Nghị quyết 06 - tạo lập sự phát triển (bài cuối)
TIN LIÊN QUAN
Nghị quyết 06 - tạo lập sự phát triển
Nghị quyết 06 - tạo lập sự phát triển (bài 2)
Nghị quyết 06 - tạo lập sự phát triển (bài 3)
Bài cuối: Giải pháp cho giai đoạn tới
Có thể khẳng định rằng, đến nay hệ thống kết cấu hạ tầng - kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục đạt được những kết quả đáng kể trên nhiều mặt, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị và hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; từ đó, tạo điều kiện đảm bảo cho sự phát triển ổn định, góp phần phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội mà kế hoạch của UBND tỉnh và nghị quyết Đảng bộ đề ra trong giai đoạn vừa qua. Tuy nhiên, ngoài những kết quả đạt được cũng cần chỉ ra các hạn chế để tìm kiếm giải pháp cho những năm tới đây.
Còn đó khó khăn vốn đầu tư
Như các nội dung mà chúng tôi tường thuật ở những bài trước, có thể khái quát các kết quả đạt được đã mang lại hệ thống hạ tầng kỹ thuật tương đối đồng bộ, tạo lập sự phát triển kinh tế, xã hội Lâm Đồng trong những năm qua và những năm tiếp theo. Đấy là hạ tầng giao thông vận tải của tỉnh tiếp tục có bước chuyển biến hết sức rõ nét, nhiều công trình lớn, hiện đại được đưa vào khai thác, đảm bảo việc tăng cường kết nối hạ tầng giao thông nội, ngoại tỉnh Lâm Đồng. Qua đó, hàng không tiếp tục được mở rộng, khai thác; năng lực và dịch vụ vận tải phát triển nhanh, đa dạng; tai nạn giao thông từng bước được kiềm chế... góp phần phục vụ sự phát triển trên địa bàn tỉnh. Hay việc thực hiện đầu tư công vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã có những đóng góp quan trọng trong sự phát triển kinh tế, xã hội, từng bước thay đổi bộ mặt của nông thôn mới. Và đến nay, hạ tầng đô thị của tỉnh cũng đã đạt được một số kết quả nhất định, góp phần chỉnh trang đô thị, nâng cao chất lượng sống của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế trên một số ngành, lĩnh vực điển hình như thương mại, dịch vụ...
Theo ước tính sơ bộ, trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng nguồn vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng trên tất cả các lĩnh vực khoảng trên 15.000 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông chiếm tỷ trọng lớn khoảng 5.500 tỷ đồng, tiếp đến là hạ tầng nông nghiệp nông thôn khoảng 4.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các dự án vốn ngoài ngân sách có 160 dự án hoàn thành đi vào hoạt động với số vốn thực hiện khoảng 13.372 tỷ đồng; 203 dự án chuyển tiếp dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025 với tổng số vốn đăng ký thực hiện khoảng 63.064 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trên thực tế, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh còn phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn của Nhà nước, nhiều công trình trọng điểm của tỉnh chậm triển khai do thiếu vốn, trong khi đó nguồn vốn huy động từ khu vực kinh tế tư nhân còn rất hạn chế. Vị trí địa lý của Lâm Đồng không thuận lợi, cách xa các trung tâm kinh tế lớn trong nước, đã vậy cơ sở hạ tầng giao thông đối ngoại của tỉnh chưa được hoàn thiện. Việc thu hút đầu tư các dự án chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, chưa thu hút được các nhà đầu tư thực sự có tiềm lực để triển khai các dự án lớn. Nhiều dự án triển khai chậm tiến độ do vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, đặc biệt trong điều kiện giá đất tại nhiều khu vực liên tục tăng cao thời gian qua...
Từ những khó khăn về vốn, mặt bằng... đã ảnh hưởng không nhỏ đến đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh. Chẳng hạn, hạ tầng giao thông tuy đã được cải thiện nhưng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển cao hơn; còn hạ tầng kỹ thuật đô thị đòi hỏi nguồn vốn lớn, do vậy mặc dù đã được quy hoạch đồng bộ nhưng do thiếu vốn đầu tư nên ảnh hưởng đến việc thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch mà tỉnh đề ra. Cuối cùng hạ tầng nông nghiệp và nông thôn có sự cải thiện đáng kể nhưng vẫn còn thiếu sự đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu trong phát triển sản xuất...
Đâu là giải pháp
Với những khó khăn, tồn tại nêu trên, dự thảo báo cáo “Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 11/11/2016 của Tỉnh ủy về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025” đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp cho giai đoạn tiếp theo. Đó là, tăng cường công tác quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng trong việc thực hiện quy hoạch được duyệt; đồng thời tiến hành việc rà soát, đánh giá các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực trên địa bàn toàn tỉnh, từ đó kịp thời điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh của Lâm Đồng. Cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách khuyến khích và thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương đề xuất Thủ tướng Chính phủ ưu tiên bố trí vốn cho những dự án, công trình trọng điểm, cấp bách của tỉnh. Đẩy mạnh thực hiện chủ trương “Nhân dân làm công trình, Nhà nước hỗ trợ vật tư”; tiếp tục hoàn thiện cơ chế phù hợp về mức vốn đối ứng, mức đóng góp của các đơn vị tổ chức và Nhân dân cùng tham gia phát triển đường giao thông nông thôn, song song với việc thu hút đầu tư bằng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi cho đầu tư kết cấu hạ tầng. Tiếp tục thu hút mạnh các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, bảo đảm lợi ích thỏa đáng của nhà đầu tư. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI), tiếp tục tranh thủ các nguồn vốn ODA từ các tổ chức quốc tế, quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, tổ chức triển khai đạt hiệu quả Nghị quyết số 67/NQ-CP ngày 25/5/2018 của Chính phủ “Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) của tỉnh Lâm Đồng” nhằm đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ là một trong 4 khâu đột phá mà tỉnh đã vạch ra..