Nghị lực của nạn nhân da cam

Thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn có 54 hộ có người thân là nạn nhân chất độc da cam (NNCÐDC). Với ý chí và nghị lực kiên cường, nhiều NNCÐDC đã vượt qua bệnh tật, vươn lên tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Điển hình như ông Huỳnh Ðức Tài, ngụ khóm Hàng Vịnh, từng tham gia cách mạng, bị ảnh hưởng của chất độc da cam, may mắn cơ thể lành lặn nhưng sức khỏe không còn được như trước. Tuy nhiên, không đầu hàng số phận, ông hăng hái lao động sản xuất, vươn lên phát triển kinh tế.

Sau nhiều năm vất vả lao động, ông Tài tích góp mua được 2 ha đất để nuôi tôm quảng canh cải tiến. Tuy nhiên, năng suất mang lại không cao, lợi nhuận chỉ đủ chi tiêu trong gia đình. Với tính cần cù, linh hoạt trong sản xuất, ông tận dụng đất vườn, đất trống trên bờ vuông trồng dừa và khóm xen canh, lấy ngắn nuôi dài hiệu quả.

Mô hình trồng dừa, khóm xen canh giúp ông Huỳnh Ðức Tài phát triển kinh tế.

Mô hình trồng dừa, khóm xen canh giúp ông Huỳnh Ðức Tài phát triển kinh tế.

Nhờ kết hợp đa dạng các mô hình sản xuất, với 2 ha đất canh tác cho ông nguồn thu nhập trên trăm triệu đồng mỗi năm, gia đình vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Cùng tham gia kháng chiến chống Mỹ và nên duyên, vợ chồng ông Trịnh Hoàng Chiến và bà Tạ Kim Lắng (khóm Hàng Vịnh) là thương binh, bị nhiễm chất độc da cam/Dioxin. Ông Chiến nhiễm chất độc, tổn thương cơ thể từ 41-60%, còn bà Lắng nhiễm mức độ 21-40%. Tuy nhiên, vượt lên nỗi đau da cam, ông bà lao động, gầy dựng cơ ngơi và nuôi con ăn học nên người.

Ông Chiến kể: “Vợ chồng tôi trở về quê hương, cuộc sống lúc bấy giờ khó khăn lắm, làm nhiều công việc để nuôi 4 đứa con. Tôi thấy đời cha ông, rồi đến đời tôi cực khổ với ruộng đồng, nên vợ chồng tôi quyết tâm cho con ăn học đến nơi đến chốn”.

Với suy nghĩ đó, vợ chồng ông chí thú làm ăn, lên kế hoạch chi tiêu tiết kiệm, dành dụm tiền cho con ăn học, tích góp mua đất sản xuất. Ngoài nuôi tôm quảng canh, ông bà tận dụng đất trống trên bờ vuông trồng rau màu, cây ăn trái để có thêm thu nhập.

Bà Lắng chia sẻ: “4 đứa mà mỗi đứa chỉ cách nhau 1, 2 tuổi, năm nay đứa này vào đại học thì năm sau đứa kế cũng vào, nên lúc đó vợ chồng tôi tự nhủ phải cố gắng thật nhiều. Khó khăn, vất vả, vậy mà cũng nuôi 4 đứa nhỏ ăn học đến nơi đến chốn. Tuy nhiên, nghĩ lại tôi còn thấy buồn, vì có lúc quá khó khăn mà đứa lớn nhất chỉ học hết lớp 12 phải đi làm phụ cha mẹ chớ không được tốt nghiệp đại học như 3 đứa em”.

Từ việc nuôi dạy con tốt của ông bà, 4 người con học hành giỏi giang và có công ăn việc làm ổn định. Tốt nghiệp trung học phổ thông, người con gái lớn theo nghề thợ may, 3 người còn lại tốt nghiệp đại học và đang làm việc trong các cơ quan Nhà nước.

Ông Trần Văn Trắng, Chủ tịch Hội NNCÐDC/Dioxin thị trấn Năm Căn, cho biết: “Các chính sách của Ðảng, Nhà nước, sự quan tâm của các ngành, địa phương phần nào giúp gia đình NNCÐDC ổn định tinh thần, vơi bớt khó khăn. Hơn hết là ý chí và nghị lực của nhiều gia đình NNCÐDC, họ không đầu hàng với số phận, tích cực lao động, vươn lên trong cuộc sống”./.

Phương Thảo

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/nghi-luc-cua-nan-nhan-da-cam-a38135.html