Nghị quyết 66-NQ/TW: Bước đột phá chiến lược trong công tác thi hành pháp luật
Nghị quyết 66-NQ/TW sẽ tạo hành lang pháp lý vững chắc để huy động mọi nguồn lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm quyền con người, quyền công dân.

Luật sư Nguyễn Hồng Thái: "Nghị quyết 66-NQ/TW coi trọng vai trò của người dân và doanh nghiệp, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của họ làm trung tâm trong quá trình xây dựng và thi hành pháp luật". Ảnh: Thái An
Chú trọng đến hiệu quả thực thi
Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị, ban hành ngày 30/4/2025, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật tại Việt Nam, xác định đây là “đột phá của đột phá” trong hoàn thiện thể chế phát triển đất nước trong Kỷ nguyên mới.
Theo luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, Nghị quyết 66 -NQ/TW đặt ra mục tiêu tổng quát cao về chất lượng và hiệu quả của hệ thống pháp luật, không chỉ dừng lại ở việc ban hành mà còn chú trọng đến hiệu quả thực thi.
Nghị quyết nêu rõ 5 quan điểm chỉ đạo quan trọng, trong đó nhấn mạnh: bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật; xây dựng pháp luật phải bám sát thực tiễn, “đứng trên mảnh đất thực tiễn của Việt Nam”, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa của nhân loại. Cùng với đó gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng và thi hành pháp luật, nâng cao hiệu quả thực thi, xây dựng văn hóa tuân thủ, bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; đầu tư cho công tác xây dựng chính sách, pháp luật là đầu tư cho phát triển, với cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội.
“Những cải cách về thể chế phải đặt trong mối quan hệ với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, từ đó tạo ra “dư địa thể chế” để xây dựng một hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch và khả thi, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong Kỷ nguyên mới”, luật sư Nguyễn Hồng Thái cho biết.
Theo luật sư Nguyễn Hồng Thái, một trong những điểm nhấn nổi bật của Nghị quyết 66-NQ/TW là việc khẳng định rõ vai trò trung tâm của Nhân dân trong quá trình xây dựng và vận hành Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực Nhà nước, đồng thời là người trực tiếp thụ hưởng các thành quả phát triển. Theo đó, Nghị quyết nhấn mạnh việc “thể chế hóa đầy đủ, kịp thời quyền làm chủ của Nhân dân, bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp”, từ đó góp phần xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.
“Nghị quyết đặt mục tiêu đề cao việc “lắng nghe phản ánh, kiến nghị, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc về pháp lý của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, địa phương. Cùng với đó Nghị quyết coi trọng vai trò của người dân và doanh nghiệp, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của họ làm trung tâm trong quá trình xây dựng và thi hành pháp luật. Việc này giúp pháp luật có tính khả thi cao hơn, dễ đi vào cuộc sống và tăng cường sự đồng thuận xã hội, niềm tin vào pháp luật. Đồng thời, nó cũng là cơ chế hiệu quả để kiểm soát quyền lực, hạn chế “lợi ích nhóm” và các hành vi tiêu cực”, chuyên gia pháp lý cho biết.
Tạo hành lang pháp lý vững chắc
Để đáp ứng các yêu cầu của Nghị quyết, đặc biệt là việc đặt người dân làm trung tâm, luật sư Nguyễn Hồng Thái đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật: nghiên cứu, dự báo sâu sắc hơn để pháp luật phù hợp thực tiễn và có tầm nhìn dài hạn; mở rộng dân chủ trong lập pháp với quy trình lấy ý kiến thực chất, công khai, minh bạch. Kiểm soát chặt chẽ chất lượng dự thảo, kiên quyết không ban hành văn bản vướng mắc, chồng chéo; rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật định kỳ để kịp thời sửa đổi hoặc bãi bỏ quy định không phù hợp.
Các yêu cầu của Nghị quyết 66-NQ/TW cần bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, nâng cao vai trò gương mẫu của người đứng đầu, tăng cường kiểm tra, giám sát và thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật. Cùng với đó, xây dựng cơ chế, chính sách để thúc đẩy xây dựng khung pháp lý thử nghiệm có kiểm soát của các lĩnh vực kinh tế - xã hội áp dụng các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp, mô hình kinh doanh mới, tích hợp để có chính sách quản lý phát triển kịp thời và phù hợp nhằm thúc đẩy kinh tế số, sáng tạo và khởi nghiệp.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần nâng cao chất lượng công tác đánh giá tác động và phản biện chính sách pháp luật; thực hiện nghiêm việc đánh giá tác động kinh tế - xã hội trước khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội, hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp trong quá trình xây dựng pháp luật; tăng cường công tác tổ chức thi hành pháp luật và kỷ luật kỷ cương trong thực thi công vụ cũng là một giải pháp không thể xem nhẹ.
Cùng với đó, thúc đẩy và tăng cường hợp tác công - tư trong xây dựng và thi hành pháp luật như: thiết lập các diễn đàn đối thoại thường xuyên giữa Nhà nước và khu vực tư nhân; khuyến khích các doanh nghiệp tham gia góp ý, phản biện chính sách…
Đề cập đến mục tiêu “đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả, công khai, minh bạch trong thực thi pháp luật” trong Nghị quyết 66-NQ/TW, luật sư Nguyễn Hồng Thái cho rằng, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp số hóa, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật là xu thế tất yếu. Ứng dụng công nghệ số góp phần phục vụ đổi mới, hiện đại hóa công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm liên thông, dễ khai thác, dễ sử dụng, an toàn thông tin và bí mật Nhà nước; tạo điều kiện cho người dân dễ giám sát hoạt động của các cơ quan pháp luật.
Do đó, cần bố trí kịp thời, đủ kinh phí để xây dựng, triển khai ngay Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu lớn về pháp luật và Đề án ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác xây dựng, kiểm tra và rà soát văn bản quy phạm pháp luật; quản lý Nhà nước về công tác xây dựng pháp luật. Đồng thời, cần tăng cường ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số đồng bộ trong phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, đăng ký biện pháp bảo đảm; lồng ghép nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật vào phong trào “học tập số” nhằm đáp ứng yêu cầu về môi trường kinh doanh, minh bạch, tiết kiệm thời gian, kinh phí cho doanh nghiệp và người dân giải quyết các vấn đề pháp lý một cách nhanh chóng và hiệu quả.