Nghị quyết 57: Cú hích chính sách mở đường cho công nghệ lõi Việt Nam phát triển
Nghị quyết 57 đã tạo ra cú hích mạnh mẽ để các doanh nghiệp Việt Nam nhập cuộc sâu hơn vào cuộc chơi công nghệ lõi, từng bước chinh phục mục tiêu tự chủ công nghệ.

Qua 6 tháng triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW, hệ sinh thái khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo của Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ với 858 doanh nghiệp khoa học - công nghệ, 45 doanh nghiệp công nghệ cao và trên 73.000 doanh nghiệp công nghệ số đang hoạt động.
Một điểm nổi bật trong 6 tháng đầu năm là sự đồng hành, tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp công nghệ lớn trong nước. Đây là nét mới cho thấy Nghị quyết số 57-NQ/TW thực sự lan tỏa ra xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, tạo thành một phong trào xã hội rộng lớn, tạo thêm nguồn lực và động lực triển khai hiệu quả các nhiệm vụ.
Nghị quyết 57 đã thắp lên "ngọn lửa" khát vọng làm chủ công nghệ tại Việt Nam. Tinh thần "tự chủ, tiên phong, bứt phá" được chuyển hóa thành các chương trình đầu tư bài bản, nghiên cứu chiều sâu và các sản phẩm công nghệ cụ thể. Không còn dừng ở việc "ứng dụng công nghệ có sẵn", một số doanh nghiệp đã tiến đến giai đoạn "làm chủ công nghệ cốt lõi" - điều từng là rào cản lớn của doanh nghiệp Việt trong nhiều thập niên.

CT Group cho ra mắt con chip ADC đầu tiên do người Việt tự phát triển. (Ảnh: CT Group)
Trong đó, CT Group được đánh giá là một trong những tập đoàn tiên phong, đi đầu trong việc hiện thực hóa tinh thần Nghị quyết 57 bằng hành động cụ thể. Tại Lễ Sơ kết 6 tháng triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW, doanh nghiệp này đã 'trình làng' con chip ADC đầu tiên do người Việt tự phát triển. Điều đặc biệt, con chip này chỉ mất 6 tháng để hoàn thiện - một kỷ lục, mở đường cho ứng dụng trong quốc phòng, AI, UAV và thiết bị thông minh.
Đây là bước đi chiến lược trong hành trình tự chủ công nghệ lõi. Theo đó, tập đoàn đang triển khai hệ thống trung tâm thiết kế chip (chip design house) tập trung vào nghiên cứu và phát triển chip AI, IoT và các dòng chip ứng dụng trong các lĩnh vực mũi nhọn như UAV, quốc phòng, 5G/6G, cảm biến...
"Lần đầu tiên ra mắt bản thiết kế chip ADC, là một con chip rất là quan trọng đối với Việt Nam trong tinh thần của Nghị quyết 57. Thường thì con chip này phải mất 2 năm mới làm xong, nhưng chúng tôi đã bám trụ, rút xuống chỉ còn 6 tháng để kịp tinh thần Nghị quyết 57. Đó chính là sức mạnh của Nghị quyết 57 đã làm cho mọi người rất máu lửa," ông Trần Kim Chung - Chủ tịch Tập đoàn CT Group cho biết.
Theo các chuyên gia, sản phẩm này không chỉ khẳng định năng lực R&D nội địa mà còn mở ra kỳ vọng lớn về việc hình thành một chuỗi giá trị công nghệ cao "Make in Vietnam", nơi doanh nghiệp Việt không chỉ là người tiêu dùng mà là nhà phát minh, nhà sản xuất, nhà cung ứng toàn cầu.
Cùng với đó, Tập đoàn đã đưa 6 nhóm ngành công nghệ chiến lược vào danh mục sản phẩm quốc gia: bán dẫn, viễn thông 6G, UAV, liệu pháp Gen và tế bào, kinh tế không gian cận biên và chuyển đổi số. Dự án Digital Twin 15 cung cấp trục dữ liệu lớn nhất cho Trung tâm Dữ liệu quốc gia, hoàn thiện hạ tầng số, nâng cao năng lực quản trị và giám sát.
Đặc biệt, CT Group kiên định chiến lược tự cường làm chủ 9 ngành công nghệ lõi 4.0: Bán dẫn; Trí tuệ nhân tạo; UAV; Tiền số xanh; Sàn tín chỉ carbon; Nhà xếp không phát thải; Ô tô điện - Tàu điện; Máy tính lượng tử; Năng lượng mới và Gen & Tế bào. Đây là định hướng dài hạn, khẳng định tầm nhìn chiến lược và quyết tâm dẫn đầu công nghệ, góp phần nâng tầm vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn đẩy mạnh hợp tác quốc tế, kết nối đối tác từ Mỹ, Đài Loan, Trung Quốc, Indonesia và nhiều quốc gia tiên tiến, thực hiện chuyển giao công nghệ phù hợp điều kiện Việt Nam, hiện thực hóa khát vọng làm chủ công nghệ.

Ảnh minh họa. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Một doanh nghiệp khác là Viettel đã luôn xác định, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ là cốt lõi, là sự phát triển lâu dài và bền vững.
Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tào Đức Thắng chia sẻ Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, với trọng tâm là thúc đẩy đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, chắc chắn sẽ tiếp tục tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của Tập đoàn Viettel. "Chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ nghị quyết và xác định rằng, Viettel có vai trò chủ lực và trách nhiệm tiên phong trong việc hiện thực hóa các nội dung của Nghị quyết 57."
Với vai trò là doanh nghiệp quốc phòng - an ninh, Viettel luôn sẵn sàng đóng góp vào việc xây dựng năng lực quốc phòng công nghệ cao, không chỉ đáp ứng nhu cầu an ninh quốc gia, mà còn tạo động lực cho sự phát triển của ngành công nghiệp trong nước. Theo đó, Viettel tập trung nguồn lực để phát triển các công nghệ hiện đại, làm chủ công nghệ lõi trong nhiều lĩnh vực như viễn thông, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) và mạng di động thế hệ mới (5G 6G). Viettel cũng cam kết nỗ lực xây dựng các hạ tầng số và nền tảng công nghệ để hỗ trợ Chính phủ, doanh nghiệp và người dân chuyển đổi số một cách hiệu quả.
Trong quá trình triển khai các nội dung của Nghị quyết 57-NQ/TW vào thực tế, các doanh nghiệp công nghệ chủ chốt như VNPT được xác định là đơn vị "lĩnh ấn tiên phong" và đóng vai trò vô cùng quan trọng hiện thực hóa các mục tiêu của Nghị quyết. Để hoàn thành sứ mệnh của mình, Tập đoàn VNPT đã tập trung vào thực hiện ba nhiệm vụ ưu tiên chủ chốt một cách đồng bộ và kiên quyết:
Đầu tiên, VNPT đã tăng cường đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), ưu tiên đầu tư vào các công nghệ chiến lược như: Trí tuệ nhân tạo (AI), Mạng di động thế hệ mới (5G/6G).

Ảnh minh họa. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Song song với đó là phát triển hạ tầng số và các nền tảng công nghệ số quốc gia. VNPT đang triển khai xây dựng hạ tầng số hiện đại, bao gồm: Trung tâm dữ liệu (Data Center), Mạng 5G thương mại, VNPT Cloud, Trung tâm điều hành thông minh (IOC), Bản đồ số quốc gia 3D và mô phỏng không gian đô thị. VNPT cũng xác định nhân lực là yếu tố then chốt để thực hiện Nghị quyết 57 NQ TW của Bộ Chính trị. Tập đoàn hiện đang triển khai phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua các chương trình đào tạo chuyên sâu, hợp tác với các trường đại học lớn và thu hút nhân tài quốc tế.
Không phải ngẫu nhiên mà Nghị quyết 57 nhiều lần nhấn mạnh cụm từ "tự chủ công nghệ." Trong bối cảnh địa chính trị công nghệ toàn cầu ngày càng phức tạp, khả năng làm chủ và phát triển công nghệ lõi là thước đo trực tiếp cho sức cạnh tranh quốc gia và an ninh kinh tế.
Với khối doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ, "tự chủ công nghệ" không chỉ là mục tiêu mang tính vĩ mô mà còn là yếu tố sống còn trong việc duy trì năng lực cạnh tranh. Việc lệ thuộc vào công nghệ nước ngoài không chỉ khiến doanh nghiệp chịu rủi ro về chuỗi cung ứng, chi phí mà còn bị động trong sáng tạo sản phẩm và mở rộng thị trường.
Nghị quyết 57 với định hướng rõ ràng, tầm nhìn dài hạn đã trở thành "kim chỉ nam" giúp các doanh nghiệp Việt mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực đòi hỏi nguồn lực lớn, rủi ro cao nhưng tiềm năng đột phá lớn.
Chặng đường chinh phục công nghệ lõi và giấc mơ tự chủ công nghệ của Việt Nam vẫn còn dài và đầy thách thức. Nhưng Nghị quyết 57 đã làm được điều quan trọng nhất: tạo ra cú hích để các doanh nghiệp nội địa thay đổi tư duy, mạnh dạn đầu tư, dấn thân và tin vào nội lực.
Những thành quả ban đầu như sự vào cuộc của các doanh nghiệp công nghệ số, sự gia tăng nhanh chóng của các doanh nghiệp khoa học công nghệ, sự hình thành hệ sinh thái R&D nội địa... chính là tiền đề để Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên mới./.