Cần đổi mới tư duy cách làm nghiên cứu khoa học
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, ngoài vấn đề chuyên môn, các giảng viên, nhà khoa học cần đổi mới tư duy cách làm nghiên cứu khoa học.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc.
Chiều 4/7, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng làm việc với Đại học Bách khoa Hà Nội về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Đổi mới tư duy, cách làm
Báo cáo tại buổi làm việc, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng – Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay, nhà trường đã hoàn thành tái cấu trúc tổ chức bộ máy theo mô hình đại học của các nước tiên tiến. Đề án tự chủ giai đoạn 2024 – 2030 đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt.
Đặc biệt, Thủ tướng đã ký Quyết định số 663/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển Đại học Bách khoa Hà Nội thuộc nhóm cơ sở giáo dục đại học hàng đầu Châu Á. Mục tiêu là phát triển Đại học Bách khoa Hà Nội thành cơ sở giáo dục đại học hiện đại, thuộc nhóm hàng đầu châu Á trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ.
Đề án cũng đặt mục tiêu phát triển Đại học Bách khoa là trung tâm xuất sắc về đào tạo, phát triển tài năng, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và giữ vai trò dẫn dắt trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam ở các ngành phục vụ phát triển công nghệ, công nghiệp chiến lược.
PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng nhìn nhận, Luật Khoa học Công nghệ và đổi mới sáng tạo được Quốc hội thông qua là điểm tựa về thể chế quan trọng đối với các tổ chức khoa học công nghệ và nhà khoa học. Đây là bộ Luật tiếp cận theo quan điểm mới, tháo gỡ nhiều điểm nghẽn lớn trong hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ. Đây cũng là cơ hội để Đại học Bách khoa Hà Nội thúc đẩy các mục tiêu chiến lược giải phóng năng lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong thời gian tới.

PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng – Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội báo cáo tại buổi làm việc.
Đại học Bách khoa Hà Nội quy tụ lực lượng nhà khoa học có chuyên ngành thuộc hầu hết các lĩnh vực công nghiệp cốt lõi. PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng cho hay, nhà trường có 75% giảng viên là tiến sĩ, chủ yếu học tập các nước tiến tiến. “Chúng tôi có hệ sinh thái nghiên cứu và đổi mới sáng tạo mạnh nhất trong lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, với mạng lưới cựu sinh viên, quỹ khởi nghiệp sinh viên BK Fund, mạng lưới doanh nghiệp đối tác là các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước. Ngoài ra, chúng tôi có mạng lưới hợp tác quốc tế, với hơn 300 đầu mối các trường đại học, viện cứu quốc tế” - PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng chia sẻ.
Nhấn mạnh, buổi làm việc là cơ hội để các nhà khoa nêu vấn đề còn băn khoăn và được Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng trao đổi trực tiếp, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn tin tưởng, sau đối thoại, sẽ có tác động đến tư duy, cách làm mới cho nhà khoa học, nhất là trên phương diện chính sách khoa học công nghệ.
“Qua đó đặt ra vấn đề cho các nhà khoa học sẽ làm gì ngoài công tác chuyên môn thuần túy, chẳng hạn như kỹ năng maketting để thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ” – Bộ trưởng gợi mở, đồng thời cho rằng, ngoài vấn đề chuyên môn, các giảng viên, nhà khoa học cần đổi mới tư duy cách làm nghiên cứu khoa học, tư duy để làm được việc lớn nhằm đạt hiệu quả cao nhất.
Bộ GD&ĐT sẽ làm mới cách xác định, giao nhiệm vụ và quản lý điều hành. Bên cạnh sửa một số thông tư, Bộ sẽ tham mưu Chính phủ sửa một số văn bản để bắt nhịp với “luật chơi” mới được quy định trong Luật Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo vừa được Quốc hội thông qua.

Sinh viên ngành Vật lý kỹ thuật, Đại học Bách khoa Hà Nội làm thí nghiệm với quả cầu tích phân - dùng trong phân tích quang phổ của các nguồn sáng. Ảnh: HUST.
Theo Bộ trưởng, Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và Luật Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo là cơ hội quý cho các cơ sở giáo dục đại học. Nói là phát triển khoa học công nghệ nhưng đối tượng thụ hưởng là các trường đại học, đội ngũ chuyên gia.
Trong các cơ sở giáo dục đại học, thì khối các trường khoa học, kỹ thuật sẽ được hưởng lợi. Nếu chúng ta không chớp cơ hội, khai thác lợi thế này sẽ có lỗi chung, không phải lỗi của một vài người.
Nhiệm vụ về khoa học công nghệ đặt ra nhiều thách thức, với nhiều nhóm nhiệm vụ chiến lược. Bộ trưởng đặt vấn đề, chúng ta có thể tham gia được những nhiệm vụ nào và có thể đồng hành với phát triển đất nước hay không? Nếu không nắm lấy cơ hội này, các trường đại học, viện nghiên cứu nước ngoài họ sẽ nắm bắt.

Sinh viên ngành Vật lý kỹ thuật, Đại học Bách khoa Hà Nội làm thí nghiệm với hệ đo đặc tính đèn LED. Ảnh: HUST.
Cần tính đến đầu tư hạ tầng cơ sở
Trong nghiên cứu khoa học, công nghệ, hiệu quả, chất lượng sản phẩm là yếu tố hàng đầu nhưng không phải duy nhất. Bộ trưởng dẫn ví dụ, với ngành Giáo dục, các nhiệm vụ khoa học công nghệ vừa phục vụ phát triển kinh tế, đất nước nhưng còn có nhiệm vụ phát triển đội ngũ, đào tạo nhân lực.
Từ thực tiễn, Bộ trưởng cho rằng, “đầu bài” là vấn đề quan trọng. Nếu có đầu bài tốt, chúng ta sẽ tìm được cách để thu hút nhân lực. Ngoài ra, yếu tố cơ sở hạ tầng, thiết bị cũng đóng vai trò quan trọng. Chúng ta cần tiếp tục xây dựng cơ chế “3 nhà”: Nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp. Do đó, trong khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, cần sự vào cuộc từ đầu của cả “3 nhà” chứ không chỉ 1 nhà.
Hiện, Bộ GD&DT đang trình Bộ Chính trị Nghị quyết về hiện đại hóa, đột phá để phát triển giáo dục và đào tạo; trong đó có mục tiêu hiện đại hóa các trường đại học, có ưu tiên trọng tâm, trọng điểm 5 trường khối công nghệ, kỹ thuật.
Bộ trưởng nhấn mạnh, muốn nói gì thì nói, cần tính đến đầu tư hạ tầng cơ sở. Theo đó, các trường cần hiện đại hóa hạ tầng, thiếu nhân sự thì có thể bổ sung nhưng không có hạ tầng sẽ khó thu hút người giỏi. Khi có hạ tầng sẽ có người làm việc và có hạ tầng, “đầu bài” mới giải được.
Do vậy, Bộ trưởng cho rằng, 3 khâu: Hạ tầng, nhân lực, “đầu bài đặt hàng” là những yếu tố cần tính đến và phải có giải pháp tính tổng thể. Ở các cơ sở giáo dục đại học, hạ tầng, phòng thí nghiệm không chỉ là phục cho nghiên cứu khoa học công nghệ, mà còn phục vụ nhiệm vụ đào tạo.
Với chính sách mới, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích lớn trong khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Trên tinh thần đó, chúng ta cùng tư duy mô hình phát triển đại học mới như Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đạo: Sớm triển khai và hoàn thiện mô hình các đại học công nghệ thế hệ mới; trong đó có tính đến sự tham gia của doanh nghiệp ngay từ đầu.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng trao đổi với các giảng viên, nhà khoa học.
Nhấn mạnh, Luật Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo có nhiều điểm mới; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, nghiên cứu khoa học cơ bản sẽ chuyển về các trường đại học. Theo đó, các trung tâm nghiên cứu khoa học cơ bản, đổi mới sáng tạo sẽ được phát triển trong các trường đại học. Đây là sự chuyển đổi nhanh nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đồng thời là lời giải cho bài toán về thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ và hợp tác “3 nhà”.
Khi giao cho các trường, các đơn vị, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ đánh giá hiệu quả tổng thể, không đánh giá theo từng đề tài. Chẳng hạn, khi giao 5 đề tài cho đơn vị A, Bộ sẽ đánh giá kết quả, hiệu quả dựa trên 5 đề tài này, không đánh giá theo từng đề tài riêng lẻ.
Giả sử, trong 5 đề tài, nếu có 2 đề tài chưa đạt kết quả như kế hoạch đề ra thì 3 đề tài còn lại sẽ phải “cõng” cho 2 đề tài này để bảo đảm kết quả, hiệu quả chung. “Vấn đề chấp nhận rủi ro nằm ở yếu tố này” – Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho hay, năm nay và sang năm 2026, tỉ lệ chi cho khoa học, công nghệ sẽ cao hơn, có thể nâng lên khoảng 30%. Ngoài ngân sách nghiên cứu, sẽ có ngân sách đầu tư cơ sở hạ tầng, phòng thí nghiệm….

Nhà khoa học đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã trao đổi, giải đáp nhiều câu hỏi của các nhà khoa học, giảng viên về cơ chế, chính sách liên quan đến khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và một số quy định của Luật Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo sẽ có hiệu lực từ ngày 1/10/2025.