Nghị quyết số 17-NQ/TU về văn hóa và con người Thanh Hóa: Từ nhận thức đến hành động (Bài cuối) - Thấm sâu để lan tỏa mạnh mẽ
'Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh' (Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước).
Nhận thức đúng...
Nằm ngay cạnh dòng sông Mã - “cái nôi” sản sinh ra những nền văn hóa cổ - TP Thanh Hóa là nơi hội tụ những giá trị tinh hoa của một vùng đất cổ, có bề dày truyền thống lịch sử và văn hóa lâu đời. Lịch sử còn ghi lại, từ thời nhà Hán đặt ách đô hộ lên đất nước ta, lần đầu tiên cái tên Tư Phố xuất hiện và đóng vai trò “trị sở” của quận Cửu Chân. Tư Phố nằm ở hữu ngạn sông Mã, rất thuận lợi giao thông, đất đai trù phú, thuận lợi về mặt quân sự, dân cư đông đúc. Vì vậy, Tư Phố là địa điểm rất thuận lợi để chọn đóng quận trị, nơi cắm mốc trên con đường hình thành, phát triển, tiến tới xác định tỉnh lỵ Thanh Hóa ngày nay. Đặc biệt, một truyền thuyết đầy màu sắc hư ảo về vùng đất cổ này đã được lưu truyền, rằng Trấn thành được xây dựng trên lưng chim Hạc, cho nên có tên là Hạc Thành. Để rồi, cái truyền thuyết cổ xưa ấy đã trở thành nguồn cảm hứng ngợi ca về vị trí đắc địa và vẻ đẹp nên thơ của vùng đất này: “Thanh Hoa thắng địa là nơi/ Rồng vờn hạt ngọc, Hạc bơi chân thành”.
Chính bề dày lịch sử và văn hóa lâu đời là nền tảng để xây dựng nên diện mạo TP Thanh Hóa vừa nhuốm màu cổ tích, vừa trẻ trung đầy sức sống như hiện nay. Chính vì lẽ đó, cấp ủy, chính quyền TP Thanh Hóa luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, cũng như xây dựng hình ảnh con người thành phố văn minh, thân thiện. Cũng bởi xác định rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của văn hóa và con người đối với sự phát triển bền vững, nên khi Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU về tiếp tục xây dựng, phát triển văn hóa và con người Thanh Hóa trong thời kỳ mới, TP Thanh Hóa là một trong những địa phương đầu tiên quán triệt vai trò, giá trị của nghị quyết đối với sự phát triển thành phố. Từ đó, Ban Thường vụ Thành ủy đã sớm xây dựng Chương trình hành động (Chương trình số 72-Ctr/TU, ngày 2/10/2024) triển khai thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU trên toàn địa bàn. Chương trình số 72-Ctr/TU đã đề ra những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, sát thực, phù hợp với thực tiễn địa phương, nhằm sớm đưa Nghị quyết số 17-NQ/TU đi vào cuộc sống và tạo dựng nên các giá trị mới: Xây dựng người dân TP Thanh Hóa phát triển toàn diện, văn minh; TP Thanh Hóa là thành phố giàu đẹp, văn minh, hiện đại, kiểu mẫu của cả nước. Từ đó, góp phần quan trọng xây dựng tỉnh Thanh Hóa giàu đẹp, kiểu mẫu, có nền văn hóa giàu sắc thái, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển hiện đại và là một trong những trung tâm văn hóa lớn của khu vực và cả nước.
Cũng như TP Thanh Hóa, sau khi Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU, Ban Thường vụ Huyện ủy Thiệu Hóa đã ban hành Kế hoạch nghiên cứu, học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU trên toàn địa bàn. Mục đích của việc học tập, quán triệt là nhằm làm cho các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân nhận thức đúng đắn, đầy đủ các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Nghị quyết số 17-NQ/TU. Từ đó, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận cao trong Nhân dân để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 17-NQ/TU. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể trên địa bàn huyện trong việc thực hiện các nội dung, nhiệm vụ chủ yếu trong Nghị quyết số 17-NQ/TU. Trên cơ sở quán triệt sâu rộng, Ban Thường vụ Huyện ủy cũng đã xây dựng Chương trình hành động số 72-Ctr/HU, ngày 11/11/2024, nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 17-NQ/TU. Đồng thời, đề ra và quyết tâm thực hiện các chỉ tiêu phát triển văn hóa, nhằm xây dựng con người Thiệu Hóa phát triển toàn diện, văn minh; huyện Thiệu Hóa giàu đẹp, kiểu mẫu, có nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện và là đơn vị kiểu mẫu của tỉnh Thanh Hóa...
Hành động quyết liệt
Nhận thức đúng vai trò của văn hóa để thông suốt tư tưởng; đồng thời cần hành động một cách quyết liệt, với sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân. Trước yêu cầu đó, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thanh Hóa trong thời kỳ mới; UBND tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng các chỉ tiêu có tính phấn đấu rất cao, với quyết tâm đưa Nghị quyết số 17-NQ/TU nhanh chóng đi vào đời sống.
Cụ thể đến năm 2030, 100% các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể trong tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt việc xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Thanh Hóa. Xây dựng các thiết chế, công trình văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở theo hướng đồng bộ, hiện đại; đầu tư xây dựng mới một số công trình cấp tỉnh mang tầm cỡ của khu vực Bắc Trung bộ và cả nước. Năng suất lao động, chỉ số phát triển con người (HDI) của tỉnh trong nhóm 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu của cả nước... Đến năm 2045 xây dựng con người Thanh Hóa phát triển toàn diện, văn minh; tỉnh Thanh Hóa giàu đẹp, kiểu mẫu, có nền văn hóa giàu sắc thái, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển hiện đại, là một trong những trung tâm văn hóa lớn của khu vực và cả nước.
Để hiện thực hóa các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, UBND tỉnh đã phân công trách nhiệm cho các sở, ngành, địa phương, đơn vị. Trong đó yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tập trung triển khai xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nếp sống văn minh trong gia đình, dòng họ, địa phương, cộng đồng, cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp, văn hóa trong chính trị và kinh tế, văn hóa nơi công cộng. Đồng thời, thường xuyên chăm lo xây dựng, phát triển, nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đặc biệt, tiếp tục nghiên cứu xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách, ưu tiên nguồn lực để xây dựng, phát triển văn hóa và con người Thanh Hóa trong thời kỳ mới. Tăng cường các nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, bảo đảm phù hợp với khả năng cân đối ngân sách và nhu cầu thực tế của tỉnh và các địa phương. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp cho phát triển văn hóa, con người Thanh Hóa.
Một trong những yếu tố quan trọng, có tác động đến kết quả triển khai Nghị quyết số 17-NQ/TU là hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về văn hóa. Bởi lẽ, để văn hóa truyền thống hội tụ đủ sức mạnh nhằm thôi thúc sự nghiệp đổi mới và phát triển quê hương, cũng như tạo ra “lá chắn” ngăn chặn sự “xâm lăng” của văn hóa ngoại lai, thì Nhà nước với vai trò dẫn dắt toàn xã hội cần sử dụng mọi công cụ từ giáo dục đến truyền thông đại chúng. Để từ đó nâng cao vai trò của văn hóa và đưa sự nghiệp phát triển văn hóa trở thành sự nghiệp của toàn dân, hay để người dân thực sự trở thành chủ thể sáng tạo văn hóa, hưởng thụ văn hóa và bảo vệ văn hóa. Trước yêu cầu này, UBND tỉnh đã giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp các sở, ngành, các huyện, thị xã, thành phố tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về văn hóa theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển văn hóa, con người, bảo đảm kịp thời, phù hợp với các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và yêu cầu thực tiễn. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động văn hóa, văn nghệ, nghệ thuật biểu diễn, báo chí xuất bản; kịp thời định hướng tư tưởng, dư luận xã hội, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh, tiến bộ.
Dưới góc độ là nguồn lực nội sinh, hay với tính chất là một loại “vốn”, văn hóa được nhận diện từ góc độ các giá trị vật thể và phi vật thể. Để khai thác hiệu quả nguồn lực này, cũng đồng thời là thực hiện hiệu quả một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết số 17-NQ/TU, đòi hỏi các cấp, các ngành, địa phương phải xây dựng các cơ chế, chính sách bảo tồn và phát huy các di sản, giá trị văn hóa truyền thống, khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa mới, cũng như tạo dựng thương hiệu các sản phẩm văn hóa đặc trưng của Thanh Hóa. Đồng thời, tiếp tục tập trung triển khai Kết luận số 82-KL/TU ngày 30/5/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XVIII) “Về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2017-2025”. Trong đó, xây dựng các mô hình quản lý di sản hiệu quả và gắn kết việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa với phát triển du lịch. Quan tâm phục hồi, bảo tồn và phát huy các loại hình di sản văn hóa phi vật thể, nghệ thuật truyền thống có giá trị đặc trưng của vùng đất, con người Thanh Hóa. Bố trí quỹ đất, nguồn lực để xây dựng nhà truyền thống, phòng truyền thống lưu giữ và phát huy các giá trị di sản văn hóa của mỗi địa phương.
...
Có thể khẳng định, sự ra đời của Nghị quyết số 17-NQ/TU thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, nhằm khơi dậy, phát huy truyền thống văn hiến và các giá trị mạch nguồn văn hóa tốt đẹp của xứ Thanh trong bối cảnh hiện nay. Nghị quyết số 17-NQ/TU cũng đặt ra những yêu cầu cao hơn đối với cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc quyết liệt hành động, nhằm biến quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết số 17-NQ/TU, trở thành những con số thành tựu có thể định lượng và nhất là những giá trị mới thấm sâu vào đời sống văn hóa - tinh thần của Nhân dân. Từ đó, khơi thông nguồn lực văn hóa và con người cho phát triển bền vững kinh tế - xã hội của mỗi địa phương và của tỉnh Thanh Hóa.