Nghĩ khác, làm khác để thúc đẩy giải ngân
Hiện, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công vẫn chưa khả quan, trong khi quỹ thời gian để đạt mục tiêu giải ngân hơn 95% kế hoạch năm 2024 (hết tháng 1/2025) ngày càng thu hẹp.
Trao đổi với Báo Giao thông, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, đây là thực tế kéo dài nhiều năm, cần có giải pháp để tạo chuyển biến, thúc đẩy giải ngân.
Dàn trải, phân tán sẽ không hiệu quả
Chậm giải ngân đầu tư công đã kéo dài nhiều năm, ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?
Đầu tư công là động lực tăng trưởng, là loại đầu tư kích thích thêm, thu hút thêm đầu tư từ tư nhân, tập trung phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Từ đó, tạo ra tiềm năng tăng trưởng lâu dài cho nền kinh tế.
Thời gian qua cũng có nhiều thay đổi trong pháp luật quản lý đầu tư công. Chính phủ thành lập 6 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc... Mặc dù các bộ, ngành và địa phương đang ráo riết "chạy nước rút", vẫn dấy lên lo ngại khó hoàn thành mục tiêu năm nay.
Theo ông, nguyên nhân do đâu?
Nhiều tồn tại đã được chỉ ra, như việc lập và phân bổ kế hoạch chưa bám sát thực tế của từng dự án; khâu tổ chức thực hiện ở một số nơi chưa hiệu quả. Ngoài ra, vướng mắc về cơ chế, chính sách, các quy định quản lý đầu tư công, đấu thầu, giải phóng mặt bằng, quy hoạch đất đai… vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Thực tế, chưa năm nào giải ngân hết kế hoạch Thủ tướng giao. Việc thực hiện vẫn còn gặp những điểm nghẽn, dù đã dần được khắc phục. Đó là, đầu tư công dàn trải, phân tán, dẫn đến chưa hiệu quả.
Lựa chọn dự án cần tiêu chí rõ ràng
Ông có thể dẫn chứng về sự phân tán hoặc dàn trải?
Phân tán ở chỗ có quá nhiều dự án. Trước đây là hơn 10.000 dự án, sau đó cắt giảm còn 5.000 dự án, hiện nay còn khoảng 3.000 dự án đầu tư công.
Số dự án nhiều dẫn đến tính dàn trải. Gần như tất cả các tổ chức ở Trung ương đều có thể làm cơ quan chủ quản đầu tư, theo kiểu nếu xây dựng kế hoạch sẽ có thể nhận được vốn đầu tư công… Điều này cho thấy, khi phân bố vốn thì yếu tố hiệu quả chưa phải đầu tiên.
Tôi thấy rằng, không có tiêu chí rõ ràng trong việc lựa chọn dự án đầu tư. Cho nên, thực tế, ai muốn xin vốn đầu tư công một dự án nào đó, cứ theo đúng quy trình thì khả năng sẽ được.
Hiện có quá nhiều cơ quan được quyền xin vốn đầu tư công và tham gia vào thẩm định, chấp thuận dự án.
Khi có quá nhiều dự án, trong khi vốn không nhiều, tiêu chí lựa chọn không rõ ràng… thì việc một số dự án bị kéo dài là không tránh khỏi.
Rất nhiều nguyên nhân đã được nhận diện, đánh giá, nhưng theo ông đâu là nguyên nhân chính khiến giải ngân đầu tư công chậm?
Nguyên nhân chính, theo tôi là chất lượng chuẩn bị dự án đầu tư không cao, dẫn đến quá trình thực hiện phải điều chỉnh liên tục. Chẳng hạn điều chỉnh chủ trương đầu tư cho một dự án nhóm A sẽ mất thêm hàng năm. Thậm chí, khi xin được chủ trương đầu tư thì lại đã lạc hậu so với thực tế.
Còn các nguyên nhân khác như giải phóng mặt bằng; thiếu nguyên liệu; giá cả thay đổi, nhưng trong dự án không điều chỉnh linh hoạt khiến các nhà thầu càng làm càng lỗ. Ngoài ra, cũng có hiện tượng nhà thầu không đủ năng lực.
Xác định dự án ưu tiên từng thời kỳ
Việc gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả giải ngân đầu tư công đã được đặt ra, ông đánh giá thực tế thế nào?
Nếu vướng về pháp lý thì không ai quyết, bởi tâm lý sợ làm không đúng quy định, tức là không an toàn với cá nhân họ. Đây là lý do dù gắn trách nhiệm cho người đứng đầu, nhưng ngay cả họ cũng phân vân về pháp lý nên không dám quyết định.
Chúng ta cũng thấy rõ vướng về quy trình, thủ tục, pháp lý không rõ ràng, mâu thuẫn, chồng chéo lẫn nhau. Mỗi một dự án đầu tư không chỉ có Luật Đầu tư công mà còn liên quan các luật về xây dựng, luật môi trường, đất đai, tài nguyên khoáng sản. Không chỉ vướng một địa phương mà là nhiều tỉnh.
Vấn đề này khó giải quyết một sớm một chiều. Vì thế, muốn đẩy nhanh thì phải làm khác, nghĩ khác. Nếu không tình trạng này vẫn kéo dài.
Vậy làm khác, nghĩ khác theo quan điểm của ông là gì?
Nhiều ý kiến đã khẳng định thể chế là "điểm nghẽn của điểm nghẽn", điều này càng đúng với Luật Đầu tư công.
Vì vậy, chúng ta phải gỡ trên hai phương diện. Một là gỡ về luật pháp, hai là cách thức tổ chức thực hiện luật pháp.
Đầu tư công không phải công cụ giải quyết công bằng xã hội, mà là công cụ thực hiện phát triển xã hội, tức là thúc đẩy phát triển, tạo điều kiện phát triển. Cho nên, đầu tư công phải nhấn mạnh đến hiệu quả và sức lan tỏa của từng dự án đối với phát triển chung.
Rõ ràng không phải ai cũng cần đầu tư công, không phải tổ chức nào cũng có quyền là cơ quan chủ quản dự án đầu tư công. Chẳng hạn, các tổ chức văn học nghệ thuật mang tính hội nghề nghiệp thì có thật sự cần không?
Như vậy, giải pháp đầu tiên là xác định rõ ưu tiên trong từng thời kỳ. Ví dụ, đây là thời điểm chúng ta ưu tiên đầu tư công vào phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông.
Mỗi thời kỳ sẽ xác định một vài lĩnh vực ưu tiên và chỉ tập trung vào đấy. Dự án cũng phải ưu tiên. Tức là sắp xếp dự án ưu tiên trong lĩnh vực ưu tiên, dự án trọng điểm trong lĩnh vực trọng điểm. Khi đã tập trung vốn rồi thì phải dồn lực thực hiện thật nhanh.
Cơ chế phân bổ vốn đầu tư công cũng cần thay đổi theo hướng linh hoạt hơn, giao quyền nhiều hơn. Khi được giao quyền, việc điều chuyển vốn từ dự án này sang dự án khác sẽ rất uyển chuyển. Tất nhiên, đi kèm với cơ chế linh hoạt khi giao thẩm quyền, cần phải quy định rõ về trách nhiệm.
Chúng ta nên tham khảo kinh nghiệm từ lĩnh vực tư nhân, không để quá nhiều người tham gia vào quyết định cuối cùng. Làm được điều này, sẽ chọn được những người đứng đầu rất thiện chiến. Ai không làm được sẽ tự lùi bước.
Cảm ơn ông!
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính, tính đến ngày 30/11/2024, kết quả giải ngân vốn đầu tư công đạt 410.953 tỷ đồng, tương đương 54,8% kế hoạch và 60,43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (trong khi cùng kỳ năm 2023, tỷ lệ này lần lượt là 59,4% và 65,1%). Dù tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách Trung ương cao hơn cùng kỳ năm 2023, song giải ngân nguồn vốn ngân sách địa phương lại thấp hơn.
Điểm đáng ghi nhận là có 16/46 bộ, cơ quan Trung ương và 37/63 địa phương đạt tỷ lệ ước giải ngân (so với tổng kế hoạch) cao hơn bình quân chung cả nước. Ngược lại, 30/46 bộ, cơ quan Trung ương và 26/63 địa phương lại có tỷ lệ thấp hơn mức bình quân. Đáng chú ý, một số cơ quan Trung ương giải ngân bằng 0% hoặc rất thấp; một số địa phương chỉ đạt dưới 50%.