Nhà bán hàng thu 200 triệu - 1 tỷ đồng/tháng nhờ áp dụng đa kênh
Khảo sát của Sapo cho thấy, 55,7% nhóm nhà bán hàng tăng trưởng doanh thu đang áp dụng mô hình đa kênh, với doanh thu phần lớn nằm trong khoảng 200 triệu - 1 tỷ đồng/tháng.
Công ty Cổ phần Công nghệ Sapo vừa công bố kết quả khảo sát về tình hình kinh doanh năm 2024 từ 15.000 nhà bán hàng trên toàn quốc.
Theo khảo sát này, 33% nhà bán hàng ghi nhận doanh thu tăng trưởng trong năm 2024, chủ yếu tập trung ở Hà Nội và TP.HCM. Các doanh nghiệp này thường có quy mô nhỏ với nhân sự dưới 5 người, doanh thu đạt trên 500 triệu đồng/tháng. Các ngành hàng nổi bật gồm thời trang, đồ gia dụng và thực phẩm.
Trong số đó, hơn 80% nhà bán hàng đã lên kế hoạch mở rộng kinh doanh lên các nền tảng trực tuyến, tăng cường bán hàng qua livestream và tận dụng sức mạnh của các mạng xã hội như TikTok và Facebook.
Kết quẩ khảo sát ghi nhận, có đến 55,7% nhóm nhà bán hàng tăng trưởng doanh thu đang áp dụng mô hình đa kênh, với doanh thu phần lớn nằm trong khoảng 200 triệu - 1 tỷ đồng/tháng. Điều này cho thấy chiến lược đa kênh là yếu tố quan trọng giúp bán lẻ đạt mức tăng trưởng cao, tiếp cận nhiều tệp khách hàng và tối ưu doanh thu.
Nhà bán hàng có doanh thu tăng trưởng đang chú trọng và dành nhiều ngân sách cho quảng cáo qua mạng xã hội như Instagram, TikTok và Facebook, cũng như các sàn thương mại điện tử như Shopee.
Bà Lê Thị Dung, Giám đốc Tăng trưởng Sapo, chia sẻ: "Nhà bán hàng cần không chỉ hiện diện đa kênh mà còn tích hợp sâu giữa các kênh, lấy người mua làm trung tâm để tạo trải nghiệm liền mạch, nâng cao cạnh tranh và doanh thu. Hợp kênh giúp tập trung dữ liệu khách hàng để xây dựng chương trình loyalty, tăng tỷ lệ mua lại và tối đa hóa doanh thu".
Sapo cho hay, thương mại điện tử vẫn là kênh bán hàng chủ lực khi 77% nhà bán hàng đã tận dụng ít nhất một nền tảng trực tuyến. Shopee, TikTok Shop và Facebook là những cái tên được ưa chuộng và đầu tư mạnh.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của Temu và Shein cùng việc gia tăng thuế phí đã tạo áp lực lớn lên các nhà bán hàng trong nước. Để đối phó, nhiều doanh nghiệp đang chuyển sang chiến lược kinh doanh bền vững, giảm bớt cạnh tranh về giá và tập trung vào tối ưu chi phí vận hành.
Dự báo xu hướng 2025, theo Sapo, có tới 59% nhà bán hàng lạc quan về tình hình kinh doanh năm 2025, theo đó phần lớn nhà bán hàng muốn mở rộng kinh doanh thay vì tiết kiệm chi phí: 46% muốn mở thêm kênh bán, 45,8% dự định sẽ đa dạng mặt hàng và 30,8% muốn mở rộng quy mô, thêm chi nhánh, nhân viên.
Mở rộng kênh bán hàng là chiến lược trọng tâm của 2025, bao gồm mạng xã hội (28%), sàn thương mại điện tử (23%) và TikTok Shop (21%).
"Chiến lược số hóa và tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng sẽ là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp tận dụng cơ hội và đối mặt với thách thức trong tương lai", đại diện Sapo khẳng định.
Cụ thể, 100% nhà bán hàng dự định mở rộng kênh bán trực tuyến như TikTok Shop, Shopee, Facebook,... Điều này cho thấy nhà bán hàng vẫn xem các kênh online là trọng tâm, khẳng định vị thế của thương mại điện tử trong bán lẻ hiện đại.