Nghị quyết 68 - 'Kỷ nguyên vàng' cho kinh tế tư nhân
Nghị quyết số 68-NQ/TƯ ngày 4-5-2025 của Bộ Chính trị về 'Phát triển kinh tế tư nhân' (Nghị quyết 68) đánh một dấu mốc lịch sử, không chỉ khẳng định vai trò mà còn trao trọn niềm tin, mở ra cơ hội chưa từng có cho kinh tế tư nhân vươn lên trở thành động lực quan trọng nhất của nền kinh tế Việt Nam.
Từ “thành phần" quan trọng đến “động lực quan trọng nhất”
Điểm mới nổi bật, mang tính đột phá sâu sắc của Nghị quyết 68 chính là sự thay đổi căn bản trong nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân.
Nếu trước đây, khu vực này thường được nhắc đến như một “thành phần” quan trọng, thì nay, Nghị quyết đã khẳng định một cách mạnh mẽ: Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế. Sự chuyển đổi mang tính bước ngoặt này không chỉ là sự thay đổi về mặt ngôn từ, mà còn là sự thay đổi sâu sắc trong tư duy chiến lược, thể hiện tầm nhìn xa trông rộng của Đảng và Nhà nước trong bối cảnh mới.
Sau gần 40 năm Đổi Mới, đặc biệt là giai đoạn đất nước mở cửa và hội nhập quốc tế sâu rộng, kinh tế tư nhân Việt Nam đã trỗi dậy mạnh mẽ. Từ chỗ chỉ là một thành phần kinh tế nhỏ bé, kinh tế tư nhân đã không ngừng lớn mạnh về số lượng, quy mô và chất lượng, đóng góp ngày càng lớn vào GDP, tạo công ăn việc làm và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Khu vực kinh tế tư nhân hiện có khoảng 940 nghìn doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách Nhà nước và sử dụng khoảng 82% tổng số lao động vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm...
Nghị quyết số 68-NQ/TƯ ngày 4-5-2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.
Kinh tế tư nhân đã cho thấy sự trưởng thành vượt bậc với những tên tuổi tiêu biểu như Vingroup, VinFast, FPT, Vietjet, Masan, Thaco, Hòa Phát, Trung Nguyên, Vinamilk, Sungroup, TH Group... Các tập đoàn, doanh nghiệp này không chỉ khẳng định vị thế vững chắc trên thị trường nội địa, mà còn mạnh dạn đầu tư, tham gia ngày càng sâu vào các lĩnh vực kinh tế then chốt như công nghiệp nặng, xây dựng, công nghệ, tài chính, hàng không, bán lẻ, nông nghiệp...
Các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam còn đi đầu trong việc ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo, tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mang hàm lượng trí tuệ cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường. Nhiều doanh nghiệp đã làm chủ được các quy trình sản xuất hiện đại, tự tin cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài. Không dừng lại ở đó, với khát vọng vươn ra biển lớn, các "ông lớn" tư nhân Việt Nam đã và đang từng bước định vị thương hiệu quốc gia trên bản đồ kinh tế thế giới. Những sản phẩm "Made in Vietnam" mang dấu ấn của doanh nghiệp tư nhân ngày càng xuất hiện nhiều hơn trên thị trường quốc tế, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Tuy nhiên, trên thực tế, khu vực này vẫn còn gặp không ít rào cản về cơ chế, chính sách, về sự cạnh tranh bình đẳng và tiếp cận nguồn lực. Do đó, kinh tế tư nhân “chưa bứt phá về quy mô và năng lực cạnh tranh, chưa đáp ứng được yêu cầu, kỳ vọng”.
Nghị quyết 68, bằng việc xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất, đã chính thức đặt khu vực này vào vị thế trung tâm của quá trình phát triển. Đây là sự ghi nhận xứng đáng cho những nỗ lực và đóng góp to lớn của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp tư nhân, đồng thời mở ra một chương mới, nơi mọi tiềm năng và khát vọng cống hiến của khu vực này được khơi dậy và phát huy tối đa.
Việc trao cơ hội lịch sử này không chỉ thể hiện sự tin tưởng tuyệt đối vào năng lực nội tại của kinh tế tư nhân, mà còn là một quyết sách chiến lược để tận dụng tối đa nguồn lực xã hội, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.

Các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đứng trước cơ hội lịch sử để vươn lên mạnh mẽ. Ảnh: N.H
Mục tiêu cụ thể, quyết tâm chính trị cao
Sự khác biệt mang tính then chốt của Nghị quyết 68 không chỉ nằm ở sự thay đổi trong nhận thức về vai trò của kinh tế tư nhân, mà còn thể hiện ở việc đưa ra những mục tiêu rất cụ thể, đi kèm với đó là quyết tâm chính trị rất cao, hoàn toàn phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
MỤC TIÊU ĐẾN NĂM 2030
>> Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia; là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số...
>> Phấn đấu có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, 20 doanh nghiệp hoạt động/nghìn dân. Có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
>> Tốc độ tăng trưởng bình quân của kinh tế tư nhân đạt khoảng 10-12%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; đóng góp khoảng 55-58% GDP, khoảng 35-40% tổng thu ngân sách Nhà nước, giải quyết việc làm cho khoảng 84-85% tổng số lao động; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 8,5-9,5%/năm.
>> Trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thuộc nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN và nhóm 5 nước đứng đầu khu vực châu Á.
Nghị quyết số 68-NQ/TƯ ngày 4-5-2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.
Nghị quyết không còn dừng lại ở những tuyên bố chung chung, mà đã lượng hóa các mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân một cách rõ ràng. Việc xác định các chỉ tiêu cụ thể này không chỉ tạo ra một khung tham chiếu rõ ràng cho việc hoạch định và thực thi chính sách, mà còn là thước đo để đánh giá hiệu quả và trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc thực hiện Nghị quyết.
Trong bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều biến động, việc Việt Nam thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ trong việc phát triển kinh tế tư nhân vừa là nhu cầu nội tại, vừa là một thông điệp mạnh mẽ gửi đến cộng đồng quốc tế về một Việt Nam năng động, đổi mới và đầy tiềm năng. Quyết tâm này sẽ tạo ra niềm tin vững chắc cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong nước, tạo đà cho Việt Nam vươn lên mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới.
Giải pháp đột phá
Chia sẻ tại hội thảo “Tháo gỡ bất cập chính sách để phát huy vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế Việt Nam” diễn ra tháng 3 vừa qua, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho biết, từ những năm 1980, Trung Quốc đã từng bước mở rộng vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế, song hành với cải cách thể chế, tài chính và công nghệ. Đặc biệt, từ Đại hội XIX (năm 2017) đến Đại hội XX (năm 2022), nước này tiếp tục khẳng định vai trò trung tâm của khu vực tư nhân, với chiến lược “vừa hỗ trợ vừa kiểm soát”. Chính phủ đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh minh bạch - ổn định, giảm rào cản pháp lý và chi phí không chính thức. Đặc biệt, doanh nghiệp tư nhân được tiếp cận tín dụng ưu đãi, giảm thuế - phí và khuyến khích đổi mới sáng tạo.
Năm 1978, Trung Quốc chỉ có 155.000 hộ kinh doanh; đến năm 2024, con số này đã tăng vọt lên hơn 55 triệu doanh nghiệp tư nhân và 124 triệu hộ kinh doanh cá thể. Hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân nước này đóng góp khoảng 60% GDP, 50% thu ngân sách và tạo ra 80% việc làm ở khu vực thành thị. Kinh tế tư nhân còn chiếm tới 92% số doanh nghiệp Trung Quốc, đóng góp hơn 70% sáng chế công nghệ cao và chiếm hơn 80% trong tổng số 14.600 “công ty khổng lồ nhỏ” - những doanh nghiệp công nghệ quy mô vừa có năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Kinh nghiệm thực tiễn từ Trung Quốc là minh chứng cho thấy sức mạnh của định hướng chiến lược đúng đắn. Với những quyết sách mang tính đột phá của Nghị quyết 68, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng và kỳ vọng vào một tương lai phát triển vượt bậc của kinh tế tư nhân, nhất là với 5 quan điểm chỉ đạo, 8 nhiệm vụ, giải pháp rất căn bản, có tính đột phá và bao trùm, thể hiện sự thấu hiểu sâu sắc những rào cản và nhu cầu phát triển của khu vực này.
Nổi bật, Nghị quyết nhấn mạnh việc tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế. Điều này bao gồm việc rà soát, sửa đổi và bãi bỏ các quy định pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân.
Đặc biệt, Nghị quyết tập trung vào việc bảo đảm quyền tài sản hợp pháp, quyền tự do kinh doanh thực chất, tạo sân chơi bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực (vốn, đất đai, công nghệ, thông tin) và cơ hội thị trường. Các giải pháp cụ thể như đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, nâng cao hiệu lực và hiệu quả của bộ máy nhà nước, tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình được đặc biệt chú trọng.
Một khi những giải pháp đột phá trong Nghị quyết 68 được triển khai một cách đồng bộ và hiệu quả, chắc chắn sẽ tạo ra luồng gió mới, khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng và sức sáng tạo của kinh tế tư nhân, đưa khu vực này thực sự trở thành động lực quan trọng nhất, đóng góp xứng đáng vào mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn tới.
Trong dòng chảy lịch sử phát triển đất nước, mỗi quyết sách lớn của Đảng và Nhà nước luôn mang trong mình sức mạnh định hướng, khơi nguồn động lực cho những bước tiến nhảy vọt. Nghị quyết 68 là một quyết sách lớn như vậy. Đây không chỉ là một văn kiện chính trị quan trọng, mà còn là một tuyên ngôn mạnh mẽ về sự tin tưởng và kỳ vọng của Đảng và Nhà nước đối với khu vực kinh tế tư nhân.
Với Nghị quyết 68, “kỷ nguyên vàng” cho kinh tế tư nhân Việt Nam chính thức bắt đầu.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/nghi-quyet-68-ky-nguyen-vang-cho-kinh-te-tu-nhan-701350.html