Một vị tướng giản dị

Khi tôi mới chân ướt chân ráo từ đất bạn Campuchia về định cư ở đường Yên Thế, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh đã nghe bà con hàng xóm cho hay ở đây có nhiều tướng lĩnh, cán bộ cao cấp của quân đội ta nghỉ hưu: Trung tướng Nguyễn Đường, từng là Cục trưởng Cục Tài chính, sống trong sáng, liêm khiết, được cán bộ, chiến sĩ kính nể; Thiếu tướng Phan Hàm, từng là Phó tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên, sau đó là thành viên trong Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh; Thiếu tướng Phan Khắc Hy, Thiếu tướng Nguyễn An, Phó tư lệnh Bộ đội Trường Sơn… Có một người không thấy ai nói tới, nhưng sau này để lại cho tôi ấn tượng đẹp. Đó là Thiếu tướng Phan Văn Đường.

Ngày đó, khu vực kế sân bay Tân Sơn Nhất nhà dân thưa thớt, chỉ có những khu biệt thự dùng cho nhân viên phục vụ sân bay thời xưa để lại. Cán bộ cấp đất đang lúng túng không biết xử lý thế nào để có cơ sở hạ tầng sinh sống. Giữa lúc ấy có một cán bộ quân đội nghỉ hưu, khoác bộ quân phục bạc màu, đầu đội mũ vải mềm, gắn sao, đạp chiếc xe cũ lên quận, xuống phường. Chẳng biết ông làm thế nào mà chỉ ít lâu sau, những đường điện, đường dẫn nước được xuyên đến từng ngõ hẻm, từng gia đình. Người đó chính là Thiếu tướng Phan Văn Đường.

Thiếu tướng Phan Văn Đường quê gốc ở Quãng Ngãi, một vùng quê nghèo của khúc ruột miền Trung. Thời anh thanh niên, Phan Văn Đường nhập ngũ, bộ đội ta chưa có quân phục, ăn uống dựa vào sự giúp đỡ của dân. Những trận đánh đầu tiên vũ khí hết sức thô sơ, vậy mà đã làm nên những chiến công lừng vang khắp nước. Cuộc đời chiến sĩ đã tạo cho Phan Văn Đường đức tính dũng cảm, tự tin. Trải qua nhiều mặt trận, đảm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau, nhiệm vụ nào ông cũng thực hiện một cách tận tâm, tận lực. Trong cuộc sống hằng ngày, Thiếu tướng Phan Văn Đường giản dị, liêm khiết, trong sáng, đó cũng là phẩm chất nổi bật của cán bộ quân đội ta thời chiến tranh. Nhờ họ sống giữa lòng nhân dân, luôn nghĩ tới vận mệnh của đất nước, của nhân dân. Họ trưởng thành bằng chính nghị lực phấn đấu của mình nên trong hoàn cảnh nào cũng vững vàng, không bao giờ chịu lùi trước khó khăn.

Bộ tư lệnh Quân khu 4 thăm Quân khu Trị Thiên năm 1973 (từ trái sang: Người đứng ngoài cùng là Võ Văn Minh, Trưởng phòng Tuyên huấn Quân khu 4, người đứng thứ ba là Thiếu tướng Phan Văn Đường, Phó chính ủy Quân khu 4). Ảnh do Đại tá Võ Văn Minh cung cấp.

Bộ tư lệnh Quân khu 4 thăm Quân khu Trị Thiên năm 1973 (từ trái sang: Người đứng ngoài cùng là Võ Văn Minh, Trưởng phòng Tuyên huấn Quân khu 4, người đứng thứ ba là Thiếu tướng Phan Văn Đường, Phó chính ủy Quân khu 4). Ảnh do Đại tá Võ Văn Minh cung cấp.

Những năm làm nhiệm vụ ở Quân khu 4, Thiếu tướng Phan Văn Đường đã đến những vùng chiến sự khốc liệt nhất: Quảng Bình, Vĩnh Linh, Quảng Trị... từng có những ngày sống trong địa đạo Vĩnh Mốc, đến với các trận địa pháo phòng không bên giới tuyến. Không chỉ làm công tác thanh tra, ông còn tìm hiểu cuộc sống bộ đội, động viên chiến sĩ chiến đấu.

Ông mang phẩm chất của một chính ủy quân đội. Quân khu 4 lúc bấy giờ là hậu phương của miền Nam, tuyền tuyến của miền Bắc. Địch đã ném xuống vùng đất này không biết bao nhiêu bom đạn, có những vùng quê đất đai tưởng hóa sành. Vậy mà con người ở đây lại sống hết sức ung dung, tự tại, bộ đội kiên cường đánh giặc trời, giặc biển, giặc sông, nhân dân bám ruộng vườn sản xuất. Ông kể lại những khi sống trong nhà dân, những đêm lạnh giá được ngủ trong ổ rơm và những bữa cơm gạo mới do đồng bào dân tộc Vân Kiều khoản đãi. Nhớ lại thời ấy, giọng ông hùng hồn, đôi mắt ông trở nên quắc thước. Đôi mắt người Quảng Ngãi!

Trong các cuộc trò chuyện lan man ấy, người lính già đầu bạc Phan Văn Đường cũng có nhiều ưu tư về những chuyện không hay xảy ra trên đất nước ta. Ông lo ngại về sự thoái hóa của không ít cán bộ, đảng viên, về sự phai mờ lý tưởng của một số thanh thiếu niên. Tuy vậy, ông không hề mất niềm tin vào tương lai, ông tin vào sự toàn thắng của lý tưởng dân tộc ta đang thực hiện. Đó là xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, nhân dân ta nhất định có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Khi về đời thường, Thiếu tướng Phan Văn Đường cũng chẳng nghỉ ngơi. Ông làm những công việc có tên và không tên để giúp nhân dân trong khu phố. Từ đó, qui hoạch khu phố mở ra, có trường học, có chợ búa, con hẻm được đổ bê tông, khu phố có nhà văn hóa. Hiệu quả của việc làm của ông nhân dân khu phố hồi đó ghi nhận, biết ơn.

NGUYỄN QUỐC TRUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tuong-linh-viet-nam/mot-vi-tuong-gian-di-785164