Nghệ thuật về trạng thái 'bình thường mới'

Như mọi lĩnh vực trong đời sống, sau đại dịch Covid-19, nghệ thuật cũng cần phải tự thiết lập một 'trạng thái bình thường mới'.

Trên trang cá nhân của mình, đạo diễn Trịnh Mai Nguyên vừa có thông báo: “Tiếp nối sự thành công vang dội của vở “Bệnh sĩ” và “Điều còn lại” tại Nhà hát lớn Hà Nội, theo yêu cầu của quý khán giả yêu sân khấu nói chung và các khán giả yêu mến cố thi sỹ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ nói riêng, Nhà hát Kịch Việt Nam đã mở thêm buổi biểu diễn vở Hài Kịch “Bệnh sĩ” vào tối thứ Bảy ngày 6/6/2020... nhưng vì số lượng khán giả đăng ký vé quá nhiều, nên Ban Giám đốc Nhà hát quyết định mở thêm một suất diễn nữa vào tối CN ngày 7/6/2020 để phục vụ quý vị khán giả. Hiện số lượng vé cũng còn rất hạn chế”.

Một số tác phẩm sơn mài trong triển lãm lần thứ 5 của nhóm Sơn Ta.

Sau những ngày dài ảm đạm, đây thực sự là một tin vui với các nghệ sĩ - những người đã phải “án binh bất động” suốt nhiều ngày tháng vì dịch bệnh.

Không chỉ có Nhà hát Kịch Việt Nam, 12 Nhà hát thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch sẽ có chuỗi chương trình biểu diễn kéo dài từ nay đến tháng 8/2020. Khán giả sẽ có cơ hội được thưởng thức những tác phẩm đặc sắc ở nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau. Đặc biệt, các chương trình này có giá vé hết sức dễ chịu, chỉ từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng/vé.

Do dịch bệnh, các hoạt động văn hóa nghệ thuật toàn cầu phải tạm dừng một thời gian dài. Nhiều nhà hát, viện bảo tàng, rạp chiếu phim... phải tạm đóng cửa. Kéo theo đó là các nghệ sĩ lâm vào tình trạng khó khăn khi phải hủy bỏ show diễn. Mặc dù Việt Nam được ghi nhận là phòng chống dịch bệnh Covid-19 đứng hàng đầu thế giới, nhưng các hoạt động văn hóa nghệ thuật và các nghệ sĩ ở Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Trong báo cáo đánh giá tác động của dịch Covid-19 đối với các tổ chức văn hóa - nghệ thuật do Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam thực hiện, tác động bởi Covid-19 hiện diện ở mọi tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật.

Điều đó được phản ánh qua tình trạng đóng cửa - dừng hoạt động của các thiết chế văn hóa như rạp chiếu phim, nhà hát, thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa - nghệ thuật, không gian văn hóa công cộng,... Trong khi, mọi hoạt động văn hóa - nghệ thuật như các chương trình biểu diễn nghệ thuật, dự án làm phim hay chiếu phim, liên hoan, sự kiện văn hóa - nghệ thuật, triển lãm nghệ thuật,… bị hủy hoặc dừng không thời hạn; các chương trình/khóa đào tạo, giáo dục về văn hóa - nghệ thuật bị hoãn hoặc hủy; nghệ sĩ, nhà làm phim, giám tuyển, chuyên gia văn hóa, các cá nhân thực hành văn hóa và nghệ thuật, giảng viên và đào tạo viên... bị cắt giảm lương/thù lao hoặc nghỉ việc...

Đối với những nhân lực của ngành văn hóa nghệ thuật tạm coi là thuộc hệ thống “Nhà nước”, dù ít dù nhiều, họ đang được hưởng các chính sách hỗ trợ theo tinh thần của Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ; Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Nghị định số 41/2020/CP về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất.

Nhưng số nhân lực ấy so với gần 47 nghìn doanh nghiệp văn hóa và sáng tạo ở Việt Nam hiện nay thì không thấm tháp vào đâu. Phần lớn các đơn vị này có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa, không có nguồn lực tài chính lớn, chủ yếu thuê nhà đất/văn phòng/nhà xưởng từ tư nhân... Các tổ chức văn hóa - nghệ thuật độc lập, các lao động tự do trong ngành văn hóa nghệ thuật - không có pháp nhân thì vẫn rất khó khăn, họ phải đối diện với tình trạng nguồn thu không ổn định, chi phí thuê mướn địa điểm của tư nhân không được miễn, giảm, v.v... Để đánh giá toàn diện các thiệt hại này cần có thời gian.

Theo PGS, TS Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, kinh nghiệm quốc tế trong hỗ trợ khu vực văn hóa - nghệ thuật ứng phó đại dịch Covid-19 cho thấy một điểm thống nhất chung về hướng tiếp cận của các chính phủ là việc nhanh chóng thiết lập một hệ thống hỗ trợ văn hóa - nghệ thuật ứng phó với khủng hoảng một cách tổng thể, toàn diện và bền vững.

Trên thực tế, trong khi chờ đợi một giải pháp tối ưu ở tầm vĩ mô, bản thân các nghệ sĩ, những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật đã tự mình có một cách tự “thiết lập trạng thái bình thường mới”. Đó là cố gắng trở lại các hoạt động sinh hoạt, sáng tác nghệ thuật như thời kỳ trước dịch bệnh.

Các hoạt động triển lãm đã dần được tái khởi động. Ví dụ như Triển lãm “Thép và Vải” của nhà điêu khắc Lê Thị Hiền và họa sĩ Trần Thanh Thục. Đây là cuộc triển lãm của hai nữ nghệ sĩ khá nổi tiếng trong mỹ thuật Việt Nam đương đại. Tên triển lãm cũng là thể loại chất liệu đặc trưng, sở trường của hai nghệ sĩ.

Một hoạt động khác đáng chú ý với những tuyên ngôn rất kiêu hãnh và tự tin của các nghệ sĩ. Đó là Triển lãm của nhóm Sơn Ta, kéo dài từ ngày 1/6/2020 tại Nhà Triển Lãm 29 Hàng Bài, Hà Nội. Đây là một nhóm họa sĩ chuyên sử dụng chất liệu sơn mài trong sáng tạo nghệ thuật. Họ đã ra một tuyên bố rất dễ thương:

“Trong bối cảnh cả thế giới đang chống chọi lại dịch bệnh, nghĩ về nghệ thuật tại thời điểm này có vẻ như là một sự xa hoa, đúng hơn, là một đặc quyền chỉ dành cho giới thượng lưu trí thức. Sự bất ổn không chỉ có mặt trong thị trường nghệ thuật, mà còn trong những vấn đề cấp thiết như nhu yếu phẩm hằng ngày. Tuy nhiên, con người, đặc biệt là những người sáng tạo, đã cho thấy được sự cứng đầu của mình trong bối cảnh này.

Ngay khi với sự thiếu thốn nhu cầu vật chất mà chúng ta đang phải trải qua lúc này, chúng ta vẫn muốn sống một cuộc đời đáng sống với những vui thú đơn giản – những thứ mà nghệ sĩ sáng tạo ra.

Triển lãm lần thứ V của nhóm Sơn Ta được diễn ra trong đại dịch. Mặc dù xa hoa nhưng đó là nỗ lực sẽ giúp chúng ta có thể ghi nhớ về những điều quan trọng trong cuộc đời - rằng dù chúng ta có đi nhanh tới đâu chúng ta sẽ không bao giờ biết hết mọi thứ... Triển lãm này sẽ đưa cho chúng ta một góc nhìn có thể giúp chúng ta tỉnh táo vượt qua thời gian khó khăn của đại dịch virus Corona”.

Đúng như vậy, dù sao thì Trái Đất vẫn quay, tất cả chúng ta đều phải tự tìm ra cách để làm sao có thể “thiết lập trạng thái bình thường mới”, dù trong đời sống hay trong nghệ thuật.

Tử Hưng

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nghe-thuat-ve-trang-thai-binh-thuong-moi-post81416.html