Nghị quyết 88: Bệ phóng cho kiểm toán hiện đại

Sau hơn 4 năm thực hiện Nghị quyết 88, Kiểm toán Nhà nước khẳng định vị thế là cơ quan kiểm toán công uy tín, đáp ứng yêu cầu của Đảng, Nhà nước, Nhân dân.

Kiểm toán nhà nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới với trọng tâm là hiện đại hóa hoạt động kiểm toán, góp phần nâng cao năng lực quản lý tài chính công, tài sản công, đáp ứng yêu cầu của Đảng, nhà nước và nhân dân. Đặc biệt là các chủ trương về đổi mới, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Để thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và yêu cầu phát triển đất nước, Đảng ủy Kiểm toán nhà nước nhiệm kỳ 2020-2025 đã ban hành Nghị quyết số 88-NQ/ĐU (Nghị quyết 88) ngày 19/2/2021 về “Lãnh đạo thực hiện Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2030”.

Hơn 4 thực hiện Nghị quyết 88, các cấp ủy trong toàn ngành đã chỉ đạo tổ chức hành chính cùng cấp chủ động triển khai xây dựng các kế hoạch hoạt động để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược, toàn ngành đã tích cực triển khai các hoạt động theo kế hoạch, đến nay đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ

Hoàn thiện cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của Kiểm toán

Đảng ủy Kiểm toán nhà nước xác định rõ việc lãnh đạo xây dựng văn bản không chỉ bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính khả thi, mà còn phải phục vụ trực tiếp nhiệm vụ kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, lãng phí và kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho tổ chức và hoạt động của Kiểm toán nhà nước.

Trong nhiệm kỳ, Tổng Kiểm toán nhà nước đã ban hành 40 văn bản quy phạm pháp luật và 122 văn bản quản lý. Các văn bản được ban hành trên cơ sở rà soát, sửa đổi, bổ sung nhằm đảm bảo phù hợp với các quy định mới của Đảng, pháp luật của Nhà nước, như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước năm 2019, Quy định số 131-QĐ/TW, Quy định số 144-QĐ/TW và Quy định số 189-QĐ/TW của Bộ Chính trị. Một số văn bản quan trọng đã được ban hành như: Hệ thống chuẩn mực Kiểm toán nhà nước, Quy trình kiểm toán của Kiểm toán nhà nước, Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, Quy định khiếu nại, kiến nghị và khởi kiện trong hoạt động Kiểm toán nhà nước, Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn Kiểm toán nhà nước… Đặc biệt, Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng lần đầu được Kiểm toán nhà nước ban hành, là văn bản có tính kỹ thuật pháp lý cao, kết hợp giữa quy trình kiểm toán và tố tụng hình sự, góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý và nâng cao vai trò của Kiểm toán nhà nước trong phòng, chống tham nhũng.

Bên cạnh đó, Đảng ủy còn đặc biệt quan tâm lãnh đạo công tác phối hợp xây dựng và hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý đồng bộ cho hoạt động của Kiểm toán nhà nước, như: phối hợp với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán nhà nước; phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xây dựng và ban hành Thông tư liên tịch Quy định về phối hợp giữa Kiểm toán nhà nước, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát trong việc trao đổi thông tin và kiến nghị xem xét, khởi tố vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước; xây dựng và ký kết quy chế phối hợp trong hoạt động kiểm toán với nhiều bộ, ngành và tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Năm 2024 đánh dấu 10 năm thi hành Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015 và 5 năm thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước năm 2019, Kiểm toán nhà nước đã tổ chức rà soát toàn diện Luật Kiểm toán nhà nước để kiến nghị sửa đổi, bổ sung đảm bảo phù hợp với yêu cầu phát triển của ngành trong giai đoạn mới.

Kiểm toán nhà nước xây dựng đội ngũ cán bộ tinh thông nghiệp vụ, có đạo đức nghề nghiệp. Ảnh tư liệu

Kiểm toán nhà nước xây dựng đội ngũ cán bộ tinh thông nghiệp vụ, có đạo đức nghề nghiệp. Ảnh tư liệu

Tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng kiểm toán

Qua 30 năm xây dựng và phát triển, Kiểm toán nhà nước đã từng bước phát triển hệ thống tổ chức bộ máy tiến tới đồng bộ nhằm thực hiện toàn diện, hiệu lực, hiệu quả quản lý và đáp ứng yêu cầu phát triển trong từng giai đoạn. Cùng với xu hướng tinh gọn bộ máy trong toàn hệ thống chính trị, thông qua việc rà soát, đánh giá việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức của các đơn vị, Đảng ủy Kiểm toán nhà nước chỉ đạo quyết liệt việc cải cách tổ chức bộ máy hành chính, sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy. Theo đó, Kiểm toán nhà nước đã giảm 02 đầu mối đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước, giải thể 12 đơn vị cấp phòng góp phần tinh gọn bộ máy nhưng vẫn đảm bảo năng lực thực thi nhiệm vụ. Trong thời gian tới, Kiểm toán nhà nước tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy cấp Vụ, Kiểm toán nhà nước khu vực theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Hiện nay, Kiểm toán nhà nước có gần 2.100 người, trong đó có khoảng 1.900 công chức, viên chức, kiểm toán viên, và gần 200 lao động hợp đồng. Số công chức giữ các ngạch kiểm toán viên chiếm 87% và đều có trình độ đào tạo từ đại học trở lên. Về chuyên ngành đào tạo, công chức được đào tạo chuyên ngành khối kinh tế chiếm 59%, khối kỹ thuật chiếm 25%, các ngành khác chiếm 16% công chức toàn ngành. Nhìn chung, đội ngũ cán bộ công chức đảm bảo đủ về số lượng, cơ cấu chuyên môn và cơ cấu ngạch hợp lý.

Để xây dựng đội ngũ cán bộ tinh thông nghiệp vụ, có đạo đức nghề nghiệp theo phương châm “nghệ tinh tâm sáng”, Kiểm toán nhà nước luôn coi trọng tất cả các khâu trong công tác cán bộ đảm bảo chất lượng, hiệu quả từ công tác tuyển dụng, đào tạo, đánh giá cán bộ, quy hoạch, điều động, luân chuyển và bố trí cán bộ. Trong 05 năm qua, Kiểm toán nhà nước đã tuyển dụng được 20 công chức theo chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, ban hành 39 chương trình đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức hơn 200 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho hơn 11.000 lượt cán bộ, hàng năm tổ chức từ 05-10 tọa đàm, tập huấn chuyên sâu, cử 54 đoàn công tác đi học tập, bồi dưỡng ở nước ngoài cho hơn 260 lượt công chức, cử 43 công chức tham gia các chương trình nâng cao năng lực của các Cơ quan kiểm toán tối cao, cử và đào tạo thành công 01 giảng viên có trình độ quốc tế cho Tổ chức quốc tế các Cơ quan Kiểm toán tối cao Châu Á (ASOSAI)... Đặc biệt, lần đầu tiên Kiểm toán nhà nước xây dựng quy định và tổ chức đánh giá kiến thức chuyên môn định kỳ cho đội ngũ công chức, viên chức thông qua ngân hàng câu hỏi, góp phần nâng cao năng lực, tính chuyên nghiệp và chuẩn hóa trình độ cán bộ trong toàn ngành.

Ban cán sự đảng, Đảng ủy, Tổng Kiểm toán nhà nước đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác kiểm toán với nhiều giải pháp đồng bộ từ công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán, tổ chức thực hiện kiểm toán đến kiểm tra tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, qua đó chất lượng kiểm toán ngày càng được nâng cao, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán được đổi mới, xác định theo giai đoạn trung hạn và hàng năm, bám sát định hướng lớn của Đảng, Nhà nước, các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm. Tiếp tục phương châm “gọn nhưng chất lượng”, phương án tổ chức kiểm toán năm được xây dựng lồng ghép hợp lý giảm bớt đầu mối triển khai, giảm số lượng đoàn kiểm toán và tinh giản các thủ tục hành chính, góp phần hạn chế tần suất kiểm toán tại các địa phương.

Với quan điểm xuyên suốt trong chỉ đạo, điều hành hoạt động kiểm toán là nâng cao chất lượng, hiệu lực và hiệu quả hoạt động kiểm toán nhằm đạt được mục tiêu “chất lượng, chất lượng hơn và chất lượng hơn nữa”, Ban cán sự đảng, Đảng ủy, Tổng Kiểm toán nhà nước đã ban hành và quyết liệt chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp, qua đó chất lượng kiểm toán được nâng lên rõ rệt. Giai đoạn 2020-2025, Kiểm toán nhà nước tiến hành nhiều cuộc kiểm toán chuyên đề có quy mô và phạm vi rộng như: Chuyên đề huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ; Công tác lập, phân bổ vốn đầu tư Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; việc thực hiện các chính sách đầu tư phát triển theo Nghị quyết số 43/2022/QH15… Qua đó đã cung cấp nhiều kiến nghị có giá trị cho Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan chức năng và đơn vị được kiểm toán, giúp hoàn thiện pháp luật, góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực. Tổng hợp kết quả kiểm toán tại thời điểm tháng 01/2025, giai đoạn 2020-2025 Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 275.460 tỷ đồng, kiến nghị hủy bỏ hoặc thay thế, sửa đổi, bổ sung 1.054 văn bản có nội dung không phù hợp quy định pháp luật hoặc thực tiễn nhằm bịt “lỗ hổng”, tránh thất thoát, lãng phí; chuyển 16 vụ việc sang Cơ quan Cảnh sát điều tra kiến nghị điều tra, làm rõ để xử lý về hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.

Đặc biệt, lần đầu tiên, tại Kỳ họp Quốc hội, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn tham gia phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Nội dung chất vấn và trả lời chất vấn được Chủ tịch Quốc hội, đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm, đánh giá cao.

Cán bộ kiểm toán không ngừng học tập, nâng cao trình độ nghiệp vụ để nâng cao chất lượng công tác. Ảnh tư liệu

Cán bộ kiểm toán không ngừng học tập, nâng cao trình độ nghiệp vụ để nâng cao chất lượng công tác. Ảnh tư liệu

Phát triển nghiên cứu khoa học, công nghệ cao và hội nhập, hợp tác quốc tế

Kiểm toán nhà nước luôn duy trì và không ngừng mở rộng quan hệ hợp tác và hội nhập cùng cộng đồng kiểm toán công trên thế giới với gần 30 thỏa thuận hợp tác song phương được ký kết, thiết lập quan hệ với gần 60 cơ quan Kiểm toán tối cao (SAI) và tổ chức quốc tế. Với vai trò là thành viên tích cực và có trách nhiệm Kiểm toán nhà nước đã chủ động tham gia nhiều hoạt động, hội thảo, hội nghị, các nhóm công tác của INTOSAI. Kiểm toán nhà nước đã hoàn thành vai trò thành viên Ban điều hành ASOSAI qua 3 nhiệm kỳ trong giai đoạn 2015-2024, chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021. Đại hội ASOSAI lần thứ 16 năm 2024, Kiểm toán nhà nước đã ứng cử thành công vị trí thành viên Ủy ban kiểm toán ASOSAI nhiệm kỳ 2024-2027. Kiểm toán nhà nước tiếp tục củng cố và phát huy vị thế của mình trong ASOSAI, khẳng định vai trò dẫn dắt trong ASEANSAI, dần khẳng định vai trò, vị thế và nâng cao uy tín, hình ảnh của Kiểm toán nhà nước nói riêng và Việt Nam nói chung trong cộng đồng kiểm toán công khu vực và trên thế giới.

Hệ thống cơ sở vật chất của Kiểm toán nhà nước không ngừng được cải thiện, cán bộ công chức, viên chức, kiểm toán viên được trang bị đầy đủ điều kiện làm việc, đảm bảo phục vụ tốt cho các hoạt động kiểm toán, các điều kiện làm việc khác nhau. Năm 2024, Kiểm toán nhà nước đã hoàn thành công tác thi công và bàn giao đưa vào sử dụng 03 trụ sở mới và 02 cơ sở đào tạo. Trong quá trình xây dựng cơ sở vật chất, Đảng bộ đều chỉ đạo thực hiện trên tinh thần tiết kiệm, chống lãng phí, đầu tư trọng tâm, trọng điểm.

Đảng bộ đã quan tâm, chỉ đạo sát sao công tác nghiên cứu khoa học, trong giai đoạn 2020-2025, Kiểm toán nhà nước thực hiện 135 đề tài, trong đó: 81 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, 53 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Cơ sở; đặc biệt 01 đề tài khoa học công nghệ độc lập cấp Quốc gia do Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn làm chủ nhiệm đã được Bộ Khoa học và công nghệ nghiệm thu xếp loại Xuất sắc, được xuất bản thành cuốn sách “Vai trò Kiểm toán nhà nước trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí” để phổ biến rộng rãi kết quả nghiên cứu.

Năm 2023, lần đầu tiên Kiểm toán nhà nước tổ chức thành công diễn đàn “Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - Những nút thắt và vai trò của Kiểm toán nhà nước” thu hút sự tham gia của gần 700 đại biểu, được dư luận đánh giá cao về mặt nội dung và công tác tổ chức. Công tác thông tin, tuyên truyền tiếp tục đổi mới, phản ánh kịp thời các thông tin, hoạt động của Ngành, kết quả hoạt động kiểm toán, góp phần nâng cao hình ảnh, uy tín của Kiểm toán nhà nước.

Đặc biệt năm 2024, Kiểm toán nhà nước đã tổ chức thành công các sự kiện chào mừng 30 năm thành lập Ngành, các sự kiện hội thảo khoa học, hội thao, văn nghệ được tổ chức quy mô, trang trọng, thiết thực và tiết kiệm.

Kiểm toán nhà nước đã chuyển đổi mô hình hoạt động của đơn vị chuyên trách công nghệ thông tin từ Trung tâm tin học thành Cục Công nghệ thông tin theo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội và triển khai Chiến lược phát triển và Kiến trúc tổng thể công nghệ thông tin giai đoạn 2019-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Hiện nay, Kiểm toán nhà nước xây dựng được 02 Trung tâm dữ liệu, triển khai và đưa vào sử dụng 13 phần mềm hỗ trợ công tác quản lý, điều hành nội bộ, triển khai 14 ứng dụng hỗ trợ hoạt động kiểm toán, xây dựng kho dữ liệu lớn phục vụ cho kiểm toán số và phân tích dữ liệu chuyên sâu.

Kiểm toán nhà nước đã triển khai kết nối, trao đổi dữ liệu với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước và Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo Quy chế trao đổi thông tin, dữ liệu giữa hai cơ quan; xây dựng Cổng trao đổi thông tin, tạo kênh trao đổi dữ liệu điện tử đa chiều giữa Kiểm toán nhà nước và đơn vị được kiểm toán. Năm 2024, Kiểm toán nhà nước đã xây dựng cổng thông tin công khai Báo cáo kiểm toán điện tử cung cấp cho các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Ngân sách của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương… Năm 2022, Kiểm toán nhà nước cũng đã triển khai thí điểm kiểm toán từ xa tại Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam và hoàn thành cuộc kiểm toán theo đúng tiến độ, chất lượng tạo tiền đề để Kiểm toán nhà nước thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động kiểm toán.

Từ những kết quả trên, có thể khẳng định rằng sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ giữ vai trò then chốt, định hướng cho toàn bộ quá trình triển khai thực hiện Chiến lược. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, kịp thời, nhất quán của Đảng bộ, toàn ngành đã đạt được những kết quả quan trọng, từng bước hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược đề ra, tạo tiền đề vững chắc, tạo đà cho những bước phát triển tiếp theo, góp phần xây dựng Kiểm toán nhà nước ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp và đáp ứng tốt hơn yêu cầu của Đảng, Nhà nước, của xã hội trong tình hình mới.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nghi-quyet-88-be-phong-cho-kiem-toan-hien-dai-389581.html