ngần khi bác ngư dân mời thử “món nghề” của dân biển, anh du khách đến từ Hà Nội luống cuống với chiếc cán gỗ, nặng nhọc bước lùi từng bước trong sự cổ vũ của bác ngư dân “đặt cái cào ngang ngang với mặt biển thôi, đừng đâm sâu quá không kéo nổi mô”, “cứ cào rứa, nâng cái cào lên”…

Anh Vũ Văn Xuyên, khách du lịch đến từ Hà Hội thử nghề của người dân vùng biển

Anh Vũ Văn Xuyên, khách du lịch đến từ Hà Hội thử nghề của người dân vùng biển

Kết thúc vài phút tập sự, người du khách từ phương vội trả đồ nghề rồi bảo: “Bác khỏe đấy chứ cháu mới kéo chút đã mệt rồi”, anh Vũ Văn Xuyên (SN 1970) cười nói.

7 giờ sáng, mặt trời lên cao, nắng gắt và nóng nực, một vài người cào ngao ngồi kiểm đếm số ngao, vứt bỏ những vỏ ốc lẫn vào, thả về biển những chú ghẹ con còn bé xíu và chú sao biển giãy giụa. Tổng cả được 1-2kg, có người nhiều hơn thì 2-3kg.

Ngao biển tự nhiên vốn giá cao hơn, với thu nhập dao động khoảng 70.000/kg và cũng chỉ đủ để bán cho bà con trong xóm hoặc một vài quán nhậu quen trên bờ biển Nhật Lệ. Họ ngâm ngao vào thùng nước biển, nhìn trời nhìn biển với ngụm trà nước trước khi trở về ngâm mình vào nước mặn, tiếp tục đãi cát tìm… ngao.

An Đồng

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn//chuyen-hay/nghe-di-lui-dai-cat-tim-ngoc-bien-c17a58374.html