Nghị quyết 66 đột phá, thể chế hóa nội dung xây dựng pháp luật
Ngày 30/4/2025 vừa qua, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Bên hành lang Quốc hội, phóng viên báo Tin tức và Dân tộc đã ghi nhận nhiều ý kiến của Đại biểu Quốc hội về Nghị quyết này.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Đại biểu Quốc hội - ĐBQH TP Hà Nội): Nghị quyết 66 làm thay đổi tư tưởng trong xây dựng pháp luật
Tại Kỳ họp này khối lượng Luật đưa ra thảo luận, sửa đổi lớn, nếu không có quan điểm, không có đường hướng, không thể hoàn thành nội dung chương trình xây dựng luật pháp trong kỳ họp.
Nghị quyết số 66-NQ/TW làm thay đổi tư tưởng trong xây dựng pháp luật. Tinh thần của Nghị quyết 66 chỉ ra là những vấn đề xây dựng luật pháp mang nguyên tắc chung, nhất quán. Những vấn đề chi tiết, cụ thể sẽ không đưa vào luật, với tinh thần luật khi đưa ra, các cơ quan được giao thực thi, thậm chí, cán bộ, công chức sẽ dựa vào nguyên tắc của luật để thực hiện. Vì vậy, các địa phương, cơ quan phải năng động, sáng tạo trong cách thức hành động, đảm bảo phù hợp nhất để đạt được kết quả như mong đợi.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội).
Với tư duy của luật pháp hiện nay, sau khi các dự án luật được thông qua, sau này các cán bộ, công chức, cơ quan có chức trách giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp sẽ không thể vin cớ "vướng luật". Từ đó thúc đẩy cán bộ, viên chức có năng lực, dám nghĩ, dám làm.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn ĐBQH Hòa Bình): Xây dựng các dự án luật và pháp luật nhanh, nhưng phải đảm bảo chất lượng
Nghị quyết 66 ra đời trong bối cảnh tình hình đất nước đang có nhiều thay đổi, trong đó việc thực hiện xây dựng pháp luật và thực thi pháp luật đã được Đảng, Nhà nước quan tâm coi trọng. Đây là một trong những mục tiêu đột phá thời gian tới, nhằm thể chế hóa nội dung liên quan đến công tác xây dựng pháp luật, đòi hỏi hệ thống chính trị vào cuộc tích cực, nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, tạo được điểm nhấn.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn ĐBQH Hòa Bình).
Công tác làm luật hiện nay đã có sức lan tỏa, góp phần đưa những nội dung, văn bản trong công tác xây dựng pháp luật ngày càng được nâng cao chất lượng, hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, tháo gỡ rào cản, vướng mắc, bất cập, khó khăn liên quan đến thể chế. Đây là những điều Bộ Chính trị, Ban Bí thư coi trọng, đặt ra yêu cầu lớn trong bối cảnh đổi mới hiện nay. Đây cũng là tiền đề, hành lang pháp lý quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đổi mới tư duy xây dựng pháp luật trong hệ thống chính trị.
Trên cơ sở nội dung kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ và Quốc hội kịp thời thể chế những nội dung ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, công tác xây dựng luật, sửa đổi luật, sửa đổi Hiến pháp hướng tới tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; đồng thời, Chính phủ, Quốc hội đã kịp thời chuẩn bị nhiều văn bản, dự thảo luật.
Đặc biệt tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc sửa đổi Hiến pháp, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và nhiều luật khác liên quan đến tổ chức bộ máy đã được sửa đổi, xem xét, đảm bảo đáp ứng được yêu cầu thực tiễn hiện nay và khi các đại biểu Quốc hội nhấn nút thông qua các dự án luật sẽ có hiệu lực ngay.
Đại biểu Bùi Hoài Sơn (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội): Nghị quyết 66 tháo gỡ "điểm nghẽn" thể chế

Đại biểu Bùi Hoài Sơn (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội).
Nghị quyết 66 sẽ thể chế hóa chính sách thành các cơ chế luật pháp, những kế hoạch hành động cụ thể, khắc phục được điểm nghẽn, tạo điều kiện để những quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước nhanh chóng đi vào cuộc sống, thích nghi với thực tiễn.
Nghị quyết số 66-NQ/TW đề ra 7 nhiệm vụ, giải pháp lớn. Cụ thể là: Bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật, phát huy cao độ tính Đảng trong xây dựng và thi hành pháp luật. Đổi mới tư duy, định hướng xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực phát triển. Tạo đột phá trong công tác thi hành pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực và hiệu quả; gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng và thi hành pháp luật. Nâng cao hiệu quả công tác hợp tác quốc tế, pháp luật quốc tế. Xây dựng giải pháp đột phá nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật. Tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Thực hiện cơ chế tài chính đặc biệt cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật.