Nghị quyết 68 hóa giải được '3 nỗi sợ' của doanh nghiệp tư nhân
Sau gần 40 năm đất nước đổi mới, khu vực kinh tế tư nhân đã từng bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, trở thành một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, kinh tế tư nhân vẫn đối mặt với nhiều rào cản kìm hãm sự phát triển, chưa bứt phá về quy mô và năng lực cạnh tranh. Phóng viên Thời báo Ngân hàng đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) xung quanh vấn đề này.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh
Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đã xác định đây là khu vực kinh tế có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước. Ông đánh giá như nào đối với vấn đề này?
Có thể khẳng định, đến nay, khu vực kinh tế tư nhân đã phát triển lớn mạnh vượt bậc vả về số lượng và chất lượng. Cụ thể, khu vực kinh tế tư nhân hiện có khoảng hơn 940 nghìn doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước và sử dụng khoảng 82% tổng số lao động vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, là lực lượng quan trọng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống xã hội. Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã phát triển lớn mạnh, khẳng định thương hiệu và vươn ra thị trường khu vực, thế giới.
Tuy nhiên trên thực tế, khu vực này vẫn đối mặt với nhiều rào cản kìm hãm sự phát triển, chưa bứt phá về quy mô và năng lực cạnh tranh, chưa đáp ứng được yêu cầu, kỳ vọng là lực lượng nòng cốt của kinh tế đất nước. Hầu hết doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa; tiềm lực tài chính và trình độ quản trị hạn chế. Phần lớn có năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo thấp; năng suất lao động, hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh chưa cao; tư duy kinh doanh thiếu tầm nhìn chiến lược, thiếu kết nối với các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng doanh nghiệp tư nhân vừa yếu, vừa chưa thực sự có năng lực cạnh tranh trong môi trường toàn cầu hóa?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên, nhưng chủ yếu là do tư duy, nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế còn chưa đầy đủ, chưa theo kịp yêu cầu phát triển; thể chế, pháp luật còn vướng mắc, bất cập; công tác lãnh đạo, chỉ đạo chưa được quan tâm đúng mức; quyền tài sản và quyền tự do kinh doanh chưa được bảo đảm đầy đủ. Kinh tế tư nhân còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại trong tiếp cận nguồn lực, đặc biệt là vốn, công nghệ, đất đai, tài nguyên và nhân lực chất lượng cao. Một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ chưa thực sự hiệu quả và khó tiếp cận; chi phí kinh doanh còn cao.
Hay nói cách khác trong nhiều năm qua, các doanh nghiệp tư nhân luôn canh cánh ba “nỗi sợ”. Trước tiên là sợ “ma trận” thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, kéo dài. Trong đó, có thể đơn cử khi những doanh nghiệp bất động sản muốn phát triển dự án, cung ứng sản phẩm nhà ở cho người dân phải mất trung bình từ 3-5 năm hoặc lâu hơn để thực hiện các thủ tục hành chính làm mất cơ hội đầu tư và làm cho thị trường thiếu nguồn cung nhà ở, lệch pha sản phẩm về phân khúc nhà ở cao cấp, thiếu nghiêm trọng nhà ở bình dân và đẩy giá nhà lên quá cao.
Nhiều năm qua, doanh nghiệp cũng rất “sợ” bị thanh tra, kiểm tra chồng chéo nhiều lần, mệt mỏi, như trường hợpmột số tại TP. Hồ Chí Minh tự bỏ tiền mua đất để làm dự án nhà ở xã hội, mặc dù không sử dụng vốn ngân sách, không ưu đãi tín dụng, nhưng liên tiếp bị Kiểm toán Nhà nước kiểm toán khi là doanh nghiệp tư nhân sử dụng đất, mà đất là tài sản công nên thuộc đối tượng kiểm toán.
Ngoài ra, trong quá trình làm ăn sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp tư nhân còn rất “sợ” bị vướng pháp luật hình sự bởi do tư duy, nhận thức suốt thời gian dài trước đây coi doanh nghiệp tư nhân là “con buôn”.
Nay, Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đã hóa giải được “3 nỗi sợ” trên đây của các doanh nghiệp tư nhân, mở ra “kỷ nguyên mới” và không gian mở để kinh tế tư nhân phát triển trở một động lực chính của nền kinh tế quốc gia. Với tinh thần này sẽ tạo điều kiện trong 10 -15 năm tới sẽ hình thành 10-15 tập đoàn kinh tế tư nhân “đại bàng”, “sếu đầu đàn” để dẫn dắt khu vực này phát triển đóng góp cho đất nước.
Nghị quyết 68 đề ra và đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới, việc đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức và hành động. Theo ông, thời gian tới các cơ quan quản lý nhà nước cần tập trung vào những giải phápgì để phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của kinh tế tư nhân?
Theo tôi, việc củng cố niềm tin, tạo khí thế và xung lực mới cho phát triển kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết và cấp bách. Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu rõ, cần tiếp tục cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, yêu cầu đưa môi trường đầu tư kinh doanh phấn đấu giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính; ít nhất 30% chi phí kinh doanh, đặc biệt là hải quan, chi phí tuân thủ quy định, chi phí không chính thức, bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết; phấn đấu trong vòng 2 - 3 năm môi trường đầu tư của Việt Nam nằm trong Top 3 của ASEAN.
Điều mà Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh và chỉ đạo đấu tranh, chấm dứt vấn nạn chi phí không chính thức cũng chính là vấn đề “đau đầu, nhức nhối” mà cộng đồng doanh nhân không dám nói ra. Đây là chi phí không có chuẩn, không có “định mức” mà doanh nghiệp “buộc phải chi, và chi không nhỏ”. Nhưng vì là chi phí không chính thức, nên không có chứng từ, không được công nhận nên chi phí này lại bị coi là lợi nhuận và phải chịu thêm 20% thuế thu nhập doanh nghiệp
Vì vậy, doanh nghiệp tư nhân mong muốn việc thể chế hóa Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị vào các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ ban hành có một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, công bằng.
Đồng thời, việc thực hiện cuộc cách mạng về sắp xếp bộ máy Nhà nước, sáp nhập nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, chuyển hẳn từ chính quyền quản lý sang chính quyền phục vụ người dân, doanh nghiệp và quyết định thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về cải cách triệt để thể chế pháp luật kỳvọng sẽ sớm đem lại “Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng”.