Nghệ nhân Hồ Văn Hạnh - Người ''giữ hồn'' văn hóa Pa Cô
Nghệ nhân Hồ Văn Hạnh sống ở thôn A Niêng Lê Triêng, xã Hồng Trung, huyện A Lưới, thành phố Huế là người dành cả đời mình 'giữ hồn' bản sắc văn hóa Pa Cô.
Học những điều hay lẽ phải từ bậc cha ông
Già làng, nghệ nhân Hồ Văn Hạnh hay còn gọi là Vỗ Dương (A Đốt) đã gần 80 tuổi, ông dành cả đời mình để học hỏi, nghiên cứu, tìm tòi những điều hay lẽ phải từ các bậc cha ông để trao truyền, dạy bảo cho thế hệ con cháu ngày nay về bản sắc văn hóa dân tộc của mình.
![Nghệ nhân, già làng Hồ Văn Hạnh say sưa kể về những tiếng khèn, điệu múa của đồng bào dân tộc mình. Ảnh: Nguyễn Tuấn](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_35_51459481/45326113565dbf03e64c.jpg)
Nghệ nhân, già làng Hồ Văn Hạnh say sưa kể về những tiếng khèn, điệu múa của đồng bào dân tộc mình. Ảnh: Nguyễn Tuấn
Năm 2019, già làng Hồ Văn Hạnh được xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể là Nghệ thuật trình diễn dân gian. Với những đóng góp to lớn trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, đầu năm 2025, già làng Hồ Văn Hạnh trình hồ sơ cấp trên đề nghị xét tặng “Nghệ nhân nhân dân” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.
Chia sẻ về cách sống cùng những tri thức, kỹ năng về nét văn hóa đồng bào dân tộc Pa Cô, nghệ nhân Hồ Văn Hạnh cho biết, bản thân từ nhỏ được học từ các bậc cha ông truyền dạy, tuy không thành trường lớp nhưng với hình thức vừa học vừa thực hành, tìm tòi học hỏi, tranh thủ lúc rảnh rỗi, trong các dịp lễ hội, các sự kiện trọng đại của làng thông qua các cụ già làng Konh Át (Vỗ Nhương), Vỗ Cương, Vỗ Hinh, Vỗ Nghĩa…
Trong đó, già làng Konh Át là Trưởng làng Vel Ân Triêng, tức thôn Lê Triêng hiện nay là ảnh hưởng đến ông nhiều nhất. Nghệ nhân Hạnh cho biết: Sinh thời cụ Konh Át không những nổi tiếng trong làng mà cả trong vùng về kỹ năng điều hành mọi hoạt động và giải quyết, hòa giải về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội của làng; kỹ năng về sử dụng, chế tác các loại nhạc cụ, sử dụng các thể loại dân ca, dân vũ, dân nhạc; cụ đúc kết những ca dao, tục ngữ mang tính triết lý trong cuộc sống thời đại.
“Qua đó, bản thân tôi luôn cố gắng sưu tầm, học hỏi, lưu giữ những kiến thức, kinh nghiệm của ông cha về những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống, hát dân ca, các điệu múa, sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống, truyền miệng những lời hay ý đẹp trong cuộc sống của ông cha đã đúc kết, lưu giữ những kiến trúc hoa văn trên lăng mộ tổ tiên và những nghi lễ truyền thống lớn nhỏ của người dân tộc Pa Cô”, già làng Hồ Văn Hạnh chia sẻ.
Người giữ hồn văn hóa của dân tộc Pa Cô
Phòng Văn hóa thông tin huyện A Lưới cho biết, nghệ nhân Hồ Văn Hạnh hiện là người nắm giữ tri thức và kỹ năng về các làn điệu dân ca của dân tộc Pa Cô như hát được bài đối đáp “Cha chấp”, “Câr lơi”, “Târ bói”; hát đối đáp theo chủ đề, nội dung và tình huống ngẫu nhiên với đối phương để giải quyết một sự việc (trong dịp cưới hỏi, mừng nhà mới, a riêu - a za) hoặc chia sẻ những điều hay lẽ phải, tuyên truyền chủ trương đường lối, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, ca ngợi những người tốt việc tốt.
![Hướng dẫn, dạy bảo các thế hệ nối tiếp về văn hóa, làn điệu, nhạc cụ của dân tộc Pa cô. Ảnh: Nguyễn Tuấn](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_35_51459481/b36b9c4aab04425a1b15.jpg)
Hướng dẫn, dạy bảo các thế hệ nối tiếp về văn hóa, làn điệu, nhạc cụ của dân tộc Pa cô. Ảnh: Nguyễn Tuấn
Đồng thời, lưu giữ những câu đúc kết kinh nghiệm sống của các bậc cha ông đi trước, dạy những làn điệu, lời hát khuyên nhủ lòng tham của con người chớ vượt quá khả năng của bản thân để rồi chuốc lấy những điều không hay ập đến, gây tai họa đến mọi người xung quanh.
Bên cạnh đó, còn thực hiện các điệu múa dân gian của dân tộc Pa Cô như: Múa A dưn pâr chêêng coong, múa đâm trâu quanh cây nêu, vừa hát vừa múa điệu Câr lơi; múa trong lễ hội A riêu piing (cải táng mồ mả)…; sử dụng thành thạo một số loại nhạc cụ truyền thống, đánh trống, cồng chiêng theo điệu đám tang ma chay, theo điệu mừng nhà mới, theo điệu lễ cưới, theo điệu tâm sự, thổi kèn theo điệu tâm sự buồn hình ảnh người thiếu nữ bị giặc pháp bắt giữ và ca ngợi tinh thần chống giặc ngoại xâm; thổi đàn môi lời tỏ tình yêu đôi lứa…
“Tôi luôn cố gắng phát huy những tri thức, kinh nghiệm đã nắm bắt được từ các bậc cha ông, đồng thời không ngừng tìm tòi, nghiên cứu thêm những giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc mình nhằm bảo tồn, giữ gìn không để mai một theo thời gian”, nghệ nhân Hạnh chia sẻ.
Ngoài ra, thông qua các buổi hội họp của làng, bản, ông luôn lồng ghép tuyên truyền bà con phải biết giữ gìn, phát huy những nét đẹp truyền thống như, mặc trang phục dân tộc của mình trong ngày lễ, tết; lưu truyền miệng những câu ca dao, tục ngữ của dân tộc chứa đầy những kinh nghiệm sống xưa và nay.
Trong các chương trình văn nghệ của thôn, bản, văn nghệ ngày đại đoàn kết toàn dân, các chương trình do xã tổ chức đều có các tiết mục văn nghệ dân gian mang đậm bản sắc dân tộc. Đồng thời, duy trì đều đặn hàng năm về việc tổ chức đồng loạt lễ A Za của người Pa Cô.
Đặc biệt, ông đã tham gia chương trình giữ gìn bản sắc văn hóa người Pa Cô tại Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam ở Đồng Mô - Sơn Tây - Hà Nội thời gian 2 năm từ năm 2017 - 2019.
Bà Lê Thị Thêm - Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện A Lưới - cho biết: Già làng Hồ Văn Hạnh rất am hiểu về văn hóa của đồng bào dân tộc Pa Cô và là một trong những nghệ nhân “giữ hồn” văn hóa dân tộc Pa Cô đến các bạn trẻ và cộng đồng. Trong các dịp Ngày hội Văn hóa thể thao và du lịch trên địa bàn huyện, tỉnh, các đợt sinh hoạt văn hóa tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam ở Đồng Mô…, già làng Hồ Văn Hạnh thường tham gia và trực tiếp trình diễn, giới thiệu đến cộng đồng những bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào mình.
![Già làng Hồ Văn Hạnh vinh dự là một trong những đại biểu tham dự cuộc gặp mặt của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các già làng, trưởng bản, người có uy tín tiêu biểu. Ảnh tư liệu](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_35_51459481/6ab4409577db9e85c7ca.jpg)
Già làng Hồ Văn Hạnh vinh dự là một trong những đại biểu tham dự cuộc gặp mặt của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các già làng, trưởng bản, người có uy tín tiêu biểu. Ảnh tư liệu
“Quá trình chúng tôi nghiên cứu, sưu tầm về các lễ hội tiêu biểu của đồng bào Pa Cô, Tà Ôi, già làng Hồ Văn Hạnh cũng đã trực tiếp cung cấp các thông tin, tư liệu quý cho ngành văn hóa”, bà Thêm cho biết thêm.
Nghệ nhân, già làng Hồ Văn Hạnh nhận nhiều hình thức khen thưởng cao quý như: Huân chương Kháng chiến hạng Nhất – đã có công lao trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; Danh hiệu Nghệ nhân ưu tú; Bằng khen về thành tích trong phong trào quần chúng bảo vệ an ninh biên giới; Giấy khen về phong trào thi đua yêu nước; Kỷ niệm chương xây dựng lực lượng vũ trang quần chúng; Giấy khen trong công tác bảo tồn nền văn hóa đậm đà bản sắn dân tộc… và nhiều giấy khen, bằng khen của chính quyền địa phương về Người có uy tín trong phong trào thi đua dân vận khéo, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh… Năm 2018, già làng Hồ Văn Hạnh vinh dự là một trong những đại biểu tham dự cuộc gặp mặt của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các già làng, trưởng bản, người có uy tín tiêu biểu.