Nghị định 116 tạo thêm động lực cho thí sinh lựa chọn học sư phạm

Cần tạo sự linh hoạt hơn trong đào tạo giáo viên tại các trường ĐH sư phạm, giúp giải quyết vấn đề thiếu giáo viên ở các môn học tại nhiều địa phương hiện nay.

Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận được nhiều góp ý, chia sẻ từ lãnh đạo một số cơ sở giáo dục đại học.

Nghị định 116 đã tạo thêm động lực cho nhiều sinh viên đăng ký vào các trường đại học sư phạm

Chia sẻ tại hội nghị, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Sơn – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã đề cập đến Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Có thể thấy, Kết luận 91 không chỉ là định hướng, chỉ đạo cho những hoạt động, nhiệm vụ giáo dục trong năm học tiếp theo mà còn là động lực của ngành Giáo dục.

Theo thầy Sơn, những kết quả đạt được đã khẳng định việc chúng ta đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục là đang đi đúng hướng, trong đó có những vấn đề mà trước đây chúng ta đã rất băn khoăn về chương trình, sách giáo khoa, … Việc làm này đã thể hiện tư tưởng, sự kiên định, sự thống nhất về đường lối, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo dục và đào tạo ngày càng phát triển với chủ trương “giáo dục là quốc sách hàng đầu”.

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Sơn – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trình bày tham luận tại Hội nghị (Ảnh: Trần Hiệp).

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Sơn – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trình bày tham luận tại Hội nghị (Ảnh: Trần Hiệp).

Cũng theo Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, hiện các cơ sở đào tạo giáo viên đã bám sát Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và coi đây là một trong những căn cứ quan trọng để xây dựng, thiết kế chương trình đào tạo giáo viên, được thể hiện trong chuẩn đầu ra đào tạo giáo viên.

Hơn nữa, hầu như các trường đại học sư phạm chủ chốt đã mở ngành và thực hiện đào tạo, bồi dưỡng chương trình đào tạo giáo viên dạy các môn mới như Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý… Qua đó, góp phần cung cấp đội ngũ nhà giáo cho các địa phương, từng bước tháo gỡ khó khăn về thừa thiếu giáo viên cục bộ.

Bên cạnh chức năng giống như nhiều cơ sở giáo dục đại học khác, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng như nhiều trường đại học sư phạm trên cả nước còn có nhiệm vụ trọng tâm là cung cấp nguồn lực trực tiếp cho hệ thống giáo dục quốc dân.

Chính vì vậy, để cùng các địa phương khắc phục tình trạng thiếu đội ngũ giáo viên, hiện nhà trường và nhiều trường đại học sư phạm khác đã tích cực mở chương trình bồi dưỡng cho các giáo viên đơn môn để chuyển đổi dạy các môn học tích hợp theo Chương trình giáo dục thông 2018, xây dựng các chương trình đào tạo hệ vừa làm vừa học một cách rộng rãi, thường xuyên. Điều này thể hiện sự đóng góp công sức các cơ sở đào tạo sư phạm trong việc cung cấp nguồn lực giáo viên cho hệ thống giáo dục quốc dân.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc để có nguồn vốn để đầu tư, nâng cấp, duy trì cơ sở vật chất đối với các trường đại học sư phạm hiện nay rất khó khăn. Chính vì vậy, thầy Sơn bày tỏ mong muốn Nhà nước quan tâm để các nhà trường có nguồn vốn để đầu tư, phát triển cơ sở vật chất để nâng cao, đảm bảo cho công tác đào tạo.

“Chúng tôi khá lạc quan khi trong các văn bản chính thức từ văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, dự thảo Luật Nhà giáo, một trong những nội dung trong Kết luận số 91-KL/TW đều đề cập đến việc đầu tư cho các trường đại học sư phạm để có cơ sở vật chất tốt nhằm đáp ứng chất lượng đào tạo cao đối với giáo viên”, thầy Sơn bày tỏ.

Cũng theo Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ đã thực hiện được 04 năm và có tác động lớn với các trường đại học sư phạm. Trên thực tế, năm vừa rồi, số học sinh là học sinh giỏi quốc gia đăng ký tuyển thẳng vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã lên tới 300 em. Hơn nữa, theo thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo, số lượng thí sinh đăng ký vào các trường đại học sư phạm trên cả nước cũng đang có xu hướng gia tăng.

Có thể thấy rằng, Nghị định 116 đã tạo thêm động lực cho sinh viên lựa chọn vào học các ngành sư phạm hơn so với trước kia. Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị định này trên thực tế còn một số vướng mắc mà các trường sư phạm đang cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra các giải pháp khắc phục.

Theo đó, để khắc phục khó khăn trong việc thực hiện Nghị định 116, thầy Sơn cho rằng, cần chuyển đổi từ việc cấp kinh phí cho sinh viên sư phạm ngay từ thời gian nhập học thành bồi hoàn kinh phí cho sinh viên vào thời điểm sau khi các em tốt nghiệp, được các cơ sở giáo dục tuyển dụng.

Cách làm này sẽ tạo sự linh hoạt hơn trong việc đào tạo giáo viên tại các trường đại học sư phạm, giúp giải quyết vấn đề thiếu cục bộ giáo viên ở các môn học tại nhiều địa phương hiện nay.

Ngoài ra, đối với các địa phương, thầy Sơn cho rằng, trong thời gian tới cần tiếp tục quan tâm đến việc bồi dưỡng giáo viên một cách lâu dài, thường xuyên, thúc đẩy khả năng thích ứng với những đổi mới của đội ngũ giáo viên.

Cần có cơ chế đặc thù trong đào tạo nguồn nhân lực chip bán dẫn

Cũng tại hội nghị, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc Đại học Đà Nẵng nêu quan điểm liên quan đến công tác đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp bán dẫn trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.

Theo thầy Vũ, sau hội nghị do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Đại học Đà Nẵng vào tháng 10/2023, đã hình thành Liên minh các cơ sở giáo dục đại học lớn gồm Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Đà Nẵng, Đại học Bách khoa Hà Nội và Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông để triển khai đào tạo nguồn nhân lực chip bán dẫn. Từ đó, các trường trong liên minh đã tích cực triển khai việc mở ngành đào tạo, chuẩn bị đội ngũ, cơ sở vật chất bước đầu để thực hiện đào tạo ngành mũi nhọn này.

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc Đại học Đà Nẵng phát biểu tại điểm cầu Đà Nẵng (Ảnh: Website Đại học Đà Nẵng).

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc Đại học Đà Nẵng phát biểu tại điểm cầu Đà Nẵng (Ảnh: Website Đại học Đà Nẵng).

Đối với Thành phố Đà Nẵng, để trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chip bán dẫn, lãnh đạo Thành phố đã hết sức quan tâm, nỗ lực triển khai “Chương trình Đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn” với sự đồng hành của các trường đại học và doanh nghiệp. Có thể nói rằng, đây là quyết tâm rất lớn của lãnh đạo Thành phố để Đà Nẵng trở thành trung tâm đào nguồn nhân lực chíp bán dẫn của đất nước.

Đà Nẵng đã hội tụ các yếu tố "thiên thời địa lợi nhân hòa" với hệ thống các cơ sở giáo dục đại học lớn trên địa bàn, có truyền thống và chất lượng đào tạo tốt mà nòng cốt là Đại học Đà Nẵng. Có lực lượng sinh viên đông đông đảo trên 100.000 sinh viên (trong đó Đại học Đà Nẵng có hơn 60.000 sinh viên), Thành phố có bình quân khoảng 800 sinh viên/cả nước; đội ngũ cán bộ có trình độ cao, ... Như vậy, Đà Nẵng còn có nhiều điều kiện để phát triển trở thành Thành phố đại học, trung tâm đổi mới sáng tạo của cả nước..

Để tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp bán dẫn, Giám đốc Đại học Đà Nẵng kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt Đề án "Phát triển nguồn nhân lực ngành Công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045", nhất là ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện đề án. Đồng thời, có cơ chế đặc thù về đầu tư mua sắm theo tinh thần “đột phát của đột phá” để triển khai thành công Đề án.

Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Vũ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có cơ chế đặc thù trong đào tạo nguồn nhân lực chip bán dẫn, nhất là cách tính chỉ tiêu, đội ngũ cơ hữu ngành gần so với quy định hiện nay, vì đây là ngành nghề hoàn toàn mới.

Tuy nhiên, cần phải có giải pháp kiểm soát chất lượng đào tạo, tránh tình trạng "trăm hoa đua nở", đào tạo theo phong trào dẫn đến chất lượng đào tạo không đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động quốc tế.

Vì vậy, trước mắt, cần ưu tiên đặt hàng giao nhiệm vụ cho các trường đại học lớn có truyền thống về đào tạo các ngành công nghệ - kỹ thuật, có tiềm lực về đội ngũ giảng viên và chất lượng sinh viên đầu vào tốt.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có cơ chế thúc đẩy, tạo điều kiện, khuyến khích việc gắn kết chặt chẽ giữa trường đại học với chính quyền địa phương, các trường trung phổ thông trong việc nâng cao chất lượng giáo dục STEM và ngoại ngữ cho học sinh phổ thông. Đây là tiền đề rất quan trọng trong đào tạo ngành công nghiệp mũi nhọn này.

Ngoài ra, các Bộ, ngành cần phối hợp giúp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc hiện nay trong hợp tác quốc tế để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các trường đại học trong việc tiếp nhận các nguồn tài trợ, hỗ trợ từ các đối tác quốc tế, thu hút các nhà khoa học, chuyên gia giỏi về nước tham gia giảng dạy và nghiên cứu để tạo thêm nguồn lực cho các trường đại học phát triển và hội nhập quốc tế. Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, có thể xem xét ủy quyền cho các Đại học lớn như các Đại học Vùng chủ động tổ chức Hội thảo quốc tế mà không phải xin phép Bộ.

Giám đốc Đại học Đà Nẵng cũng bày tỏ mong muốn Chính phủ, và các Bộ, ban, ngành tiếp tục thực hiện chủ trương phát triển Đại học Đà Nẵng thành Đại học Quốc gia theo tinh thần Nghị quyết 26 và Kết luận 79 của Bộ Chính trị. Việc trở thành Đại học Quốc gia giúp Đại học Đà Nẵng có điều kiện phát triển, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng mục tiêu công nghệ hóa, hiện đại hóa của cả nước nói chung và khu vực miền Trung-Tây Nguyên nói riêng.

Cần xây dựng xã hội học tập phải đi bằng “2 chân” là giáo dục và khuyến học

Phát biểu tại hội nghị, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan - nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đã gửi lời chúc mừng ngành Giáo dục với những kết quả đạt được trong năm học 2023-2024, một năm học bứt phá về đổi mới giáo dục và đào tạo.

Theo đó, Giáo sư Nguyễn Thị Doan đã đề cập đến những nội dung bứt phá được mà ngành Giáo dục đã đạt được trong năm qua như chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn đều được nâng lên; phương pháp giáo dục đổi mới, chuyển từ truyền thụ kiến thức là chính sang tăng cường năng lực, phát triển tư duy của học sinh; số lượng, chất lượng nhà giáo đều được nâng lên; quản lý giáo dục có nhiều điểm mới; kiểm định và đánh giá chất lượng giáo dục, công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường; đưa số hóa vào nhà trường và vào quản lý giáo dục rất rõ rệt; kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông được tổ chức thành công.

Những kết quả trên là sự cố gắng, nỗ lực của toàn thể đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục và toàn thể nhân dân, các cấp, ngành và đặc biệt là sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ…

 Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan - nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam chia sẻ ý kiến tại Hội nghị (Ảnh: Trần Hiệp).

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan - nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam chia sẻ ý kiến tại Hội nghị (Ảnh: Trần Hiệp).

Ngoài những kết quả đạt được, bà Doan cũng chỉ ra những vấn đề cần phải giải quyết, những “điểm nghẽn” cơ bản nhất của giáo dục đào tạo hiện nay cần các cấp, ngành, từ Trung ương đến địa phương tập trung giải quyết. Đơn cử như thách thức về chất lượng đội ngũ giáo viên; đời sống giáo viên còn khó khăn, ảnh hưởng đến việc đọc, tự học, tự nâng cao trình độ, đặc biệt là giáo viên mầm non; hệ thống sổ sách, yêu cầu báo cáo còn nặng nề, … Trong đó, “điểm nghẽn” lớn nhất chính là chất lượng nhà giáo.

Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đã đề cập đến thực trạng còn nhiều băn khoăn về chất lượng lao động Việt Nam. Do đó, đứng trước thực tế trên, cần phải kích đẩy chất lượng giáo dục, đặc biệt là nâng cao chất lượng đội ngũ bởi người thầy chính là “chìa khóa”. Tuy nhiên, đây là bài toán khó, đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương phải cùng vào cuộc.

Cũng theo Giáo sư Nguyễn Thị Doan, bứt phá đổi mới giáo dục là nền tảng xây dựng xã hội học tập. Do đó, xây dựng xã hội học tập phải đi bằng “2 chân” là giáo dục và khuyến học, giáo dục phải kết hợp với khuyến học.

Tường San

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/nghi-dinh-116-tao-them-dong-luc-cho-thi-sinh-lua-chon-hoc-su-pham-post244970.gd