Nghệ sĩ Phan Thanh Liêm: Quảng bá đất nước Việt Nam giàu bản sắc qua rối nước
Lần đầu tiên, múa rối nước - một di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia xuất hiện trong chương trình 'Ngày Việt Nam ở nước ngoài'. Nghệ sĩ Phan Thanh Liêm với sân khấu rối nước thu nhỏ là đại diện duy nhất của sân khấu rối nước Việt Nam được mời tới Brazil biểu diễn, phục vụ kiều bào Việt Nam ở nước ngoài và khán giả của xứ sở Samba.
Quảng bá đất nước Việt Nam tươi đẹp qua nghệ thuật truyền thống
“Ngày Việt Nam tại Brazil” là sự kiện thuộc Chương trình “Ngày Việt Nam ở nước ngoài 2024” với chủ đề “Hội tụ tinh hoa ngàn năm - Vươn mình trong kỷ nguyên mới” do Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO - Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp tổ chức. Mục tiêu của chương trình là quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam tới bạn bè quốc tế; góp phần đưa quan hệ giữa Việt Nam với các nước đi vào chiều sâu, bền vững và tăng cường tình hữu nghị, sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau giữa nhân dân các nước với Việt Nam.
“Ngày Việt Nam tại Brazil” đã diễn ra ở thành phố Rio de Janeiro từ ngày 15 đến 17/11 với nhiều hoạt động biểu diễn giới thiệu những nét tinh hoa văn hóa đặc sắc của Việt Nam như múa rối nước, múa lân sư rồng và trống hội… Tham dự chương trình có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và phu nhân. Đảm nhận phần biểu diễn múa rối nước là nghệ sĩ Phan Thanh Liêm, người sáng tạo ra sân khấu múa rối nước thu nhỏ.
Dù có nhiều lần biểu diễn tại nước ngoài, nhưng đây là lần đầu tiên, nghệ sĩ Phan Thanh Liêm được Bộ Ngoại giao mời đồng thời cũng là lần đầu anh biểu diễn ở Brazil. Nghệ sĩ chia sẻ, rất vui và đã có những chuẩn bị kỹ lưỡng cho chuyến lưu diễn của mình. "Chưa lần nào sân khấu mang đi đẹp như lần này, chuẩn bị rất kỳ công. Cả nhà thức đêm dán từng viên ngói thành mái đẹp. Không chỉ vậy, sân khấu còn được sơn son thếp vàng, có chữ “Thọ”, có 2 con rồng 2 bên, mái ngói đỏ. Khán giả rất thích sân khấu có hình ảnh đặc trưng của làng quê Việt với thủy đình, cây đa, ra vào chụp ảnh liên tục"- nghệ sĩ Phan Thanh Liêm cho biết.
Bên cạnh đó, để giảm chi phí cho cả đoàn nghệ sĩ sang Brazil theo lời mời của Bộ Ngoại giao, nghệ sĩ Phan Thanh Liêm còn nghiên cứu chế tác sân khấu có trọng lượng nhẹ nhất, đang từ 150 kg xuống còn 100 kg. Phần lớn bạn bè quốc tế đều tỏ ra hào hứng, thích thú khi lần đầu thưởng thức tiết mục kịch rối nước do nghệ nhân Phan Thanh Liêm thực hiện.
Dù từng biểu diễn rối nước ở nhiều nước, nghệ sĩ Phan Thanh Liêm vẫn không khỏi bùi ngùi, xúc động khi diễn tại Brazil.
Tại đây, nghệ sĩ đã diễn một số tích trò rối nước truyền thống nổi tiếng của Việt Nam như múa rồng, chọi phượng, chọi trâu, đua thuyền… Đây là những tích trò dễ xem, dễ hiểu nên không có rào cản ngôn ngữ nào tạo ra đối với khán giả Brazil. Đặc biệt, kiều bào Việt Nam tại Brazil rất quan tâm tới chương trình múa rối nước.
Có gia đình người Việt lấy chồng Brazil còn đưa chồng con, bố mẹ chồng tới xem và họ đã xem đi xem lại đến chiều mới về. Theo chia sẻ của gia đình, đây là lần đầu tiên họ được xem nghệ thuật rối nước của Việt Nam nên khá tò mò. Trẻ nhỏ của gia đình còn được tận tay trải nghiệm điều khiển con rối. Rồi có những cô gái Việt Nam mặc trang phục áo dài đã lặn lội từ các nơi xa xôi của Brazil tới xem nghệ sĩ Phan Thanh Liêm biểu diễn. Theo chia sẻ của các cô, vì nhớ nhà, nhớ quê nên khi biết có đoàn nghệ sĩ Việt Nam sang xứ sở Samba biểu diễn, họ đã không quản đường sá xa xôi để được gặp đồng bào mình và xem những tích trò rối nước truyền thống.
"Người Việt ở đây rất ít nên khi xem rối nước, họ nhớ quê hương da diết. Khán giả rất thích, có một phụ nữ Việt lấy chồng Brazil đưa cả gia đình tới. Bố mẹ chồng của cô ấy ngày nào cũng xem đi xem lại, từ sáng tới chiều mới về", nghệ sĩ kể.
Nghệ sĩ Phan Thanh Liêm cho biết, khi biểu diễn ở Brazil, anh có phần giao lưu với khán giả và luôn nói với mọi người rằng, đất nước Việt Nam rất đẹp, mời các bạn đến thăm. “Mong muốn của tôi là Nhà nước sẽ thường xuyên cử các đoàn nghệ thuật ra nước ngoài biểu diễn để quảng bá văn hóa. Khi khách quốc tế biết tới nền văn hóa đặc sắc của Việt Nam, họ sẽ tới thăm, qua đó góp phần kích cầu du lịch, đóng góp cho sự phát triển của đất nước”, nghệ sĩ Phan Thanh Liêm nhấn mạnh.
Mong muốn nghệ thuật truyền thống được lan tỏa
Nghệ sĩ Phan Thanh Liêm là đời thứ 7 trong gia đình có truyền thống biểu diễn múa rối nước. Cha anh, nghệ nhân Phan Văn Ngải, là tác giả nhà thủy đình lưu động và “cha đẻ” của hình tượng chú Tễu trưng bày tại Bảo tàng Louvre (Pháp).
Trong thời gian tham gia đoàn múa rối nước gia đình, anh nhận ra sân khấu lớn quá cồng kềnh, khó di chuyển, không phù hợp với nhóm biểu diễn nhỏ. Vì thế, anh sáng tạo sân khấu múa rối nước thu nhỏ, ra mắt năm 2000. Hiện anh duy trì 2 sân khấu rối nước thu nhỏ tại Long Biên (Hà Nội) và tại Khâm Thiên (Đống Đa, Hà Nội) để phục vụ du khách quốc tế khi đến tham quan Thủ đô.
Bên cạnh đó, Phan Thanh Liêm là nghệ sĩ mang con rối đi nước ngoài nhiều nhất Việt Nam. Suốt gần một phần tư thế kỷ qua, gần như năm nào anh cũng có vài lần mang múa rối nước xuất ngoại, biểu diễn tại các sự kiện văn hóa ở nhiều nước trên thế giới như Ba Lan, Thái Lan, Đức, Pháp, Nhật, Hàn Quốc, Italia, Anh, Canada, Malaysia, Trung Quốc, Mỹ… Có những chuyến đi kéo dài do các tổ chức quốc tế “đặt hàng”.
“Tôi luôn cho rằng văn hóa nghệ thuật là những “sứ giả” thực hiện rất tốt vai trò quảng bá đất nước, con người Việt Nam ra thế giới. Bởi vậy, tôi luôn mong muốn sẽ có nhiều hơn nữa các chương trình đưa các đoàn nghệ thuật Việt Nam ra nước ngoài biểu diễn, từ đó để quảng bá, lan tỏa văn hóa, thu hút ngày càng đông hơn du khách quốc tế đến với Việt Nam…”, nghệ sĩ Phan Thanh Liêm nhấn mạnh.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất của nghệ sĩ Phan Thanh Liêm là năm 2022, khi đi diễn tại Hàn Quốc. "Sân khấu được lắp đặt tại công viên Seoul, vừa diễn được một ngày thì trời mưa lớn. Về khách sạn trú thì người của ban tổ chức báo sân khấu trôi, tôi vội vàng ra điểm diễn, nước dâng rất nhanh, không cứu vãn được gì. Mất con rối là mất diễn viên, tôi phải bỏ trò, lòng buồn không tả nổi", nghệ sĩ nhớ lại.
Năm 2018 tại Ý, sát giờ diễn, bể nước bị rò do nilon rách. Anh phải nhờ một họa sĩ địa phương giúp mua nilon, sau đó tự tháo lắp, bơm nước... từ đầu.
"Chuyện như thế này ở Việt Nam tuy vất vả nhưng mình còn biết tiếng, nhờ mọi người hiểu ngay. Tôi không biết tiếng Anh, lúc có phiên dịch, có lúc không. Vì thế, nếu không đam mê sẽ không thể chịu được vất vả", nghệ sĩ bày tỏ.
Nghệ sĩ mong muốn nghệ thuật múa rối nước nói riêng và nghệ thuật truyền thống Việt Nam nói chung sẽ tiếp tục được quảng bá sâu rộng hơn đến bạn bè quốc tế, qua đó thể hiện nét văn hóa truyền thống độc đáo, đặc sắc của Việt Nam./.