Nghệ nhân nỗ lực giữ tinh hoa nghề đúc đồng Ngũ Xã

Nghề đúc đồng Ngũ Xã được coi là một trong bốn nghề tinh hoa bậc cao của Thăng Long xưa. Điều này được thể hiện trong câu dân gian: 'Lĩnh hoa Yên Thái, đồ gốm Bát Tràng, thợ vàng Định Công, thợ đồng Ngũ Xã'. Ngày nay, những người thợ thủ công đang phảichật vật giữ lại những tinh hoa nghề giữa dòng chảy hội nhập.

Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, trải qua nhiều khó khăn và biến động của xã hội, làng nghề Ngũ Xã vẫn tồn tại đến ngày nay. Mặc dù khó khăn, nhưng người thợ thủ công của làng nghề Ngũ Xã luôn đau đáu làm sao giữ được nghề đã có hơn 400 năm lịch sử của đất Thăng Long.

Những tác phẩm tinh xảo vẫn còn trường tồn từ Nam ra Bắc và trên khắp mọi miền. Những người nghệ nhân làng nghề đúc đồng Ngũ Xã đã có nhiều công trình nghệ thuật mang ý nghĩa lịch sử văn hóa, được Nhà nước công nhận trong suốt chiều dài 400 năm lịch sử. Đó là niềm tự hào, là động lực của thế hệ con cháu có trách nhiệm gìn giữ và phát triển làng nghề.

Các tác phẩm nghệ thuật đúc đồng Ngũ Xã đã góp phần duy trì những giá trị tinh thần đời sống nhân dân Việt nhớ về tổ tiên, hướng về cội nguồn, đời sống tâm linh.

Các sản phẩm đồng Ngũ Xã đã phải trải qua bao thăng trầm cùng thời gian vẫn luôn được coi là hình mẫu về nghệ thuật và chất lượng kỹ thuật mà không một xưởng đúc nào trong cả nước sánh kịp. (Ảnh: Bảo Thoa)

Các sản phẩm đồng Ngũ Xã đã phải trải qua bao thăng trầm cùng thời gian vẫn luôn được coi là hình mẫu về nghệ thuật và chất lượng kỹ thuật mà không một xưởng đúc nào trong cả nước sánh kịp. (Ảnh: Bảo Thoa)

Làng nghề đúc đồng truyền thống Ngũ Xã đã đóng góp được nhiều công trình, tôn vinh văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam, trong đó có thể kể đến tác phẩm tiêu biểu như Pho tượng Đức Phật A Di Đà nặng 14 tấn tại Chùa Ngũ Xã được Nhà nước công nhận là tác phẩm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam; Tượng Trấn Vũ được đặt tại Đền Quán Thánh một trong Tứ trấn của đất Thăng Long - Hà Nội.

Ngoài ra, còn rất nhiều pho tượng được đặt ở các địa danh quan trọng trải dài khắp đất nước, như quả chuông đồng 6 tấn tại Ngã 3 Đồng Lộc, pho tượng đồng đặt tại Chùa Ngọa Vân Yên Tử linh thiêng…

Làng nghề đúc đồng Ngũ Xã nằm ở quận Ba Đình, 1 trong 4 quận trung tâm của Thủ đô, nơi đặt nhiều cơ quan quan trọng của Thủ đô và đất nước, cũng là quận có nhiều công trình văn hóa lịch sử.

Những thay đổi về kinh tế, văn hóa, xã hội trong những năm qua, nhất là quá trình chuyển sang kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế đã tạo nên những biến động mạnh mẽ trong đời sống tinh thần cho các cơ sở sản xuất trong làng, nên có những thời kỳ tưởng chừng như nghề không tồn tại được.

Anh Nguyễn Thanh Tuấn chia sẻ tại Tọa đàm "Nghề kim hoàn với di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội". (Ảnh: Bảo Thoa)

Anh Nguyễn Thanh Tuấn chia sẻ tại Tọa đàm "Nghề kim hoàn với di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội". (Ảnh: Bảo Thoa)

Theo anh Nguyễn Thanh Tuấn, nghệ nhân làng nghề đúc đồng Ngũ Xã cho biết, vì là làng nghề trong phố nên diện tích đất bị thu hẹp gần như không còn. Trong làng nhiều người bỏ nghề, chuyển sang nghề khác, hiện tay còn duy nhất gia đình anh bám trụ với nghề.

“Chúng tôi tự hào là hậu duệ của làng nghề nhiều đời đúc đồng Ngũ Xã. Với lòng yêu nghề, tâm huyết với nghề, chúng tôi có thể cố gắng giữ gìn và phát triển, tiếp nối, mang lại những giá trị văn hóa và đời sống tinh thần cho nhân dân.

Gia đình chúng tôi không còn đặt nặng vấn đề miếng cơm, manh áo hàng lên đầu, vì nếu như thế chúng tôi không còn nhiệt huyết giữ gìn đến tận ngày hôm nay. Chúng tôi tự hào là những người con làng nghề đúc đồng truyền thống Ngũ Xã, cũng là một công dân của Thủ đô văn hóa. Chúng tôi quyết tâm biến nơi đây thành nơi bảo tồn nghề quý”, anh Tuấn chia sẻ.

Đồng thời, chia sẻ nguyện vọng của gia đình, anh Tuấn cũng khẳng định, gia đình anh muốn động viên, khuyến khích những người trẻ hiện nay có lòng yêu nghề đúc đồng có thể đến học hỏi.

“Chúng tôi đồng lòng, quyết tâm biến gia đình thành một cơ sở đào tạo nghề đúc đồng cho người trẻ từ khắp các tỉnh thành về học tập, trở thành những nghệ nhân tương lai. Đối với Hà Nội, bên cạnh việc phát triển và hội nhập văn hóa vẫn còn phải giữ gìn bản sắc riêng, đặc biệt là những nghề tiêu biểu gắn liền với Thủ đô.

Chúng tôi mong muốn về phía chính quyền các cấp luôn quan tâm giúp đỡ, động viên và tạo điều kiện để làng nghề không bị mai một và ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu của xã hội”, anh Tuấn nói.

Thuở ban đầu, làng Ngũ Xã chuyên đúc tiền và đồ thờ cho triều đình. (Ảnh: Bảo Thoa)

Thuở ban đầu, làng Ngũ Xã chuyên đúc tiền và đồ thờ cho triều đình. (Ảnh: Bảo Thoa)

Ngược dòng lịch sử có thể thấy, thuở ban đầu, làng Ngũ Xã chuyên đúc tiền và đồ thờ cho triều đình. Theo thời gian, nghề đúc ngày càng phát triển, các nghệ nhân tài hoa có đầu óc sáng tạo, cùng những người thợ có tay nghề cao đã đúc các đồ dùng phục vụ đời sống hằng ngày của người dân như mâm, nồi, chậu đồng... đồng thời đúc một số đồ thờ cúng như tượng Phật, bát hương, đỉnh, đèn nến, lọ hoa, bộ tam sự, ngũ sự bằng đồng.

Các sản phẩm đồng Ngũ Xã làm ra đã phải trải qua bao thăng trầm cùng thời gian vẫn luôn được coi là hình mẫu về nghệ thuật và chất lượng kỹ thuật mà không một xưởng đúc nào trong cả nước sánh kịp.

Thành công của người thợ Ngũ Xã khi tiến hành đúc các sản phẩm bằng đồng trong quá khứ cũng như hiện tại là do bản năng thông minh sáng tạo với đôi mắt tinh tường, chuẩn xác và bàn tay khéo léo, cùng đức tính cẩn trọng và kinh nghiệm nghề đã tạo nên những tác phẩm kỳ vĩ. Điều đó đã khẳng định tài năng đặc biệt của các nghệ nhân và thợ thủ công đúc đồng Ngũ Xã.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, nghề đúc đồng Ngũ Xã cũng như các nghề thủ công truyền thống khác ở Hà Nội đang đứng trước rất nhiều thách như: Sự cạnh tranh với các sản phẩm công nghiệp, các sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài có giá thành thấp, thiếu nguồn nhân lực kế thừa ở các làng nghề, vấn đề nguyên liệu, sản phẩm, giá thành cao, marketing và thị trường tiêu thụ hạn chế,...

Nghề thủ công truyền thống đang cần sự kết nối và tiếp sức của các nhà thiết kế, các nhà đầu tư và đội ngũ doanh nhân để mỗi sản phẩm thủ công truyền thống mang trong mình thông điệp di sản có tính đại diện của Thủ đô.

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nghe-nhan-no-luc-giu-tinh-hoa-nghe-duc-dong-ngu-xa-155392.html