Nghệ thuật tác chiến trong Chiến dịch Long Khánh

Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Mỹ-ngụy bị thiệt hại lớn, chúng ra sức tăng cường củng cố, phát triển lực lượng, thực hiện chiến lược 'Việt Nam hóa chiến tranh', đẩy mạnh 'bình định cấp tốc', mở rộng vùng kiểm soát. Địch mở hàng nghìn cuộc hành quân càn quét, sử dụng các phương tiện chiến tranh hiện đại nhất để bao vây, cô lập, làm suy yếu sức chiến đấu của quân và dân ta ở miền Nam.

Về phía ta, sau khi nghiên cứu, lên phương án chi tiết, mùa hè năm 1969, Bộ chỉ huy Miền quyết định tổ chức đợt tiến công địch tại khu vực Túc Trưng, Định Quán, Gia Ray và thị xã Long Khánh, tỉnh Long Khánh (nay là TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai). Mục đích của đợt tiến công nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực, phá hủy phương tiện chiến tranh của địch; phá kế hoạch “bình định cấp tốc”, làm thất bại một bước chiến lược “quét và giữ” của Mỹ-ngụy; mở rộng và củng cố vùng giải phóng. Thực hiện kế hoạch trên, ta mở Chiến dịch tiến công Long Khánh (từ ngày 5-5 đến 20-6-1969). Kết quả sau 46 ngày đêm chiến đấu, quân và dân ta đã tiêu diệt và bắt sống gần 7.200 tên địch; phá hủy 47 khẩu pháo 105-155mm, 216 xe (trong đó có 32 xe bọc thép), 79 máy bay của Mỹ-ngụy... Thắng lợi của Chiến dịch Long Khánh đã giải quyết thành công nhiều vấn đề về nghệ thuật quân sự.

 Sơ đồ diễn biến trận vận động tiến công Tầm Bung của Sư đoàn Bộ binh 5 trong Chiến dịch Long Khánh, tháng 5-1969.

Sơ đồ diễn biến trận vận động tiến công Tầm Bung của Sư đoàn Bộ binh 5 trong Chiến dịch Long Khánh, tháng 5-1969.

Thứ nhất, nghệ thuật chủ động bám, nắm địch, làm tốt công tác chuẩn bị chiến đấu. Trong chiến dịch, đối tượng tác chiến chủ yếu là Sư đoàn Bộ binh 18 và một bộ phận quân dự bị chiến lược của Mỹ-ngụy cùng chư hầu, trạng thái tạm dừng trong quá trình cơ động tiến công, ứng cứu giải tỏa, tính biến động cao, thường xuyên thay đổi vị trí đóng quân trong đêm để tránh bị ta tập kích tiêu diệt. Để thực hiện đúng mục đích chiến dịch, Bộ chỉ huy Miền chỉ đạo các lực lượng nắm chắc mọi hoạt động của địch, chuẩn bị chu đáo, tỉ mỉ. Ngày 5-5-1969, toàn bộ đội hình chiến đấu của Sư đoàn Bộ binh 5 vào chiếm lĩnh trận địa. Ngày 7-5, lực lượng của Chiến đoàn 43 địch càn vào khu vực Trung đoàn Bộ binh 21 (vùng Tầm Bung), ta sử dụng lực lượng chiến đấu nhỏ lẻ, bằng các trận phục kích, tập kích, vận động tiến công... làm thất bại trận càn của địch. Từ ngày 10 đến 12-5, địch điều Chiến đoàn 48, 52, Tiểu đoàn 11 dù lên Định Quán tăng viện cho Chiến đoàn 43, tiến công vào khu vực Trung đoàn Bộ binh 21; ta sử dụng Trung đoàn Bộ binh 23 tiến công tiêu diệt lực lượng chủ yếu thuộc chiến đoàn thiết xa vận của địch... buộc địch tháo chạy về cố thủ ở La Ngà. Đêm 12-5, Trung đoàn Bộ binh 29 thọc sâu tiến công Xuân Lộc, đánh thiệt hại nặng hậu cứ Sư đoàn Bộ binh 18 ngụy.

Thứ hai, nghệ thuật lựa chọn chính xác mục tiêu tập kích, nhanh chóng phá vỡ thế trận và tiêu diệt lực lượng lớn quân địch. Trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình địch, ta, địa hình, thời tiết trong khu vực tác chiến, Bộ chỉ huy Miền lựa chọn các mục tiêu của địch chốt giữ trên trục đường 20 (Lữ đoàn 3 kỵ binh không vận Mỹ đổ bộ ở khu vực Núi Đất, Nam Bến Sáu; địch tạm dừng ở Trà Tân 3, đồi Đăng Ca...) làm mục tiêu tiến công. Những mục tiêu này, địch bố phòng không chặt chẽ, hệ thống công sự, trận địa chưa hoàn chỉnh, vật cản bố trí sơ sài, chỉ huy, hiệp đồng bộc lộ nhiều sơ hở; nằm ở vị trí hiểm yếu, khi bị thiệt hại nặng buộc địch phải ứng cứu, giải tỏa, tạo điều kiện cho ta tập trung lực lượng, phương tiện tiêu diệt lực lượng lớn quân địch ngoài công sự, đẩy chúng lún sâu hơn vào thế bị động. Về phía ta, khi thực hành tập kích vào những mục tiêu trên, bảo đảm chắc thắng, hạn chế thương vong cho bộ đội, đạt hiệu suất chiến đấu cao.

Thực tiễn từ ngày 15 đến 25-5-1969, ta cơ động Trung đoàn Bộ binh 21 đánh địch trên đường 20, sẵn sàng diệt Chiến đoàn 52 tăng viện. Ngày 19-5, Trung đoàn Bộ binh 23 của ta tập kích Tiểu đoàn 11 dù, Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 88 ngụy); địch không thực hiện được kế hoạch hợp điểm để thọc xuống đánh vào Sở chỉ huy Sư đoàn Bộ binh 5 của ta. Chiều 19-5, tiểu đoàn hỗn hợp thuộc Lữ đoàn 3 kỵ binh không vận của địch đổ quân xuống núi Đốt tăng cường cho Chiến đoàn 43 giữ Xuân Lộc; Tiểu đoàn 3 dù của địch xuống khu vực bến La Hoa đã bị quân ta tập kích, gây cho chúng nhiều thiệt hại, phải rút về Sài Gòn. Ý định hành quân “quét và giữ” các địa bàn quan trọng của địch bị tan vỡ.

Thứ ba, nghệ thuật vận dụng linh hoạt, sáng tạo phương pháp tập kích, làm chủ và rời khỏi trận đánh an toàn. Trên cơ sở phân tích tình hình địch-ta, địa hình, ta đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo phương pháp tập kích không có hỏa lực chuẩn bị trước (mật tập) và có hỏa lực chuẩn bị trước (cường tập), tạo hiệu suất chiến đấu cao. Thực tiễn diễn biến chiến dịch từ ngày 5 đến 12-6-1969, Trung đoàn Bộ binh 27 tập kích hỏa lực vào hậu cứ Chiến đoàn 52; Trung đoàn Bộ binh 23 tập kích địch ở Bến Sáu; Trung đoàn Bộ binh 21 tập kích địch ở Trà Tân 3, diệt một số lực lượng và đơn vị binh chủng của Mỹ. Cùng với phát huy hiệu quả phương pháp cường tập, ta sử dụng phương pháp mật tập, bí mật cơ động lực lượng, áp sát, dò, gỡ vật cản, triển khai đội hình ngay trong trận địa địch rồi bất ngờ, đồng loạt nổ súng, thực hiện “trong đánh ra, ngoài đánh vào” tiêu diệt gọn quân địch trong thời gian ngắn, đạt hiệu suất chiến đấu cao.

Với nét đặc sắc nghệ thuật quân sự trong Chiến dịch Long Khánh, các trận tập kích của ta đều kết thúc đúng thời cơ, làm chủ và tổ chức rời khỏi trận đánh nhanh chóng, chặt chẽ, hạn chế thương vong. Điển hình như trong trận tập kích tiểu đoàn kỵ binh không vận Mỹ vừa đổ bộ xuống Nam Bến Sáu (trong đợt 2 của chiến dịch), Trung đoàn Bộ binh 23 đã nhanh chóng làm chủ trận đánh, lùng sục tiêu diệt những tên địch còn sống sót, thu chiến lợi phẩm, nhanh chóng rời khỏi trận địa theo kế hoạch, tránh được đòn hỏa lực không quân, pháo binh địch bắn trùm lên trận địa, bảo toàn lực lượng, sẵn sàng cho các trận đánh tiếp theo.

ĐÀO VĂN ĐỆ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/nghe-thuat-tac-chien-trong-chien-dich-long-khanh-782157