Nghị quyết 68/NQ-TW thúc đẩy doanh nghiệp gia nhập thị trường
Theo Bộ Tài chính, với tinh thần Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, tình hình đăng ký kinh doanh 6 tháng đầu năm đạt được nhiều kết quả tích cực.
Bức tranh doanh nghiệp khởi sắc
Chia sẻ tại cuộc họp báo thường kỳ quý II/2025 của Bộ Tài chính được tổ chức vào chiều 2/7, bà Trịnh Thị Hương - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể (Bộ Tài chính) cho biết, bối cảnh kinh tế thế giới thời gian qua gặp nhiều khó khăn, tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Bà Trịnh Thị Hương chia sẻ tại cuộc họp báo. Ảnh: Thanh Tuấn
Cùng với đó, tình hình trong nước, các địa phương tập trung chuẩn bị xây dựng chính quyền 2 cấp, tuy nhiên, sau gần 2 tháng triển khai theo tinh thần Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân và Nghị quyết số 198/2025/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân, tình hình đăng ký kinh doanh, gia nhập thị trường của doanh nghiệp được đánh giá tích cực.
Về con số cụ thể, bà Trịnh Thị Hương cho rằng: Tháng 6/2025, số doanh nghiệp thành lập mới lần đầu tiên đạt mức kỷ lục với hơn 24.000 doanh nghiệp, trong khi những tháng trước đây con số doanh nghiệp thành lập mới chỉ loanh quanh tầm trên 15.000 doanh nghiệp, chưa bao giờ đạt được 16.000 doanh nghiệp.
Bà Trịnh Thị Hương khẳng định: "Việc doanh nghiệp thành lập mới đạt trên 24.000 doanh nghiệp trong tháng 6/2025 đã cao gấp gần 2 lần giai đoạn 2021-2024".
Tính chung 6 tháng đầu năm 2026, số doanh nghiệp thành lập mới đạt 91.000 doanh nghiệp, cho thấy làn sóng khởi nghiệp hết sức mạnh mẽ. Cùng với đó, doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 6/2025 đạt trên 14.000 doanh nghiệp, tăng trên 91% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 6 tháng năm 2025 có trên 61.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng trên 57% so với cùng kỳ.
Đây là lần đầu tiên tổng số doanh nghiệp gia nhập thị trường và tái gia nhập thị trường cao hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường 1,2 lần, cho thấy niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh và triển vọng phục hồi của nền kinh tế đang được củng cố mạnh mẽ.
Đặc biệt, theo bà Trịnh Thị Hương, hộ kinh doanh thành lập mới của tháng 6/2025 cũng đạt mức tăng cao, trên 118% so với cùng kỳ năm 2024 và tăng trên 60% so với tháng trước. Con số này gấp 2,4 lần so với mức trung bình hàng tháng của những năm gần đây.
"Vốn bổ sung của các doanh nghiệp đang hoạt động cũng tăng ấn tượng so với cùng kỳ 2024, với mức tăng 170%, đây là các doanh nghiệp đang hoạt động, họ có trải nghiệm thực tế và có kế hoạch mở rộng quy mô vốn. Điều đó cho thấy, niềm tin và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp đang rất khả quan" - đại diện Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể khẳng định.
Với kết quả trên, bà Trịnh Thị Hương đánh giá, các chính sách phát triển kinh tế tư nhân của Đảng, Nhà nước đã bước đầu đi vào cuộc sống và khuyến khích được khu vực tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.

Nghị quyết 68-NQ/TW: Động lực cho khu vực tư nhân bứt phá. Ảnh minh họa
Nghị quyết 68-NQ/TW: Động lực cho khu vực tư nhân bứt phá
Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị nêu rõ, sau gần 40 năm đổi mới, kinh tế tư nhân nước ta đã từng bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, trở thành một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế.
Đặc biệt, với hơn 940 nghìn doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước và sử dụng khoảng 82% tổng số lao động vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, là lực lượng quan trọng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động…
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, khu vực kinh tế tư nhân vẫn có những “điểm nghẽn”, đối mặt với nhiều rào cản kìm hãm sự phát triển, chưa bứt phá về quy mô và năng lực cạnh tranh, chưa đáp ứng được yêu cầu, kỳ vọng là lực lượng nòng cốt của kinh tế đất nước.
Hầu hết doanh nghiệp tư nhân có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa; tiềm lực tài chính và trình độ quản trị hạn chế; phần lớn có năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo thấp; năng suất lao động, hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh chưa cao; tư duy kinh doanh thiếu tầm nhìn chiến lược, thiếu kết nối với các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên, nhưng chủ yếu là do tư duy, nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế còn chưa đầy đủ, chưa theo kịp yêu cầu phát triển; thể chế, pháp luật còn vướng mắc, bất cập; quyền tài sản và quyền tự do kinh doanh chưa được bảo đảm đầy đủ.
Kinh tế tư nhân còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại trong tiếp cận nguồn lực, đặc biệt là vốn, công nghệ, đất đai, tài nguyên và nhân lực chất lượng cao. Một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với kinh tế tư nhân chưa thực sự hiệu quả và khó tiếp cận; chi phí kinh doanh còn cao.
Trong bối cảnh đó, Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị đã được ban hành, giúp khơi thông điểm nghẽn để nguồn lực của nhân dân, doanh nghiệp thực sự bắt đầu đi vào nền kinh tế một cách mạnh mẽ hơn.
Cụ thể, Nghị quyết 68-NQ/TW đã công nhận và đặt vị thế, vai trò của kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế. Đây là sự thừa nhận và truyền cảm hứng cho doanh nghiệp, doanh nhân, cộng với đó là các cơ chế để tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển cũng đã được đưa ra với những cải cách rất mạnh mẽ từ môi trường kinh doanh, cơ chế để tạo nguồn vốn, huy động nguồn lực rồi phát triển nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp.
Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân được ban hành, giúp khơi thông điểm nghẽn để nguồn lực của nhân dân, doanh nghiệp thực sự bắt đầu đi vào nền kinh tế một cách mạnh mẽ hơn.