Nghị lực của cô giáo 13 năm cắm bản

Với ước mơ trở thành cô giáo, sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm mầm non (Trường đại học Hồng Đức), năm 2008, cô giáo Trần Thị Hồng nộp đơn tình nguyện và được ngành giáo dục phân công giảng dạy tại Trường mầm non Pù Nhi (xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, Thanh Hóa). Sau gần 13 năm liên tục gắn bó tại các điểm trường vùng cao, cô Hồng không chỉ nỗ lực vượt qua khó khăn, vất vả, mà còn vươn lên trở thành nhà giáo tiêu biểu của tỉnh.

Giờ dạy của cô giáo Trần Thị Hồng.

Giờ dạy của cô giáo Trần Thị Hồng.

Với ước mơ trở thành cô giáo, sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm mầm non (Trường đại học Hồng Đức), năm 2008, cô giáo Trần Thị Hồng nộp đơn tình nguyện và được ngành giáo dục phân công giảng dạy tại Trường mầm non Pù Nhi (xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, Thanh Hóa). Sau gần 13 năm liên tục gắn bó tại các điểm trường vùng cao, cô Hồng không chỉ nỗ lực vượt qua khó khăn, vất vả, mà còn vươn lên trở thành nhà giáo tiêu biểu của tỉnh.

Mường Lát là huyện biên giới, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Cách trung tâm huyện 10 km là xã vùng cao Pù Nhi. Xã có địa hình hiểm trở, núi rừng trùng điệp. Vào mùa mưa, việc đi lại gặp nhiều khó khăn, vất vả. Bằng tấm lòng yêu nghề, mến trẻ, các thầy giáo, cô giáo nơi đây đã nỗ lực vượt qua những khó khăn, có người cống hiến cả tuổi thanh xuân, hết lòng vì sự nghiệp “trồng người”.

Cô giáo Trần Thị Hồng cho biết, sau gần 13 năm làm giáo viên, cô đã dạy ở các điểm trường khó khăn như: Cá Nọi, Pù Ngùa, Na Tao, Pha Đén và hiện nay là điểm trường Bản Cơm. Học sinh của trường gồm sáu dân tộc anh em sinh sống: H’Mông, Dao, Thái, Mường, Kinh, K’Mú, nhưng chủ yếu là đồng bào dân tộc H’Mông. Các cháu thuộc nhiều dân tộc khác nhau, bản thân là giáo viên từ dưới xuôi lên dạy, cho nên bất đồng ngôn ngữ, vì vậy cũng gặp không ít khó khăn trong truyền thụ và tiếp thu kiến thức giữa cô và trẻ. Trong khi đó, phần lớn phụ huynh còn chưa thật sự quan tâm đến việc học hành của con em mình; cơ sở vật chất còn thiếu và yếu so với nhu cầu dạy và học hiện tại.

Mặc dù vậy cô Hồng quyết tâm gắn bó với vùng cao Mường Lát. Những ngày đầu đi dạy ở điểm trường không có lương, dân bản trả công cô bằng gạo, bằng lúa. Bản có điều kiện thì đóng nhiều hơn một chút, còn không, từng tháng họ đóng cho trưởng bản, cô giáo đến lấy gạo để ăn. Lần đầu xa gia đình, sinh sống ở môi trường khó khăn, thiếu thốn, không điện, không nước sạch, không có tiền, nhưng vẫn không làm cô nản chí. Mãi đến năm 2010 được ký hợp đồng trở thành viên chức ngành giáo dục, cô mới không nhận gạo lúa của dân bản nữa.

Cô Hồng chia sẻ, kỷ niệm lớn nhất để gắn bó với mảnh đất này là vào đầu năm học 2008 - 2009, khi nhận nhiệm vụ công tác giảng dạy tại điểm trường Pù Ngùa. Khi đó, trong lớp có em Thao Thị Núc, đi học được vài hôm thì nghỉ. Qua tìm hiểu từ người dân trong bản, được biết nhà em Núc rất nghèo, cha, mẹ mất sớm, em và em trai ở với bà nội. Sau vài lần đến nhà Núc vào ban ngày vận động gia đình cho em đến trường nhưng không gặp ai, vì nhà em bận đi làm rẫy, cô Hồng cùng đồng nghiệp tới vào buổi tối. Hôm đó trời mưa to, đường trơn trượt, các cô vừa đi vừa sợ, nhiều lần bị ngã. Đến nơi, bà của Núc cho biết, em vừa theo bà đi rẫy về. Cạnh bếp củi, Núc mặc bộ quần áo rách, ngồi co ro. Cô nói với bà của em: Mong bà cho cháu Núc đi học lại, tuy em trai của Núc nhỏ chưa đến tuổi đến trường, nhưng có thể cho bé theo Núc đến trường. Tiền mua quần, áo, đồ dùng sách, vở, bút và các đồ dùng học tập khác của Núc cô sẽ hỗ trợ. Ngày hôm sau, bà nội Núc đưa hai chị em đến trường, mang theo một túi dưa và hai quả bí đỏ. Bà đưa cho cô giáo và nói: Bà biếu các cô, cảm ơn các cô nhiều lắm! Tôi cảm thấy trong lòng mình rất vui.

Cô giáo Tống Thị An, Hiệu trưởng Trường mầm non Pù Nhi cho biết, với gần 13 năm công tác tại cơ sở, có chuyên môn vững vàng, cô Hồng đã tạo dựng được uy tín, lòng tin đối với phụ huynh, đồng nghiệp và học sinh trong trường và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân địa phương. Là giáo viên, tổ trưởng chuyên môn, cô Hồng luôn đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng lấy trẻ làm trung tâm, tăng cường kỹ năng sống cho các em, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Cô luôn tự học, tự bồi dưỡng, viết sáng kiến kinh nghiệm; tìm hiểu tài liệu dạy học trên mạng, ở đồng nghiệp; ghi chép cẩn thận; thực hành vận dụng có chọn lọc và rút kinh nghiệm. Hằng năm, lớp do cô Hồng làm chủ nhiệm luôn đạt danh hiệu lớp tiên tiến, tỷ lệ học sinh ra lớp đạt 100%. Với sự tâm huyết, nỗ lực không ngừng, nhiều năm liên tục cô giáo Trần Thị Hồng được ghi nhận là giáo viên giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa. Đáng chú ý, năm 2020, cô Hồng vinh dự là gương điển hình tiên tiến của ngành giáo dục huyện Mường Lát tham dự hội nghị gương điển hình tiên tiến ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Thanh Hóa.

QUÝ TÙNG và THẢO TIÊN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-giao-duc/nghi-luc-cua-co-giao-13-nam-cam-ban-636225/