Nghệ nhân Nguyễn Văn Phi - 'cha đẻ' của rối gỗ phường múa rối nước Đào Thục

Nghệ nhân Nguyễn Văn Phi đã dành hơn một thập kỷ để chế tác và bảo tồn nghệ thuật múa rối nước tại Đào Thục và là người duy nhất trong làng làm công việc này. Bằng tình yêu và sự sáng tạo, ông thổi hồn vào từng con rối gỗ, mang đến cho khán giả không chỉ là những màn trình diễn độc đáo mà còn là những giá trị văn hóa và lịch sử sâu sắc.

PV: Ông đã gắn bó với công việc chế tác rối nước bao lâu và động lực nào giúp ông kiên trì theo đuổi nghề này?

Nghệ nhân Nguyễn Văn Phi: Hiện tại, tôi là người duy nhất trong làng làm công việc chế tác rối nước. Tôi làm nghề khoảng 10 năm nay, nhưng sớm được tiếp cận với nghề từ khi còn nhỏ. Việc chế tác rối nước không chỉ là một nghề mà còn là một phần của cuộc sống và tâm hồn tôi.

Mỗi người dân ở Đào Thục đều mang trong mình niềm tự hào và có cách thể hiện tình yêu riêng với quân rối. Một số người chọn trở thành nghệ nhân múa rối nước, còn tôi đam mê về tạo hình nên chọn theo nghề chế tác rối. Chính tình yêu với nghệ thuật và mong muốn bảo tồn, phát huy di sản ông cha để lại đã thúc đẩy tôi theo đuổi công việc này.

PV: Theo ông, công đoạn nào quan trọng nhất trong việc tạo ra một sản phẩm tốt?

Nghệ nhân Nguyễn Văn Phi: Để tạo ra một sản phẩm rối nước tốt, điều kiện tiên quyết là người làm nghề cần có niềm đam mê thực sự. Có hai yếu tố quan trọng nhất: tạo ra cái hồn cho nhân vật và thiết kế sao cho con rối hoạt động linh hoạt. Quá trình chế tác bao gồm ba giai đoạn chính: chọn gỗ, tạo hình thô và sơn. Công đoạn sơn gồm ba lớp: sơn lót, sơn màu và sơn bóng.

Thời gian hoàn thành một con rối phụ thuộc vào độ phức tạp của nhân vật. Những nhân vật đơn giản có thể hoàn thành trong vài ngày, trong khi những nhân vật phức tạp có thể mất hàng tuần hoặc cả tháng. Mỗi bước trong quy trình chế tác đều cần sự tỉ mỉ và chăm chút.

PV: Tại sao lại chọn gỗ sung là nguyên liệu chính tạo ra con rối mà không phải là một loại gỗ nào khác, thưa ông?

Nghệ nhân Nguyễn Văn Phi: Mỗi một nguyên liệu tham gia vào quá trình tạo ra con rối đến khi được đem lên thủy đình biểu diễn điều được lựa chọn có dụng ý. Tại Đào Thục, gỗ sung được chọn làm rối nước vì nhiều lý do. Người xưa quan niệm rằng sung là biểu tượng của sự sung túc, sung mãnh. Hơn nữa, gỗ sung có đặc tính không hút nước, giúp con rối bền và tạo điều kiện tốt cho việc chế tác và biểu diễn. Thế mới thấy các cụ ngày xưa thông minh và sâu sắc như thế nào.

Tre là một phần không thể thiếu trong nghệ thuật múa rối nước. Người Việt Nam gắn bó với tre từ lúc sinh ra cho đến lúc mất, trong lao động và cả khi chiến đấu. Tre có độ đàn hồi và khả năng nổi tốt, giúp con rối uyển chuyển hơn dưới nước. Sự kết hợp giữa gỗ sung và tre tạo ra những con rối sinh động, phản ánh tinh thần và văn hóa Việt Nam.

PV: Là người duy nhất của phường rối nước theo đuổi công việc chế tạo con rối, khó khăn lớn nhất ông gặp phải trong quá trình làm nghề là gì?

Nghệ nhân Nguyễn Văn Phi: Nghề chế tác rối nước không nặng nhọc nhưng đòi hỏi sự kiên trì và đam mê lớn. Người làm nghề cần hội tụ nhiều kỹ năng khác nhau như vẽ, hàn, sáng tạo… Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là làm sao truyền tải được cái hồn của nhân vật qua mỗi con rối.

Tôi khi mới theo học nghề cũng mất rất nhiều thời gian tự mày mò, tìm hiểu. Có những đêm không ngủ, trăn trở làm sao để con rối mình làm ra có hồn nhất, gần gũi nhất với khán giả. Trong quá trình đã, đang và sẽ theo đuổi nghề, tôi cần liên tục trau dồi kiến thức và thực hành nhiều hơn nữa.

PV: Hiện nay có nhiều người trẻ theo học nghề này không, thưa ông?

Nghệ nhân Nguyễn Văn Phi: Tôi luôn mong mỏi có sự tiếp nối từ thế hệ tương lai của đất nước. Đã có rất nhiều bạn trẻ cả trong và ngoài nước đến để học hỏi, trải nghiệm. Có những sinh viên ngành điêu khắc từ Mỹ xa xôi về Đào Thục tìm tôi nhờ hướng dẫn.

Hiện nay cũng có nhiều con em tại địa phương theo học nghề, nhưng để thành công thì không nhiều vì để tạo ra được cái hồn cho nhân vật thực sự rất khó. Cũng có nhiều bạn đang theo học thì bỏ cuộc giữa chừng vì cảm thấy không đáp ứng được công việc.

PV: Luôn đau đáu về việc tìm người kế thừa nghiệp chế tác rối, phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật của ông cha, ông có lời khuyên gì cho thế hệ trẻ muốn theo đuổi nghệ thuật múa rối nước?

Nghệ nhân Nguyễn Văn Phi: Tôi mong các bạn trẻ sẽ giữ gìn và phát huy di sản văn hóa này. Các bạn cần có niềm đam mê, kiên trì và sự sáng tạo. Hiểu được giá trị của nghệ thuật và tâm huyết với nghề, các bạn sẽ không chỉ tiếp nối mà còn phát triển nghệ thuật múa rối nước, đưa văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Bản thân tôi khi làm ra mỗi con rối đều đặt cả tâm huyết của mình vào, không phải để tự hào “tôi là người làm ra con rối đẹp” mà vì tôi cảm thấy yêu, thấy có trách nhiệm gìn giữ văn hóa Việt Nam. Còn văn hóa là có tất cả.

PV: Ông có thể chia sẻ về tầm quan trọng của việc giữ gìn nghệ thuật múa rối nước?

Nghệ nhân Nguyễn Văn Phi: Nghệ thuật múa rối nước không chỉ để giải trí mà còn là một phần quan trọng của văn hóa và lịch sử Việt Nam. Nếu không có môn nghệ thuật này, các thế hệ sau sẽ không thể chứng kiến cuộc sống sinh hoạt và lao động của người xưa được tái hiện chân thực trên thủy đình như khi xem biểu diễn rối nước.

Mỗi tích trò trong múa rối nước đều có ý nghĩa giáo dục riêng. Ví dụ, tích trò “Câu chuyện nhà nông” phản ánh cuộc sống sinh hoạt đời thường, trong khi “Trâu chui ống” châm biếm lối sống lười lao động và sa vào tệ nạn thuốc phiện. Những tích trò này không chỉ mang tính giải trí mà còn truyền tải những thông điệp sâu sắc về cuộc sống và đạo đức.

Cho nên, việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật múa rối nước là trách nhiệm của chúng ta, để truyền lại cho con cháu những giá trị văn hóa quý báu.

PV: Xin cảm ơn ông!

CTV Ánh Tuyết/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/nghe-nhan-nguyen-van-phi-cha-de-cua-roi-go-phuong-mua-roi-nuoc-dao-thuc-post1099212.vov