Nghệ nhân cuối cùng giữ nghề làm phỗng đất

Cùng với đèn ông sao, phỗng đất là món quà không thể thiếu với trẻ em xưa trong dịp Tết Trung thu.

Nghệ nhân Phùng Đình Giáp trong workshop trải nghiệm làm phỗng đất.

Nghệ nhân Phùng Đình Giáp trong workshop trải nghiệm làm phỗng đất.

Thế nhưng dần dà, đồ chơi phỗng đất cứ khuyết dần cùng với sự lụi tàn của làng nghề từng nổi tiếng nhất Kinh Bắc.

Mai một nghề xưa

Làng Đông Khê, xã Song Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh) là ngôi làng cổ gắn liền với nghề làm phỗng đất cổ truyền có tiếng của xứ Kinh Bắc xưa. Thế nhưng giờ đây, sau bao biến thiên thời cuộc, cả làng chỉ còn một người duy nhất giữ nghề - đó là nghệ nhân Phùng Đình Giáp.

Trong ngôi nhà ở làng Đông Khê, nghệ nhân Phùng Đình Giáp luôn dành một khoảng không gian đủ rộng để trưng bày các mẫu phỗng đất. Đây cũng là không gian để giới thiệu sản phẩm văn hóa Kinh Bắc với bạn bè và du khách tham quan khi đến Đông Khê.

Cho đến nay, ông Giáp đã có hơn 60 năm theo nghề làm phỗng đất. Bản thân ông cũng là thế hệ thứ ba trong gia đình theo nghề. Khi lên 8 tuổi, ông đã được cha dạy cho cách nặn từng mẫu phỗng đất. Vì là nghề cha ông, nghề của làng nên việc làm ra những con phỗng đất cứ tự nhiên như cơm ăn nước uống hàng ngày.

Tuy nhiên, bản thân ông Giáp cũng không biết làng mình có nghề từ khi nào. Chỉ biết cứ thế hệ này truyền nghề cho thế hệ kia, giống như công việc đồng áng vậy. Cho nên khi hỏi về sử làng, về ông tổ làng nghề thì không chỉ ông Giáp, mà các cụ cao niên cũng không rõ nghề có từ bao giờ.

Nhưng trong trí nhớ của nhiều người ở làng Đông Khê thì chỉ cách đây vài chục năm, nghề làm phỗng đất vẫn rất phát triển và là nghề chính của dân làng.

Mỗi dịp sắp đến Tết Trung thu, người trong làng lại quẩy gánh hàng phỗng đất ra chợ bán. Có nhiều người lại chuyển phỗng đất đi xa hơn, đến các tỉnh lân cận, về Hà Nội và thậm chí cả trong miền Nam, lại có nhà do có mối bán buôn nên thương lái đến tận nhà lấy hàng. Phỗng đất làm ra đến đâu hết đến đó, nên có lúc không chỉ là một nghề làm chơi ăn thật, mà sản phẩm làm ra đến đâu hết đến đó.

Thế nhưng càng về sau thì càng ít người gắn bó với phỗng đất. Do đặc điểm sản phẩm chỉ tiêu thụ trong dịp Trung thu và Tết Nguyên đán nên người dân chuyển dần sang nghề khác ổn định và có thu nhập cao hơn.

Đến khoảng hai chục năm nay thì gần như cả làng chỉ còn ông Giáp theo nghề, số còn lại hoặc đi làm công nhân, hoặc theo nghề làm vàng mã…

Nhìn mọi người bỏ nghề, ông Giáp cũng không khỏi dao động nhưng nhìn nghề cha ông cứ mai một dần, ông chẳng đành. Thế là dù ai nói ngả nói nghiêng, ông vẫn nhất quyết giữ lại cái nghề đã theo mình từ khi còn thơ bé.

Trong cuộc hành trình ấy, bà Nguyễn Thị Điểu – vợ ông, cũng sát cánh cùng chồng chỉ mong giữ lại nét đẹp văn hóa xưa, chứ không mảy may chút suy nghĩ về lợi nhuận.

Nghệ nhân Phùng Đình Giáp nói rằng, ông cha xưa đã gửi gắm điều hay ý đẹp, giá trị văn hóa truyền thống vào bộ phỗng đất để nhắc nhở con cháu về lối sống và đạo lý làm người.

Bộ phỗng đất thường có 5 nhân vật chính: Chim bồ câu thể hiện khát vọng hòa bình; con rùa gắn với truyền thuyết về thần Kim Quy; người già và em bé thể hiện sự nối tiếp; phỗng hình Phật đặt ở vị trí trung tâm với mong muốn nhắn nhủ con cháu sống thiện lành.

 Vợ chồng nghệ nhân Phùng Đình Giáp giã đất thó chuẩn bị nguyên liệu làm phỗng đất.

Vợ chồng nghệ nhân Phùng Đình Giáp giã đất thó chuẩn bị nguyên liệu làm phỗng đất.

 Phỗng đất làng Đông Khê mang dáng vẻ mộc mạc, đặc trưng.

Phỗng đất làng Đông Khê mang dáng vẻ mộc mạc, đặc trưng.

Cố giữ lại những gì sắp mất

Tuy chỉ đơn giản với mẫu 5 nhân vật chính, nhưng hành trình từ hòn đất trở thành phỗng đất lại không ít sự tỉ mỉ lẫn công phu làm nghề.

Ông Giáp cho biết, đất dùng để làm phỗng phải là đất thó (đất sét) được đào sâu dưới lòng đất. Đất thó phải được phơi khô, giã nhỏ trong cối, sàng sảy cẩn thận để chắt lọc lấy phần bột mịn ngâm cùng giấy bản.

Giấy được ngâm trong nước khoảng một tuần cho mủn, tạo thành một chất sền sệt đặc quánh như bột hồ. Giấy và bột đất thó được trộn với nhau bằng tay, đến khi hòa quyện tới độ dẻo mịn, cầm không dính tay, kéo dài không đứt thì đạt yêu cầu.

Sau khi có được nguyên liệu là đến công đoạn nặn phỗng. Với nhiều người việc nặn phỗng đất không khó, ông Giáp cũng công nhận điều này. Tuy nhiên, phỗng đất phải giữ được nét dân dã thì mới đúng là phỗng đất, còn nếu cầu kỳ quá, tỉa tót hoa văn để sản phẩm tinh xảo thì lại mất ý nghĩa của phỗng đất.

Phỗng đất nặn xong thường được phơi khô, sau đó được phủ lên một lớp hồ điệp trắng và hồ nếp sao cho thật mịn. Cuối cùng là vẽ màu hoàn thiện, nhưng cũng tùy từng mẫu phỗng đất mà pha màu cho hài hòa. Thậm chí, với phỗng mộc thì không vẽ màu nhưng phải phơi ngoài sương giá cho mịn bóng.

Nói thì dễ nhưng tận mắt chứng kiến nghệ nhân Phùng Đình Giáp nặn phỗng đất mới thấy không đơn giản. Một con phỗng đất dù to hay nhỏ cũng phải mất tới 7 công đoạn, nghệ nhân phải chú tâm để mỗi con phỗng có hồn cốt, lột tả được đặc trưng phỗng đất Đông Khê.

Mỗi con phỗng mang theo một ước mơ của trẻ nhỏ, và khi cuộc sống ngày càng phát triển thì các mẫu phỗng đất cũng được chế tác đa dạng hơn. Ông Giáp nói rằng, nếu chỉ quẩn quanh ở các mẫu gia truyền thì sẽ không đa dạng nên ông thường xuyên thiết kế mẫu mới. Trong đó, có các mẫu như bộ 12 con giáp, các con vật được trẻ em yêu thích, thậm chí có cả các mẫu tượng, phù điêu.

Để giữ nghề cha ông, vài năm gần đây ngoài việc truyền nghề cho con cháu, nghệ nhân Phùng Đình Giáp còn tham gia vào các sự kiện, workshop trải nghiệm về văn hóa dân gian không chỉ ở Bắc Ninh, mà còn ở nhiều tỉnh, thành khác.

Bên cạnh đó, ông cũng tham gia hoạt động quảng bá, triển lãm phỗng đất để có thêm nhiều người biết về một làng nghề từng rất sôi động như Đông Khê.

“Mặc dù rất muốn con cháu cũng như nhiều người trẻ tham gia giữ nghề, nhưng có vẻ khó. Trong rất nhiều ngành nghề có thu nhập cao thì nghề làm phỗng đất không thể cạnh tranh. Chỉ những người yêu nghề, yêu văn hóa, muốn làm nghề để lưu lại nét văn hóa xưa cũ thì mới mong nghề làm phỗng đất tồn tại. Nếu không chỉ một thời gian nữa, nghề làm phỗng đất sẽ biến mất hoàn toàn, và thế hệ sau sẽ không biết phỗng đất là gì”, nghệ nhân Phùng Đình Giáp chia sẻ.

Trần Hòa

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nghe-nhan-cuoi-cung-giu-nghe-lam-phong-dat-post697956.html