Nghề nuôi trâu, bò vỗ béo

Những năm gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Thuận Châu đã đẩy mạnh phát triển nuôi trâu, bò nhốt chuồng, vỗ béo. Cách làm này, đã và đang từng bước thay đổi hình thức chăn thả rông gia súc sang nuôi nhốt chuồng, vừa phòng chống dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh môi trường, thúc đẩy phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, nâng cao thu nhập, mở ra hướng thoát nghèo cho người dân.

Mô hình nuôi bò vỗ béo tại xã Tông Cọ, huyện Thuận Châu.

Mô hình nuôi bò vỗ béo tại xã Tông Cọ, huyện Thuận Châu.

Gia đình anh Lò Văn Phái, bản Huổi Pản, xã Mường Khiêng là một trong những hộ có kinh tế khá giả, nhờ nuôi 10 con trâu, bò nhốt chuồng. Đang che chắn chuồng trại, phòng chống rét cho trâu, bò, anh Phái nói: Năm nay, có nhiều đợt rét đậm, rét hại đột ngột, để trâu, bò không bị chết rét, tôi đã dùng bạt che chắn kín đáo, đảm bảo chuồng luôn khô ráo. Ngoài ra, gia đình còn trồng 5.000 m² cỏ voi chủ động được nguồn thức ăn thô xanh, giàu dinh dưỡng. Mỗi năm, gia đình tôi nuôi vỗ béo và xuất bán được mấy lứa trâu, bò, đem lại thu nhập trên 200 triệu đồng.

Ông Lò Văn Thuận, Chủ tịch UBND xã Mường Khiêng, thông tin: Hiệu quả kinh tế từ nuôi trâu, bò vỗ béo, các bản trong xã đã học nhau và làm theo. Đến nay, toàn xã có 97 ha cỏ voi, trên 4.400 con trâu, bò. Nhiều hộ dân đã chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang mô hình gia trại với số lượng lớn, nhiều gia đình có thu nhập từ 50 đến 300 triệu đồng/năm.

Tiêu biểu trong nuôi bò vỗ béo phải kể đến xã Tông Cọ, là xã có số lượng bò lớn nhất huyện, với trên 4.200 con. Trong đó, bản Thúm Cáy có 100% hộ nuôi bò, với hơn 800 con. Nông dân trong bản đã chuyển đổi 16 ha ruộng bán ngập bị ảnh hưởng từ công trình thủy điện Chiềng Ngàm sang trồng cỏ voi phục vụ chăn nuôi. Nhờ phát triển nuôi bò thương phẩm, nhiều hộ trong bản vươn lên có cuộc sống khá giả, cả bản chỉ còn 4 hộ nghèo. Ông Lò Văn Toan, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Thúm Cáy, chia sẻ: Trước đây nhà tôi cũng như nhiều hộ trong bản đều nuôi bò thả rông. Bây giờ, gia đình tôi tận dụng hơn 1 ha đất trống để trồng cỏ voi làm thức ăn nuôi nhốt 25 con bò lai Pháp, Brahman. Mỗi con sau 3 tháng vỗ béo, xuất bán được 25 triệu đồng, trừ chi phí thu lãi hơn 10 triệu đồng. Mỗi năm, từ nuôi bò vỗ béo, đem lại thu nhập cho gia đình hơn 300 triệu đồng, cuộc sống khấm khá hơn trước rất nhiều.

Đồng chí Lò Văn Định, Bí thư Đảng ủy xã Tông Cọ, cho biết: Xã có 1.298 hộ; trong đó có 884 hộ nuôi trâu, bò; hộ ít nuôi 3-4 con, hộ nuôi nhiều hơn 10 con, để phục vụ chăn nuôi, bà con đã trồng 140 ha cỏ voi, 22 ha ngô sinh khối. Mô hình này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, mà còn giúp bà con xóa bỏ tập quán nuôi gia súc dưới gầm sàn.

Phát triển các mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo hiệu quả, huyện Thuận Châu đã chỉ đạo các xã tuyên truyền, hướng dẫn người dân chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung theo quy mô trang trại, gia trại; tạo điều kiện cho nhân dân vay vốn ngân hàng để phát triển chăn nuôi; chỉ đạo các cơ quan chức năng mở lớp tập huấn kiến thức về phòng, chữa bệnh cho đàn vật nuôi và hướng dẫn chế biến, ủ chua thức ăn cho gia súc trong mùa đông; tiêm phòng bệnh viêm da nổi cục cho trâu, bò. Đồng thời, vận động người dân chuyển đổi đất trồng cây hoa màu năng suất, hiệu quả kinh tế thấp, tận dụng diện tích đất trống để trồng trên 1.300 ha cỏ voi, trên 427 ha ngô sinh khối làm thức ăn. Vì vậy, số lượng trâu, bò luôn tăng trưởng qua các năm, hiện toàn huyện có 9.800 con trâu và hơn 49.500 con bò.

Đánh giá hiệu quả mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo, ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu, nói: Việc nuôi trâu, bò vỗ béo, góp phần giảm tình trạng thả rông gia súc; tăng hiệu quả quản lý đàn trong việc chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh; tận dụng được nguồn phụ phẩm, tạo việc làm ổn định cho lao động nông thôn, nhất là giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, góp phần xóa đói, giảm nghèo hiệu quả, thực hiện thành công kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Thủy Ngân

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/nghe-nuoi-trau-bo-vo-beo-47882