Nghị quyết 06 - tạo lập sự phát triển (bài 3)
TIN LIÊN QUAN Nghị quyết 06 - tạo lập sự phát triển (bài 2) Nghị quyết 06 - tạo lập sự phát triển Bài 3: Đổi thay vùng nông thôn
Từ sự hỗ trợ của Trung ương, sự quan tâm của các cấp, các ngành, sự lãnh, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cùng với sự chung sức của các tổ chức, doanh nghiệp và đóng góp của Nhân dân, hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp nông thôn đã được quan tâm đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức sản xuất của ngành Nông nghiệp Lâm Đồng.
Tăng diện tích được tưới lên 66%
Nhìn lại những năm qua, Lâm Đồng đã chủ động thực hiện nhiều cơ chế, giải pháp để tiết kiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nước phục vụ tưới tiêu đối với lĩnh vực nông nghiệp. Những giải pháp được tỉnh đề ra đó là Đề án hỗ trợ phát triển hệ thống ao hồ nhỏ theo phương thức “Nhân dân làm công trình, Nhà nước hỗ trợ ca máy”; tiến hành áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, ứng dụng rộng rãi các kỹ thuật tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Đồng thời, tập trung kiên cố hóa hệ thống kênh mương, thường xuyên nạo vét, khơi thông dòng chảy nhằm hạn chế thất thoát nước; tuyên truyền, vận động người dân đào ao hồ nhỏ để tích trữ nước và nâng cấp các công trình thủy lợi hiện có như hồ chứa, đập dâng để tạo nguồn phục vụ sản xuất...
Theo thống kê, đến nay toàn tỉnh có 430 công trình thủy lợi bao gồm: 220 hồ chứa và liên hồ, 87 đập dâng, 92 đập tạm, 19 trạm bơm tưới, 12 kênh tiêu; có 1.200 km kênh mương tưới các cấp, trong đó đã kiên cố hóa được 885,0 km. Qua phân loại thì trên địa bàn tỉnh có 33 hồ đập lớn, 60 hồ đập vừa, 197 hồ đập nhỏ. Bằng các nguồn vốn khác nhau, ngành Nông nghiệp đã và đang triển khai sửa chữa 13 công trình và đào được 1.800 ao hồ nhỏ. Các hồ chứa, đập dâng nước tưới cho các vùng lúa, rau màu đều có hệ thống thủy lợi nội đồng được kiên cố hóa đến 80%; hệ thống sông suối, ao, hồ để cung cấp nguồn nước tưới đáng kể phục vụ sản xuất.
Từ hệ thống thủy lợi này, tổng diện tích các loại cây trồng được tưới đạt 164.031 ha/258.317 ha cần tưới, đạt 63,5% diện tích gieo trồng. Song song đấy, số diện tích tưới tiết kiệm được nâng lên 37.900 ha, đạt 13,63% diện tích canh tác. Cũng cần biết thêm rằng, kế hoạch trong năm 2021 mà Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra, phấn đấu diện tích gieo trồng được tưới đạt 66% và diện tích tưới tiết kiệm 45.500 ha.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã triển khai nhiều dự án hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp, nông thôn như: Dự án Phát triển và sản xuất giống cà phê chất lượng cao tỉnh Lâm Đồng; 5 dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững... Theo đó, đã hỗ trợ đầu tư cho hạ tầng nông nghiệp của tỉnh nhiều công trình giao thông nông thôn quan trọng và nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật khác, giúp nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, cải thiện đời sống của người dân.
Dấu ấn nông thôn mới
Điều đáng chú ý là Lâm Đồng tiếp tục huy động các nguồn lực, khuyến khích các thành phần kinh tế, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn với quyết cao sớm đưa tỉnh hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới như lộ trình đã vạch ra. Một thống kê sơ bộ cho thấy, tổng nguồn lực huy động cho xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn vừa qua lên tới gần 1.561 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách Trung ương 556.300 triệu đồng; vốn địa phương 1.004 triệu đồng. Theo đó, toàn tỉnh đã đầu tư được khoảng 1.900 km đường, gồm xây dựng mới 705 km; nâng cấp, sửa chữa 1.200 km và đầu tư làm mới và sửa chữa hơn 85/1.600 m cầu lớn nhỏ. Chính vì thế mà đến nay mạng lưới đường giao thông nông thôn cơ bản đáp ứng được nhu cầu sản xuất và đời sống của Nhân dân.
Mặt khác, các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung được đầu tư xây dựng đúng mục tiêu của Chương trình mục tiêu Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, góp phần vào công tác nâng cao chất lượng cuộc sống, sức khỏe cho người dân nông thôn; đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện trên địa bàn tỉnh có 245 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung và khoảng 148.627 công trình cấp nước nhỏ lẻ, phân tán khác cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 90% cư dân nông thôn, trong đó có 27,0% được sử dụng nước sạch. Và con số này sẽ tăng tỷ lệ lên 91,5% dân số nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh, trong đó có 32,5% đạt tiêu chuẩn nước sạch theo quy định của Bộ Y tế ngay trong năm 2021.
Từ đó góp phần vào công tác xóa đói, giảm nghèo đạt được những thành tựu to lớn, bộ mặt mới cho kinh tế nông thôn, nông nghiệp chuyển dịch theo hướng chuyên sâu và bước đầu có những chuyển biến rõ nét. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng ngành Nông nghiệp Lâm Đồng 5 năm qua bình quân duy trì đạt 5,03% và chiếm khoảng 45,7% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh; giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích tăng 146 triệu đồng năm 2015 lên 190 triệu đồng/ha/năm theo kế hoạch năm 2021; GRDP bình quân đầu người toàn tỉnh trong 5 năm tăng từ 45,6 triệu đồng lên trên 71 triệu đồng tính đến cuối năm 2020; trong đó thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn từ 17,9 triệu đồng lên trên 40 triệu đồng.
Tiếp tục đầu tư hạ tầng nông nghiệp, nông thôn
Nhìn chung, những năm qua, với sự hỗ trợ của Trung ương, sự lãnh chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, chũng như sự chung sức của các tổ chức, doanh nghiệp và đóng góp của nhân dân, hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp nông thôn đã được quan tâm đầu tư theo hướng đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức sản xuất của ngành Nông nghiệp. Nhiều dự án, công trình trọng điểm, tại các vùng sản xuất tập trung đã được quan tâm đầu tư, góp phần thay đổi bộ mặt hạ tầng sản xuất nông nghiệp và nông thôn Lâm Đồng.
Các kết quả đó là: Kết cấu hạ tầng phục vụ thiết thực cho sản xuất kinh tế xã hội được tăng cường, nhất là thủy lợi, giao thông, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, từng bước thay đổi bộ mặt của nông thôn mới và cuộc sống của người dân; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày một nâng lên. Kinh tế nông nghiệp có sự tăng trưởng ổn định, công nghiệp và dịch vụ nông thôn phát triển nhanh và đa dạng; ngành Nông nghiệp tiếp tục phát triển mạnh mẽ theo hướng tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả.
Không dừng lại ở các kết quả nêu trên, trong thời gian tới, Lâm Đồng sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung, xây dựng mới các quy hoạch của ngành theo mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và thủy lợi với yêu cầu cơ bản đặt trong mối liên hệ xem xét đến tác động biến đổi khí hậu, gắn chặt giữa các lĩnh vực của ngành như: cấp nước tưới cho các cây trồng cạn, cấp nước cho vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Tiếp tục đầu tư thực hiện các công trình, dự án dở dang, chuyển tiếp từ giai đoạn 2016 - 2020 sang giai đoạn 2021 - 2025 với việc tranh thủ các nguồn lực để đảm bảo triển khai một số dự án theo đúng kế hoạch; đồng thời tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng 12 vùng nông nghiệp công nghệ cao trong 19 vùng đã được quy hoạch, đầu tư.
Đặc biệt, tỉnh sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực, khuyến khích các thành phần kinh tế, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn; giữ vững và nâng cao chất lượng xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới; tập trung phát triển sản xuất, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đổi mới quan hệ sản xuất ở nông thôn tạo động lực để xây dựng nông thôn mới; phát triển các mô hình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, có cơ sở hạ tầng phát triển, phục vụ sản xuất và đời sống, có môi trường sinh thái nông thôn bền vững...
(CÒN NỮA)