Nghệ nhân Đặng Văn Hậu với câu chuyện nâng tầm giá trị tò he Việt
Khác với những người trẻ trong làng, không thể bám trụ với nghề nặn tò he, anh Đặng Văn Hậu, thôn Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội đã dành hơn 20 năm để học hỏi, nghiên cứu và cải tiến các sản phẩm tò he.
Không chỉ giữ lửa nghề truyền thống của làng tò he Xuân La, với tài năng và niềm đam mê, nghệ nhân trẻ Đặng Văn Hậu còn đưa nghề nặn những con giống bằng bột đến với đông đảo người dân và du khách trong và ngoài nước.
Nghệ nhân Đặng Văn Hậu sinh ra trong một gia đình có nhiều thế hệ gắn bó với nghề nặn tò he truyền thống ở Xuân La. Chính vì thế, anh được tiếp xúc với những con giống bột ngay từ nhỏ. Trong quá trình học nghề, theo nghề, anh đã nhận được nhiều giải thưởng cao từ các Hội chợ dành cho các làng nghề. Năm 2014, anh được Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội – Sở Công thương Hà Nội trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân Hà Nội” và trở thành 1 trong những nghệ nhân trẻ tuổi nhất.
Tuy nhiên, trong hành trình gìn giữ nghề nặn tò he truyền thống, nghệ nhân trẻ đã gặp không ít khó khăn. Nhận rõ hạn chế của nguyên liệu bột khiến sản phẩm dễ nấm mốc cũng như sự du nhập văn hóa nước ngoài khiến sản phẩm tò he chạy theo thị hiếu, mất đi hình dáng, kỹ thuật nặn truyền thống, nghệ nhân Đặng Văn Hậu đã quyết tâm nghiên cứu loại bột mới, có thể giữ trong nhiều năm và phục dựng kỹ thuật nặn con giống truyền thống của ông cha ta.
“Có 3 loại con giống tôi khôi phục, đó là con giống Chim Cò của Phú Xuyên, là nguồn gốc của tò he hiện tại, và con giống của Đồng Xuân và Phố khách. Ba con giống đấy đều có những kỹ thuật rất riêng, dựa trên những kỹ thuật đó thì chúng tôi sáng tạo ra nhiều sản phẩm mới độc đáo hơn. Mục đích chính của chúng tôi luôn luôn hướng về sản phẩm đặc trưng về văn hóa dân gian Việt Nam thay vì những sản phẩm ví dụ như siêu nhân, công chúa Elsa thì đó là những câu chuyện của nước ngoài du nhập vào. Nếu mà chúng ta cứ đi theo những sản phẩm đó thì sẽ bị mất, mai một đi những nét đặc trưng riêng, những cái giá trị văn hóa lịch sử của Việt Nam.”, nghệ nhân Đặng Văn Hậu nói.
Từ đó đến nay, bằng sự sáng tạo không ngừng nghỉ, anh đã cho ra đời nhiều sản phẩm tò he độc đáo, mang đậm tính dân gian có kỹ thuật và mỹ thuật cao như nghê hý châu, sư tử hý cầu, cá vàng, bộ lục súc và con giống ở Huế…Không chỉ gói gọn phạm vi quảng bá Tò he Việt ở làng quê sinh sống, nghệ nhân trẻ còn mang các sản phẩm tò he cải tiến đến các khu du lịch, Hội chợ thủ công, Talk show…tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Vừa qua, tại hội chợ thủ công nghệ thuật do UNESCO Viet Nam và UN-Habitat Vietnam triển khai tại 22 Hàng Buồm, Hà Nội, gian hàng Tò he Việt trưng bày các sản phẩm con giống bột do nghệ nhân Đặng Văn Hậu sáng tạo đã nhận được sự yêu thích của nhiều người dân: “Tôi chưa bao giờ thấy những sản phẩm tò he độc đáo như vậy, hình dáng bắt mắt, vừa có nét dân gian vừa có tính thẩm mỹ cao, từ các con vật cho đến các loại quả đều được làm tỉ mỉ, hình dáng, màu sắc sinh động. Lựa chọn làm quà cho bạn bè, người thân, đặc biệt là bạn bè người nước ngoài sẽ rất hợp lý, quảng bá về văn hóa của Việt Nam mình luôn.”
Đánh giá cao sức ảnh hưởng của sản phẩm tò he do nghệ nhân Đặng Văn Hậu sáng tạo trong việc gìn giữ và làm giàu văn hóa dân gian Việt Nam, chị Trần Thị Ngọc Hân, cán bộ dự án của Unesco Việt Nam cho rằng: “Tò he bây giờ không còn là trò chơi phổ biến với trẻ em nữa nhưng mà bằng cách sáng tạo, cách tiếp cận mới của nghệ nhân Đặng Văn Hậu, vẫn là những sản phẩm mang tính truyền thống, những nguyên liệu truyền thống, nhưng bây giờ nó đã có sự biến đổi và nó phù hợp hơn với hiện đại. Những sản phẩm đó tồn tại lâu hơn và màu sắc tươi sáng thì đối với cả trẻ em cũng như người lớn, trong nước và quốc tế thì mọi người có thể giữ gìn những món đồ chơi đấy trong khoảng thời gian rất dài, có thể tồn tại được đến 3 năm và đồng thời là nghệ nhân Đặng Văn Hậu cũng đang tạo ra một bộ kit tò he. Đó là một bộ mà có thể tham gia vào quá trình tạo ra các sản phẩm đó và từ đó là sẽ kích thích sự sáng tạo của những người chơi, đặc biệt là trẻ em.”
Nếu như trước đây, các sản phẩm tò he thông thường chỉ có giá 20-30 nghìn đồng, thì giờ đây, với độ tinh xảo, phức tạp theo từng con giống, một số sản phẩm của nghệ nhân Đặng Văn Hậu có giá gần 500 nghìn đồng hoặc các bộ tò he có giá hơn 1 triệu đồng (như bộ Tứ Linh, Tam Sư, Ngũ Hổ thần quan…) Việc giữ lửa với nghề đã khó, việc nâng tầm giá trị một sản phẩm dân gian trong cuộc sống hiện đại càng khó hơn. Và nghệ nhân trẻ Đặng Văn Hậu đã có những bước chân đầu tiên trên hành trình đó, dù câu chuyện nâng tầm giá trị Tò he Việt sẽ còn là hành trình dài và nhiều thử thách nhưng với người “yêu” nghề, “say” nghề, có lẽ con đường này sẽ không có điểm dừng./.