Nghị định thi hành Luật ngân sách nhà nước 2025: Tập trung 3 vấn đề trọng tâm
Xây dựng dựa trên 5 quan điểm, dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước 2025 tập trung giải quyết 3 vấn đề trọng tâm.
Xây dựng dựa trên 5 quan điểm
Sáng 7/7, tại Hà Nội, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị thảo luận, xin ý kiến các bộ, cơ quan trung ương và địa phương về hồ sơ trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước số 89/2025/QH15 (Luật Ngân sách nhà nước 2025).

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu tại sự kiện. Ảnh: BTC
Luật Ngân sách nhà nước 2025 đã được Quốc hội thông qua vào ngày 25/6/2025. Tại luật này, Quốc hội đã giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chi tiết 4 nội dung, giao Chính phủ quy định chi tiết 26 nội dung. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã xác định chủ trì xây dựng 3 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và 6 Nghị định của chính phủ.
Theo Bộ Tài chính, dự thảo Nghị định xin ý kiến tại hội thảo này là một nghị định với phạm vi quy định chi tiết 20/26 nội dung Quốc hội đã giao Chính phủ, thay thế Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, dự thảo được xây dựng trên 5 quan điểm, bao gồm: Thứ nhất, đảm bảo thống nhất với các nguyên tắc sửa đổi luật đã được áp dụng trong quá trình xây dựng Luật Ngân sách nhà nước; đồng bộ với Nghị quyết số 203/2025/QH15 của Quốc hội ngày 16/6/2025 sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các luật có liên quan được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9 vừa qua.
Thứ hai, chỉ quy định chi tiết nội dung đã được giao tại Luật Ngân sách nhà nước.
Thứ ba, bảo đảm tính ổn định, đồng bộ của hệ thống pháp luật, cũng như chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành và địa phương theo quy định của pháp luật.
Thứ tư, kế thừa những quy định hiện hành đã được thực tiễn chứng minh đem lại các tác động tích cực đến kinh tế - xã hội của đất nước; những nội dung cần sửa đổi, bổ sung phải có quy định rõ ràng, minh bạch.
Thứ năm, đơn giản hóa trình tự, thủ tục; đảm bảo tính khả thi; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, cá thể hóa trách nhiệm; tăng cường phân cấp, phân quyền, tạo tính chủ động cho các bộ, ngành, địa phương trong việc lập, chấp hành, quyết toán, công khai, giám sát ngân sách nhà nước.

Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị thảo luận, xin ý kiến các bộ, cơ quan trung ương và địa phương về hồ sơ trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước số 89/2025/QH15. Ảnh: BTC
Tập trung giải quyết 3 vấn đề trọng tâm
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, trên tinh thần bám sát quy định của Luật Ngân sách nhà nước, dự thảo Nghị định tập trung giải quyết 3 vấn đề trọng tâm, bao gồm: Một là, quy định chi tiết công tác xây dựng dự toán, chấp hành, quyết toán và công khai ngân sách nhà nước; khắc phục những điểm hạn chế, bất cập để rà soát, sửa đổi cho phù hợp với quy định tại Luật số 89/2025/QH15 và phù hợp với thực tiễn.
Hai là, việc sử dụng vốn đầu tư phát triển ngân sách địa phương cho các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; hỗ trợ địa phương khác.
Ba là, tổng hợp hướng dẫn xây dựng kế hoạch tài chính 5 năm.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận làm sâu sắc hơn các nội dung cần thiết phải quy định cụ thể tại Nghị định, đề xuất và kiến nghị cụ thể từng nội dung quy định tại các điều, khoản của Nghị định để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm đảm bảo các quy định là phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu quản lý ngân sách nhà nước trong tình hình mới.
Theo Bộ Tài chính, việc ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước vừa cụ thể các nội dung Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết, vừa kịp thời cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; đáp ứng các vấn đề thực tiễn và bối cảnh phát triển mới, tạo sự chủ động, linh hoạt hơn cho các cấp, ngành, địa phương trong lập dự toán, điều hành, quản lý, quyết toán và công khai ngân sách nhà nước; giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, nhất là xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Luật Ngân sách nhà nước 2025 đã được Quốc hội thông qua ngày 25/6/2025, là một dự án luật quan trọng, có phạm vi rất rộng, tác động tới toàn bộ các ngành, lĩnh vực và các địa phương, góp phần quan trọng thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong kỷ nguyên mới.