Nghệ nhân A Níu đa tài, trăn trở về việc gìn giữ văn hóa truyền thống dân tộc
Nghệ nhân A Níu (63 tuổi) người đồng bào Gia Rai trú tại làng Kleng, thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum là một trong số ít nghệ nhân ưu tú tại làng. Ông đã có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác truyền dạy văn hóa cồng chiêng, văn hóa dân gian cho thế hệ trẻ tại địa phương.
Đam mê nhạc cụ truyền thống
Vào những ngày đầu tháng 2, men theo tỉnh lộ 675 chúng tôi tìm về làng Kleng, thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy để tìm gặp nghệ nhân A Níu- nghệ nhân duy nhất ở làng biết chơi nhiều nhạc cụ truyền thống của dân tộc, lắp ráp và chơi chiêng thành thạo.
Gặp nghệ nhân A Níu, bên ấm trà vẫn còn hơi nóng chúng tôi ngỏ lời muốn nghe ông biểu diễn nhạc cụ dân tộc mình, ông cười gật đầu đồng ý. Một góc nhà, nơi cất giữ các loại nhạc cụ, vật dụng truyền thống, ông chọn cây đàn Ting Ning lau chùi và bắt đầu diễn tấu. Mặc dù ông chơi bằng đàn Ting Ning, nhưng khi giai điệu vang lên làm chúng tôi cảm giác như được nghe một đội chiêng diễn tấu. Khả năng chơi nhạc của ông rất đặc sắc, làm say lòng người bởi những giai điệu mang đậm hơi thở của núi rừng.
Tuy đôi mắt nghệ nhân A Níu bị bệnh từ lâu không thấy rõ phải đeo kính nhưng khi diễn tấu, ông vẫn tạo cho người xem nhiều cảm xúc qua ánh mắt. Tay ôm cây đàn Ting Ning vào lòng, đôi mắt ông hướng xa xăm, sáng rực lên như đặt hết tâm tư, tình cảm trải nghiệm của mình vào từng động tác, từng giai điệu bài nhạc.
Nghệ nhân A Níu cho biết, từ khi 6 tuổi ông đã theo cha và người già trong làng đi nhiều lễ hội, được xem nhiều tiết mục biểu diễn của mọi người. Lúc ấy, ông chỉ đứng xem, lâu lâu được các già làng gọi lại chỉ dạy cho vài điều. Vì có niềm đam mê vô tận với nhạc cụ dân tộc, cứ tối về ông lại lấy đàn, lấy chiêng của cha ra lau chùi, nghịch ngợm và thực hành lại những gì các già làng, nghệ nhân và cha mình chỉ dạy. Vậy mà theo năm tháng, những thói quen tưởng chừng như bình thường ấy lại ăn sâu vào máu của ông, trở thành năng khiếu lúc nào không hay.
Về lâu dài, ông được cha mình hướng dẫn cách đánh chiêng, trống và một số loại đàn. Dù biết chơi nhiều nhạc cụ, nhưng khi lớn lên, ông chỉ chơi thường xuyên chiêng và đàn Ting Ning.
“Khi được cha và những người già truyền cảm hứng thì tôi càng thêm say mê và muốn học cách chơi hết tất cả các nhạc cụ, vì mỗi loại có nét độc đáo và sự cuốn hút riêng. Nhưng sau đó tôi lại chọn đam mê chiêng và đàn Ting Ning. Chiêng và đàn Ting Ning như một sự kết hợp hoàn hảo không chỉ trong biểu diễn mà còn trong lúc tập luyện. Những giai điệu của chiêng có thể phiên qua đàn Ting Ning để biểu diễn và ngược lại. Chính điều đó giúp tôi rất nhiều trong việc cảm âm và sáng tác các bài nhạc khi có sự trợ giúp của hai loại nhạc cụ này”, nghệ nhân A Níu nói.
Chính vì say mê tích lũy, rèn luyện, sau nhiều năm, nghệ nhân A Níu đã trở thành một trong những nghệ nhân đánh cồng chiêng, chơi nhạc cụ nổi tiếng khắp vùng và là một trong số hiếm hoi nghệ nhân biết lắp ráp và chơi chiêng thành thạo tại làng.
Trăn trở khi văn hóa truyền thống dần mai một
Với niềm đam mê vô tận, yêu âm nhạc dân tộc nên từ nhiều năm nay nghệ nhân A Níu luôn trăn trở phải làm gì để bảo tồn nghệ thuật dân gian đặc sắc này. Nhìn về phía cây đàn Ting Ning, nghệ nhân A Níu ngậm ngùi: “Bây giờ hình ảnh chàng trai, cô gái cùng hòa tấu nhạc cụ, đánh chiêng, nắm tay bên ánh lửa bập bùng đã dần thưa vắng. Tiếng chiêng, nhạc cụ đã không được còn được đánh, biểu diễn thường xuyên. Mong rằng mai này thế hệ trẻ sẽ có niềm đam mê nhạc cụ, học đánh chiêng, chơi nhạc cụ dân tộc để lưu truyền và phát huy giá trị của nó”.
Với niềm đam mê, truyền dạy văn hóa dân tộc của mình, nghệ nhân A Níu đã tích cực tham gia các lớp truyền dạy cồng chiêng do địa phương tổ chức. Ngoài ra còn tự thành lập đội chiêng, tập hợp trẻ em trong làng lại tập luyện để biểu diễn văn nghệ. Với sự uy tín của mình, đội chiêng, đội văn nghệ thu hút nhiều người dân các lứa tuổi đam mê văn hóa văn nghệ tham gia.
Ông vừa dạy vừa sáng tác các đoạn nhạc ngắn và dễ để cho các em nhỏ và những người mới dễ tập. Đêm đêm, ông dành thời gian bên cây đàn Ting Ning và chiếc chiêng, đánh và thử từng nốt, từ đó sáng tác ra hàng chục giai điệu dài ngắn khác nhau truyền dạy cho học sinh dễ nhớ và dễ thuộc. Ông sử dụng những giai điệu sáng tác được để làm bài học khi truyền dạy cho mọi người.
Nói về những trăn trở đối với văn hóa truyền thống dân tộc, nghệ nhân A Níu, những năm gần đây, bà con trong làng vì thấy cái lợi trước mắt đã bị người lạ dụ dỗ bán hết chiêng, đồ cổ, những vật dụng có giá trị trong nhà. Số chiêng lớn, chiêng nhỏ trong làng chỉ còn sót lại vài cái riêng lẻ nên mỗi khi biểu diễn gặp nhiều khó khăn vì chiêng phải đủ bộ mới đánh được, thiếu một chiếc không ra bộ chiêng.
“Khi cuộc sống còn nhiều khó khăn, bà con lại không hiểu được cái lợi về lâu dài nên thường ít ai quan tâm đến văn hóa truyền thống. Các thế hệ trẻ bây giờ đã không còn mấy mặn mà với nhạc cụ dân tộc, rất ít người đam mê, theo học và phát triển âm nhạc của dân tộc mình. Điều này làm tôi trăn trở với việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc của mình”, nghệ nhân A Níu buồn bã.