Nghệ sĩ nhiếp ảnh Minh Lộc: Năm tháng đi cùng lịch sử

Có những khoảnh khắc buộc người ta phải ghi nhận lại, đó là công việc của một phóng viên ảnh nơi chiến trường. Từ năm tháng đi cùng lịch sử ấy, nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Minh Lộc đã giữ cho mình ngọn lửa nhiệt thành với công việc, ghi dấu tháng ngày tự hào của đất nước và trở về chia sẻ những dung dị đời thường qua từng góc ảnh kể chuyện vẻ đẹp non sông, sau ngày đất nước thống nhất.

12 ngày đêm kiên cường

Hơn 50 năm trước, Hà Nội, Hải Phòng và nhiều địa phương ở miền Bắc đã trải qua 12 ngày đêm không ngủ trong chiến dịch không kích hủy diệt của Mỹ. Riêng tại Hà Nội, trong 12 ngày đêm khói lửa (từ ngày 18-12-1972 đến ngày 29-12-1972), Mỹ đã ném bom rải thảm, trút xuống một khối lượng bom đạn khổng lồ tương đương sức công phá của 2 quả bom nguyên tử từng ném xuống Hiroshima (Nhật Bản).

Lần giở tài liệu ghi chép của lịch sử về 12 ngày đêm kiên cường ấy, những tấm ảnh trắng đen kể chuyện tháng ngày gian nan được NSNA Minh Lộc (nguyên phóng viên ảnh Thông tấn xã Việt Nam) ghi nhận lại khiến người ta không khỏi cảm phục, thể hiện qua từng ánh mắt, con người anh dũng chung niềm khát vọng hòa bình, thống nhất non sông… Và chính chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã tạo bước ngoặt quyết định buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris vào ngày 27-1-1973.

 NSNA Minh Lộc (người cầm máy ảnh) tác nghiệp trong một trận địa

NSNA Minh Lộc (người cầm máy ảnh) tác nghiệp trong một trận địa

Những tấm ảnh: Mỹ ném bom ga Hà Nội; Nữ tự vệ trực chiến sẵn sàng chiến đấu; Nữ tự vệ xí nghiệp bánh kẹo trực chiến trên nóc phố Hà Nội; Nữ tự vệ Nguyễn Thị Hoa, đơn vị săn máy bay tầm thấp, bắn cháy máy bay F4 Mỹ tại Quảng Bình; Nữ tự vệ săn máy bay tầm thấp bắn trả máy bay Mỹ trên bầu trời Quảng Bình… của NSNA Minh Lộc được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2022.

Nói về những tác phẩm đã mang về giải thưởng cao quý, NSNA Minh Lộc nhớ lại: “12 ngày đêm đó, các lực lượng của chúng ta quả thật rất giỏi và chiến đấu anh dũng. Tôi chỉ là phóng viên ảnh của Thông tấn xã Việt Nam, trong tay là chiếc máy ảnh nhưng cũng xông pha không biết sợ gì hết. Có một lần ngồi trên nóc nhà cơ quan, thấy máy bay ném bom ga Hàng Cỏ, tôi nhảy xuống lấy xe đạp lao ngay ra ga, vậy là có nhiều ảnh thời sự. Sau này, những tấm ảnh được xét tặng giải thưởng là điều vinh dự rất lớn đối với người phóng viên ảnh, đó là cái duyên, cái may mắn khi tôi được tác nghiệp trong những thời khắc lịch sử đó”.

Rạng rỡ ngày thống nhất non sông

Khi lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam tung bay trên nóc Dinh Độc Lập vào ngày 30-4-1975, khoảnh khắc mong chờ của cả một dân tộc anh hùng đã đến, từ đây nước nhà thống nhất, non sông liền một dải… Đô thị Sài Gòn - TPHCM bước tiếp những ngày anh dũng để tái thiết và dựng xây, sau cuộc kháng chiến trường kỳ. Ngày 15-5-1975, lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành mừng chiến thắng được tổ chức tại khu vực Dinh Độc Lập.

Đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do Chủ tịch Tôn Đức Thắng cùng nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp đã tham gia. Theo tư liệu lịch sử của thành phố, có hơn 55.000 đồng bào TP Sài Gòn - Gia Định đến tham dự buổi lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành và hô vang khẩu hiệu “Hồ Chí Minh muôn năm!”, “Đảng Lao động Việt Nam muôn năm!”…

Tấm ảnh văn nghệ sĩ miền Nam tham dự lễ mít tinh cách đây tròn 50 năm được NSND Kim Cương trang trọng đặt ở phòng khách tư gia. Bà chia sẻ: “Khoảnh khắc này xúc động, tự hào và nhiều cảm xúc lắm, anh chị em văn nghệ sĩ xếp hàng chỉnh tề để mừng ngày thống nhất đất nước. Là nghệ sĩ có rất nhiều hình ảnh, nhưng tôi quý tấm ảnh trắng đen này vì tấm ảnh ghi lại khoảnh khắc tự hào của đất nước và cũng là khoảnh khắc tự hào trong cuộc đời tôi, được chứng kiến một ngày cả nước cùng chung niềm khát vọng đã thành hiện thực”.

Tác giả của những tấm ảnh rạng rỡ trong lễ mít tinh thống nhất non sông năm ấy, NSNA Minh Lộc, nhớ mãi không khí xúc động khi ông cầm máy chụp hình tác nghiệp vào ngày 15-5-1975: “Ngày 30-4-1975 thì tôi còn ở Căn cứ Trung ương Cục miền Nam (R), nhưng tới lễ mít tinh là tôi đã có mặt ở thành phố. Vừa giải phóng xong, thành phố bộn bề công việc, nhưng không khí mừng ngày thống nhất khắp nơi, ai nấy mong chờ lễ mít tinh lắm. Nhiều người dân háo hức mừng ngày thống nhất, xúc động khi nhìn thấy Chủ tịch Tôn Đức Thắng dự lễ, tôi vừa bấm máy mà lòng tự hào lâng lâng”.

Rất nhiều hình ảnh đi cùng lịch sử năm ấy cũng được NSNA Minh Lộc gửi đến cuộc thi ảnh “Đất nước ngàn hoa” do Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam (VAPA) tổ chức.

Ông bày tỏ: “Giải thưởng hay vinh danh này kia là điều ai cũng mong muốn, nhưng với tôi, điều đó xin dành cho các bạn đồng nghiệp hiện tại đang theo đuổi nhiếp ảnh. Tôi gửi ảnh đến cuộc thi vì ý nghĩa ghi dấu hình ảnh thành phố mình qua 50 năm mà cuộc thi hướng đến. Hy vọng những hình ảnh tôi may mắn chụp được khi còn là phóng viên ảnh của Thông tấn xã Việt Nam sẽ góp thêm chút dấu ấn của thành phố mình cùng các bạn hôm nay và sau này”.

Những tấm ảnh trắng đen dẫu không thể ôm trọn lịch sử dân tộc, nhưng đó là một lưu dấu hào hùng để nhắc nhớ một cách thuyết phục cho hôm nay và mai sau: hòa bình - độc lập và thống nhất toàn vẹn non sông này không phải tự nhiên mà có.

NSNA Minh Lộc tên thật là Nguyễn Hữu Lộc, sinh năm 1937, quê quán Đồng Tháp. Năm 1955, ông tập kết ra Bắc. Năm 1973, ông trở lại miền Nam công tác, là phóng viên ảnh của Thông tấn xã Việt Nam từ năm 1960 đến năm 1994.

Trong sự nghiệp cầm máy của mình, ông đạt nhiều giải thưởng như: Giải Nhất - Báo Liên Xô năm 1968; Huy chương Bạc - Hội Nhà báo Quốc tế IOJ tại Iraq; Giải Xuất sắc - Hội Nhà báo Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ Liên Xô; Giải thưởng Sáng lập Kỷ lục Việt Nam “Người chụp Sếu nhiều nhất Việt Nam”.

HOÀNG HÙNG - THIÊN THANH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nghe-si-nhiep-anh-minh-loc-nam-thang-di-cung-lich-su-post789383.html