Nghề mới ở bản Trại Cá

Lâu nay, người dân bản Trại Cá (xã Tà Long, huyện Đakrông) cũng như nhiều bản, làng khác nằm dọc đoạn sông Đakrông chảy qua các xã Tà Long, Húc Nghì, Tà Rụt… chưa hề biết đến nghề nuôi cá lồng trên sông. Đến nay, nguồn thủy sản trên sông Đakrông đang ngày càng cạn kiệt, khan hiếm dần, nên nhiều người dân bản Trại Cá bắt đầu làm quen với nghề mới là nuôi cá lồng trên sông.

 Anh Lê Văn Mỹ cho cá trắm cỏ ăn - Ảnh: A.P

Anh Lê Văn Mỹ cho cá trắm cỏ ăn - Ảnh: A.P

Đang bận rộn với công việc thái thân cây chuối thành từng lát mỏng, rồi băm nhỏ để mang xuống cho đàn cá trắm cỏ đang nuôi trong lồng ăn, ông Lê Văn Ri (65 tuổi) ở bản Trại Cá, xã Tà Long vẫn tranh thủ ít phút để trò chuyện cùng chúng tôi. Ông Ri cho biết, ông sinh ra và lớn lên ở tỉnh Thừa Thiên - Huế. Khoảng năm 1990, do cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn, ông đưa đàn con nhỏ ra bản Trại Cá để lập nghiệp. Hồi ấy, đoạn sông Đakrông chảy qua xã Tà Long, Húc Nghì, Tà Rụt… cá, tôm nhiều vô kể. Chỉ cần một đêm thả lưới, giăng câu là có thể bắt vài chục cân cá đặc sản như cá mát, cá lấu, cá leo, cá chình cùng nhiều loại cá nước ngọt khác. “Cá, tôm đánh bắt được nhiều, nhưng bán không đủ tiền đong gạo nuôi con. Cũng bởi muốn bán mớ cá, tôm đánh bắt được phải cắt rừng đi bộ vài giờ đồng hồ để ra Quốc lộ 9 bán cho người mua. Ra đến nơi, cá, tôm dần bị ươn, nên cũng vì vậy mà bị người mua ép giá. Biết là thua thiệt, nhưng đành phải bán chứ không thể mang trở về bản. Sau này, có đường Hồ Chí Minh đi qua huyện Đakrông nối từ cầu treo Đakrông đến giáp giới với tỉnh Thừa Thiên - Huế thì người dân ở các bản, làng mới vơi bớt khó khăn, vất vả trong việc tiêu thụ thủy sản đánh bắt được từ sông Đakrông. Khoảng chục năm trở lại đây, nhiều loại thủy sản trên đoạn sông Đakrông chảy qua các xã Tà Long, Húc Nghì, Tà Rụt… bắt đầu cạn kiệt dần. Nhiều loại thủy sản được xem là đặc sản như cá mát, cá lấu, cá leo, cá chình… hầu như vắng bóng. Hiện tại, muốn đánh bắt được các loại cá này phải lặn lội ngược lên tận sông, suối của xã A Vao thì may ra mới có…”.

Vừa trở về từ lồng nuôi cá trên sông Đakrông, nhưng khi biết tôi có ý định ra thăm lồng cá của gia đình, anh Lê Văn Mỹ (36 tuổi) vẫn vui vẻ nhận lời. Trên đường xuống bến sông, anh Mỹ cho biết, gần 20 năm làm nghề chài lưới trên sông Đakrông, đến bây giờ anh mới làm quen với nghề nuôi cá lồng. “Cũng phải làm quen dần với nghề nuôi cá lồng, chứ hiện tại không thể trông chờ vào nguồn thủy sản đánh bắt được như trước đây”, anh Mỹ nói. Anh Mỹ đến với nghề nuôi cá lồng trên sông Đakrông bắt đầu từ khoảng đầu năm 2020. Sau một thời gian nghiên cứu sách, báo cũng như đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm nuôi cá lồng bè trên sông, hồ ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, anh Mỹ quyết định đầu tư 15 triệu đồng để làm hệ thống lồng nuôi cá. Lồng nuôi cá của gia đình anh Mỹ có chiều dài khoảng 6 m, chiều rộng 3 m và chiều sâu 1,8 m. Lồng có thể nuôi được khoảng 1 tạ cá trắm cỏ.

Anh Mỹ cho biết: “Đoạn sông Đakrông phía sau bản Trại Cá hiện được chặn dòng làm thủy điện nên có ưu thế trong việc nuôi cá lồng như có môi trường nước sạch, không ô nhiễm vì dòng nước lưu thông thường xuyên và mực nước khá ổn định; có thể tận dụng nguồn thức ăn tại chỗ, nhất là cỏ, chuối ở khu vực xung quanh… Tháng 2 năm 2020, gia đình tôi đầu tư 10 triệu đồng để mua 1 tạ cá trắm cỏ (cá trắm cỏ có chiều dài từ 15 - 20 cm) để thả nuôi. Ở miền núi, nên nguồn thức ăn cho cá trắm cỏ gồm các loại cỏ dại, cây chuối cũng sẵn có. Cứ khoảng 2 - 3 ngày, tôi đi cắt cỏ hoặc chặt cây chuối về thái nhỏ để làm thức ăn cho cá trắm cỏ thả nuôi trong lồng. Sau thời gian thả nuôi khoảng 1 năm, gia đình tôi thu 2,5 - 3 tạ cá trắm cỏ thương phẩm (cá trắm cỏ đạt trọng lượng từ 2 - 3 kg/con với giá bán trên thị trường giao động 100 - 120 nghìn đồng/kg). Năm 2020, gia đình tôi có nguồn thu khoảng 20 - 25 triệu đồng từ nghề nuôi cá lồng trên sông Đakrông”.

Phó Chủ tịch UBND xã Tà Long Lê Xuân Tang cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay trên địa bàn bản Trại Cá có 4 hộ dân nuôi cá lồng trên sông Đakrông. Các hộ dân nuôi cá lồng chủ yếu là nuôi tự phát. Khi các hộ dân tiến hành nuôi cá lồng trên sông, xã Tà Long đã chủ động đề nghị với Nhà máy Thủy điện Đakrông 4 tạo điều kiện cho người dân nuôi cá lồng trong khu vực lòng hồ thủy điện. Việc tận dụng diện tích nguồn nước mặt của lòng hồ thủy điện để nuôi thả cá lồng chính là hướng phát triển kinh tế mới, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân xã Tà Long. Với diện tích mặt hồ còn nhiều, môi trường nước tốt trong khi các phụ phẩm, thức ăn cho cá có sẵn thì nên khuyến khích người dân phát triển nuôi cá lồng. Về lâu dài, khi mô hình phát triển hiệu quả cao, có thể nghiên cứu để nhân rộng ra các bản, làng trên địa bàn xã Tà Long cũng như nhiều xã nằm dọc theo sông Đakrông. Xã Tà Long cũng mong muốn các ngành chức năng quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển mô hình nuôi cá lồng trên sông Đakrông, nhất là về mặt kỹ thuật và tìm thêm nơi tiêu thụ để hỗ trợ người dân tăng thu nhập từ một mô hình kinh tế mới, hiệu quả.

An Phong

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=157980&title=nghe-moi-o-ban-trai-ca