Nghị quyết 'ngược khó' để liên kết vùng - Bài 1

Từ vùng “lõi nghèo” nhất nước, Cao Bằng đã khởi sắc khi thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về liên kết vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. Hành trình “ngược khó” thành công trong gần 3 năm qua là sự nỗ lực của tỉnh, sự quan tâm của nhiều cơ quan chức năng nhà nước. Thành công của Cao Bằng cũng là kinh nghiệm quý cho các địa phương khác.

Bài 1: Mở đường cao tốc “khó có dân lo”

Đột phá quan trọng nhất thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW là phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông để liên kết vùng. Tỉnh ủy quyết tâm xây dựng đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) dài 121 km để rút ngắn khoảng cách từ Cao Bằng với Thủ đô Hà Nội và các vùng kinh tế trọng điểm. Đứng trước nhiều nan giải, lòng dân, doanh nghiệp tin Đảng đã gỡ khó hàng nghìn tỷ đồng để dự án sớm hoàn thành.

Dân cho thu hồi đất trước, trả tiền sau

Vì sao câu chuyện khó nghìn tỷ đồng mở đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh lại sớm được giải quyết? đồng chí Trần Hồng Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh cho biết: Cao Bằng có hơn 333 km đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc nằm ở cửa ngõ giao thương với các tỉnh Tây, Tây Nam của Trung Quốc, liên kết vùng với các tỉnh phía Bắc và thành phố lớn trong nước kết nối với các nước ASEAN. Đồng thời cũng là vị trí quan trọng về quốc phòng - an ninh. Dự án đường cao tốc kỳ vọng sẽ mở cánh cửa kết nối vùng, hành lang kinh tế khu vực phía Bắc với cả nước và nước ngoài, tạo dư địa, động lực, không gian phát triển cho toàn vùng Đông Bắc theo tinh thần Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị. Nhưng do Cao Bằng vẫn nằm trong vùng “lõi nghèo” nên thi công đường bộ cao tốc đặt ra khó khăn về huy động vốn, đặc biệt nếu dồn vốn hàng trăm tỷ đồng cùng một lúc để chi trả giải phóng mặt bằng (GPMB), tỉnh không đủ nội lực để giải quyết.

Trước khó khăn trên, Ban Chỉ đạo dự án đường cao tốc tỉnh đưa ra phương án vận động nhân dân cho thu hồi đất GPMB trước, trả tiền đền bù sau. Đồng thời, phát động Chiến dịch cao điểm 100 ngày đêm hoàn thành công tác GPMB Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh theo hình thức đối tác công tư, giai đoạn 1; chỉ đạo các huyện ủy, đảng ủy xã, thị trấn vận động nhân dân cho thu hồi đất bàn giao GPMB trước, nhận tiền đền bù sau theo từng giai đoạn, đúng quy định, tái thiết đời sống nhân dân sau GPMB. Phối hợp với tỉnh Lạng Sơn cùng đồng bộ triển khai Chiến dịch này.

Theo đồng chí Ma Kiên Ngọc, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quảng Hòa, để chiến dịch được nhân dân ủng hộ, Huyện ủy chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng nghị quyết chuyên đề, các cán bộ lãnh đạo đến từng xóm của 4 xã, thị trấn tuyên truyền, vận động theo phương châm “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”; nêu cao tinh thần đoàn kết, quyết tâm GPMB cho dự án. Các huyện Quảng Hòa, Trùng Khánh và 2 huyện Tràng Định, Văn Lãng (Lạng Sơn) cũng quyết liệt triển khai phương án trên. Qua đó, hơn 2.500 hộ dân huyện Quảng Hòa, Thạch An và 2 huyện Tràng Định, Văn Lãng đồng thuận hưởng ứng nên Chiến dịch cao điểm 100 ngày đêm cán đích trước thời hạn.

Tại nhiều xóm, khu dân cư, chúng tôi được nghe bà con phấn khởi, hưởng ứng các cấp ủy Đảng, chính quyền giải bài toán khó hàng trăm tỷ đồng GPMB làm đường cao tốc. Chị Thi Thị Nga, Trưởng xóm Tân Việt, xã Lê Lai (Thạch An) và một số hộ bị thu hồi đất GPMB chia sẻ: Năm 2022 - 2023, chúng tôi được biết tỉnh sẽ xây dựng tuyến đường cao tốc nhưng khó khăn về vốn đầu tư và chưa biết hướng chỉ đạo tháo gỡ khó khăn như thế nào. Đến tháng 1/2024, khi cán bộ Huyện ủy, Đảng ủy xã đến vận động bà con hưởng ứng Chiến dịch cao điểm 100 ngày đêm hoàn thành công tác GPMB, đề nghị nhân dân đồng thuận cho thu hồi đất GPMB trước, trả tiền đền bù sau, chúng tôi hưởng ứng ngay bởi khơi dậy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm của từng hộ đối với công trình trọng điểm chiến lược của tỉnh. Trước mắt sẽ gặp khó khăn nhưng nhân dân tin Đảng, Nhà nước làm đường cao tốc cũng vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cho người dân thụ hưởng sau này. Cả xóm thông tư tưởng, 52/86 hộ thuộc diện GPMB, trong đó có 30 hộ nghèo, hộ cận nghèo, 7 hộ di dời nhà ở, 10 hộ mất gần hết đất sản xuất đã bàn giao đất GPMB trước thời hạn và nhận tiền đền bù sau để Tập đoàn Đèo Cả thi công đúng tiến độ.

Chị Nông Thị Dung, hộ cận nghèo phải di dời nhà ở cho biết: Tôi hơn 40 tuổi, đây là lần thứ 3 làm lại nhà, cả 3 lần thuộc diện GPMB, đất sản xuất còn ít, không có việc làm ổn định nhưng vẫn bàn giao đất GPMB trước mà không yêu cầu lấy tiền đền bù ngay. Bởi tôi và bà con hiểu khi Đảng khó khăn cũng như mình đang gặp khó, cần phải đoàn kết, đồng thuận cùng giải quyết. Sau này có đường cao tốc, con, cháu của xóm Tân Việt sẽ có cơ hội học tập, làm ăn thuận lợi, không phải thiệt thòi như thế hệ chúng tôi.

Anh Vi Văn Khoa, xóm Tục Ngã, xã Đức Xuân (Thạch An) là hộ đầu tiên bàn giao 1,2 ha đất sản xuất, đất vườn, nhà ở cho chủ đầu tư thực hiện Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.

Anh Vi Văn Khoa, xóm Tục Ngã, xã Đức Xuân (Thạch An) là hộ đầu tiên bàn giao 1,2 ha đất sản xuất, đất vườn, nhà ở cho chủ đầu tư thực hiện Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.

Anh Vi Văn Khoa, xóm Tục Ngã, xã Đức Xuân (Thạch An) là hộ đầu tiên bàn giao 1,2 ha đất sản xuất, đất vườn, nhà ở để GPMB từ quý I/2024 cho biết: Gia đình bị thu hồi hết đất sản xuất và di dời nhà ở, chưa tìm việc làm mới nhưng tôi nghĩ đây là khó khăn tạm thời nên xung phong bàn giao đất sớm nhất để làm gương cho bà con. Tôi động viên bà con “Đảng, Nhà nước mở đường cao tốc vì mục tiêu nâng cao đời sống cho nhân dân. Bà con đồng tình GPMB thì đường cao tốc mới sớm hoàn thành sẽ đổi thay đời sống”. Bà con hiểu ra, 100% đồng thuận bàn giao đất GPMB mà không yêu cầu trả tiền bồi thường ngay.

Sự đồng thuận, hưởng ứng của nhân dân đã làm nên “kỳ tích” chiến dịch 100 ngày đêm GPMB, hơn 1.000 hộ dân 2 huyện Thạch An, Quảng Hòa nhanh chóng hoàn thành, bàn giao trên 222 ha đất phục vụ thi công 41,26/41,5 km đường cao tốc cho đơn vị thi công. Tinh thần đoàn kết lòng dân đã giải bài toán khó cho Đảng không vướng vào áp lực dồn hàng trăm tỷ đồng chi trả ngay cho GPMB mà tiến hành trả sau, cuốn chiếu theo từng đợt, đồng thời điều chỉnh thực hiện tái thiết đời sống cho người dân sau GPMB.

Giải quyết đời sống người dân sau thu hồi đất

Sau khi GPMB, nhiều hộ mất gần hết hoặc toàn bộ đất sản xuất, di dời nhà ở… phải thiết lập lại cuộc sống mới. Việc này được Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành, địa phương của tỉnh quan tâm xây dựng các khu tái định cư, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp... Nhưng để giải quyết hoàn cảnh riêng từng hộ thì chính người dân các xóm lại tiếp tục đoàn kết, giúp nhau, góp phần cùng Đảng, Nhà nước ổn định đời sống người dân.

Bí thư Chi bộ xóm Hồng Lĩnh 4, xã Hạnh Phúc (Quảng Hòa) Đinh Thị Trình cho biết: Hồng Lĩnh là xóm tiêu biểu trong chiến dịch 100 ngày đêm hoàn thành GPMB từ tháng 5/2024. Xóm có 90/109 hộ thuộc diện GPMB, trong đó 31 hộ nghèo, hộ cận nghèo, 12 hộ di dời nhà ở, nhiều hộ mất gần hết đất sản xuất. Hiện nay, tuy chưa thi công làm đường cao tốc nhưng chi ủy chi bộ, tổ chức đoàn thể xóm nắm tình hình những hộ thiếu đất sản xuất, di dời nhà ở xem có nguyện vọng muốn ở lại xóm không. Qua đó, tìm hiểu, vận động những hộ còn nhiều đất sang nhượng lại cho hộ bị thu hồi đất sản xuất và di dời nhà muốn ở lại xóm với giá hợp lý. Theo đó, 11/12 hộ di dời nhà ở được bà con trong xóm có nhiều đất sang nhượng đất để ổn định đời sống.

Bí thư Chi bộ xóm Hồng Lĩnh 4, xã Hạnh Phúc (Quảng Hòa) Đinh Thị Trình (bên phải) là người đứng ra vay tiền cho chị Nông Thị Phương, hộ cận nghèo thuộc diện phải di dời nhà để mua đất làm nhà ngay tại xóm.

Bí thư Chi bộ xóm Hồng Lĩnh 4, xã Hạnh Phúc (Quảng Hòa) Đinh Thị Trình (bên phải) là người đứng ra vay tiền cho chị Nông Thị Phương, hộ cận nghèo thuộc diện phải di dời nhà để mua đất làm nhà ngay tại xóm.

Chị Nông Thị Phương, hộ cận nghèo thuộc diện phải di dời nhà và đưa hết đất sản xuất vào GPMB chia sẻ: Gia đình tôi được bố trí lên khu tái định cư mới trên thị trấn Hòa Thuận nhưng không có đất sản xuất nông nghiệp. Tháng 6/2024, hộ anh Nông Đình Toa có nhiều đất sản xuất đã nhượng lại đất cho gia đình tôi. Nhưng khi đó gia đình tôi chưa nhận tiền đền bù. Trong lúc khó khăn, Bí thư Chi bộ xóm Đinh Thị Trình giúp gia đình tôi vay tiền ngân hàng trước để mua đất làm nhà ở, đất ruộng nên bây giờ tôi đang làm nhà mới và vẫn có đất sản xuất, được sinh sống cùng bà con trong xóm. Theo anh Nông Đình Toa, hàng xóm ở gần nhau coi như anh em trong gia đình. Thấy hộ chị Phương mong muốn ở lại xóm, gia đình tôi nhiều ruộng nhưng không có người làm nên quyết định sang nhượng lại một số đất cho hộ chị Phương để ổn định đời sống tại xóm. Nhiều hộ khác trong xóm còn nhiều đất cũng sang nhượng lại đất cho những hộ thuộc diện GPMB gặp khó khăn… Câu chuyện tình làng, nghĩa xóm đùm bọc lẫn nhau ấm ấp tình người lan tỏa từ xóm này sang xóm khác, góp phần ổn định đời sống nhân dân.

Xóm Nà Dạ, thị trấn Hòa Thuận (Quảng Hòa) nhiều hộ có mồ mả ở xóm nhưng con cháu đã vào miền Nam làm ăn, khi trưởng xóm gọi điện thoại tuyên truyền, vận động sớm trở về quê di chuyển mộ ngay từ tháng 2 - 3/2024. Sự đồng tình ủng hộ của nhân dân đã giải bài toán khó cho Đảng không phải dồn vốn hàng trăm tỷ đồng để chi trả tiền đền bù, chia thành giai đoạn. Ban Chỉ đạo đường cao tốc tỉnh đề nghị các cấp, ngành, địa phương cần rút ra bài học kinh nghiệm để áp dụng phương án này trong thực hiện nhiệm vụ GPMB các dự án khác.

Tập đoàn Đèo Cả cùng đồng hành vượt khó

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh Đặng Tiến Thắng cho biết: Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh trước đây được Bộ Giao thông - Vận tải lập quy hoạch có chiều dài 144 km, tổng vốn đầu tư trên 47.000 tỷ đồng. Vì địa hình hiểm trở nên dự án rất khó về yếu tố kỹ thuật, suất đầu tư rất lớn, lưu lượng thấp dẫn đến bài toán hoàn vốn khó khăn. Tuy đã có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, nghiên cứu nhưng vẫn chưa thể thực hiện được. Với năng lực đầu tư, kinh nghiệm tổ chức giải quyết nhiều dự án khó khăn, phức tạp về kỹ thuật, tài chính, pháp lý… Tập đoàn Đèo Cả đề xuất phương án điều chỉnh hướng tuyến với 4 hầm xuyên núi cùng các cầu vượt thung lũng, rút ngắn 23 km chiều dài tuyến (từ 144 km xuống còn 121 km), tổng mức đầu tư cả 2 giai đoạn gần 23.000 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với phương án ban đầu.

Tập đoàn Đèo Cả luôn kiên định mục tiêu, đồng hành cùng tỉnh tháo gỡ từng khó khăn, nút thắt của dự án và được Quốc hội thông qua cơ chế đặc thù tại Nghị quyết số 106/2023/QH15 ngày 28/11/2023, tỷ lệ vốn ngân sách Nhà nước tham gia dự án không vượt quá 70% tổng mức đầu tư của dự án. Trên cơ sở tính toán về phương án tài chính và sự phù hợp với tính khả thi để có thể thu xếp vốn nhưng đảm bảo tiết kiệm tối đa cho ngân sách Nhà nước, UBND tỉnh đề xuất vốn ngân sách tham gia khoảng 9.800 tỷ đồng (chiếm 68,76% tổng mức đầu tư).

Bí thư Tỉnh ủy Trần Hồng Minh kiểm tra tiến độ thực hiện Dự án tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh tại cửa Tây hầm 2, xã Thụy Hùng (Thạch An).

Bí thư Tỉnh ủy Trần Hồng Minh kiểm tra tiến độ thực hiện Dự án tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh tại cửa Tây hầm 2, xã Thụy Hùng (Thạch An).

Để có nguồn vốn thi công dự án, Tập đoàn Đèo Cả phát triển và áp dụng mô hình PPP++ huy động nguồn lực đầu tư từ các nhà đầu tư - đồng thời là các nhà thầu bổ sung vốn qua nhiều hình thức: Vốn chủ sở hữu, vốn đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC (hợp đồng hợp tác kinh doanh), vốn trái phiếu…; tiếp cận và thu xếp vốn tín dụng cho dự án. Ngày 3/10/2024, Công ty cổ phần Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh và Ngân hàng VPBank ký kết hợp đồng tín dụng với trị giá 2.300 tỷ đồng.

Tập đoàn Đèo Cả tổ chức tiết kiệm và tối ưu hóa chi phí từ các dự án khác trong thời gian qua để tích lũy nguồn lực của các nhà đầu tư, đối tác cho thực hiện dự án. Do đó, thời gian qua, dù nguồn vốn ngân sách Nhà nước tham gia dự án không được tạm ứng cho xây dựng công trình cũng như GPMB nhưng Tập đoàn Đèo Cả và các nhà đầu tư, nhà thầu đã ứng trước hơn 50 tỷ đồng kinh phí GPMB trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, đồng thời, ứng trước gần 300 tỷ đồng để thực hiện các hạng mục thi công.

Tập đoàn xây dựng đồng bộ các công trình để đảm bảo dự án có năng lực thông hành tốt, phối hợp với tỉnh tổ chức các sự kiện giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, tháo gỡ nút thắt để thu hút các nhà đầu tư đến Cao Bằng phát triển kinh tế.

Đặc biệt, nhân dân hưởng ứng thực hiện thắng lợi Chiến dịch cao điểm 100 ngày đêm hoàn thành công tác GPMB nên dự án có tiến độ GPMB nhanh nhất trong các dự án, tạo điều kiện cho Tập đoàn Đèo Cả có mặt bằng tại các vị trí đã bàn giao. Hiện nay, tổ chức 25 mũi thi công gồm: 12 mũi thi công đường, 2 mũi thi công hầm và 11 mũi thi công cầu, tổng trị giá 3 gói thầu đạt 265,71/10.011,64 tỷ đồng, đạt 2,65% giá trị hợp đồng. Phấn đấu thi công tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh giai đoạn 1 và 2 bảo đảm tiến độ, chất lượng cao - ông Đặng Tiến Thắng khẳng định.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Xây dựng đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh là khát khao, mong mỏi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Cao Bằng vì sự phát triển của địa phương thông qua việc kết nối với các địa phương trong khu vực; đồng thời đảm bảo quốc phòng - an ninh cho các tỉnh phía Bắc, tạo nên một tuyến cao tốc đối ngoại mới cho đất nước. Đặc biệt, được nhân dân đồng thuận cho thu hồi đất GPMB trước, chi trả đền bù sau khi Nhà nước chưa có tiền là điều kiện vô cùng thuận lợi cho Đảng bộ, nhân dân tỉnh quyết tâm hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, không phát sinh thêm chi phí đầu tư, trở thành công trình kiểu mẫu về PPP.

Bài 2: Từ vùng “lõi nghèo” bứt phá để đi trước đón đầu

Trường Hà - Minh Hòa

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/nghi-quyet-nguoc-kho-de-lien-ket-vung-bai-1-3173044.html