Nghị quyết số 68-NQ/TW: 'Cú huých' mạnh mẽ về mặt tinh thần cho khu vực kinh tế tư nhân
Với nội dung toàn diện, tầm nhìn dài hạn, Nghị quyết số 68-NQ/TW được ví như 'kim chỉ nam' dẫn dắt sự phát triển mạnh mẽ, bền vững và thực chất của khu vực kinh tế tư nhân trong giai đoạn mới.

Lần đầu tiên, khu vực kinh tế tư nhân được xác định là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia.
Bước ngoặt lịch sử trong tư duy lãnh đạo và quản lý kinh tế
Ngày 4/5/2025, một dấu mốc mới đã được xác lập trên hành trình phát triển kinh tế Đất nước, Tổng Bí thư Tô Lâm thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW, là văn kiện đặc biệt về phát triển kinh tế tư nhân. Nghị quyết số 68-NQ/TW được ban hành là bước ngoặt lớn về chính sách, cho thấy chủ trương “bình đẳng giữa các thành phần kinh tế” không chỉ là khẩu hiệu, mà đang dần trở thành hiện thực trong xây dựng thể chế và hành lang pháp lý.
Theo ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân là một thông điệp chính trị mạnh mẽ, cùng là lời khẳng định rõ ràng về vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế quốc dân.
Ông Tuấn cho rằng, điểm đột phá đầu tiên của Nghị quyết số 68-NQ/TW chính là việc xóa bỏ những định kiến, nghi kỵ vốn tồn tại lâu nay về vai trò của kinh tế tư nhân. Lần đầu tiên, khu vực này được xác định là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Bên cạnh đó, Nghị quyết còn đề ra những chính sách rất cụ thể như miễn thuế trong ba năm đầu, bỏ phí môn bài, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tham gia vào các lĩnh vực vốn là “vùng cấm” chỉ dành cho doanh nghiệp nhà nước như công nghiệp quốc phòng, an ninh và cả tư pháp.
Một trong những chính sách được giới doanh nghiệp đặc biệt đón nhận là việc tách bạch rõ ràng giữa trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm pháp nhân trong các sai phạm kinh tế. Theo ông Đậu Anh Tuấn, đây là bước tiến rất lớn trong cải cách pháp lý: "Nghị quyết đã xác lập chủ trương ưu tiên áp dụng các biện pháp hành chính, dân sự, kinh tế đối với vi phạm trước khi xem xét đến giải pháp hình sự. Giải pháp hình sự chỉ được áp dụng sau khi các biện pháp khắc phục kinh tế và bồi thường đã không đạt hiệu quả. Điều này giúp giảm thiểu rủi ro pháp lý, tạo môi trường kinh doanh an toàn hơn và phù hợp với thông lệ quốc tế".
“Chính sách này được kỳ vọng sẽ giúp khu vực tư nhân an tâm trong quá trình vận hành, tránh việc hình sự hóa các sai phạm kinh tế không nghiêm trọng. Đây cũng là điểm nhấn quan trọng giúp môi trường kinh doanh của Việt Nam trở nên thân thiện và hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước”, ông Tuấn chia sẻ.
Kim chỉ nam cho doanh nghiệp tư nhân
Theo ông Đậu Anh Tuấn, ngay sau khi được công bố, Nghị quyết số 68/NQ-TW đã lập tức “thổi luồng sinh khí” mới, lan tỏa tích cực trong cộng đồng doanh nghiệp tư nhân. Đại diện các hiệp hội ngành hàng gọi đây là bước ngoặt mang tính lịch sử trong tư duy lãnh đạo và quản lý kinh tế. Được xem là cú huých mạnh mẽ về mặt tinh thần, những nội dung trong Nghị quyết số 68/NQ-TW là kết quả của quá trình lắng nghe, tổng hợp những kiến nghị, đề xuất từ chính cộng đồng doanh nghiệp, thể hiện rõ cam kết đồng hành, tháo gỡ khó khăn của Đảng và Nhà nước.
“Nghị quyết số 68/NQ-TW đã khẳng định rõ ràng vị trí của khu vực kinh tế tư nhân, với những chính sách thực chất và mang tính cách mạng. Từ tập đoàn lớn đến hộ kinh doanh nhỏ lẻ đều hồ hởi và họ mong đợi điều này từ lâu", ông Tuấn nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Vân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ TP. Hà Nội (HANSIBA) cho rằng, những chỉ đạo, định hướng, giải pháp quan trọng tại Nghị quyết số 68/NQ-TW chính là những điều cộng đồng doanh nghiệp cần ngay lúc này. Những quan điểm chỉ đạo, mục tiêu trong Nghị quyết sẽ trở thành kim chỉ nam cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Cùng với đó, từ cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, sắp xếp địa giới hành chính đang được thực hiện quyết liệt, doanh nghiệp được thụ hưởng những cơ chế, chính sách đáp ứng nhu cầu cụ thể, thiết thực.
Điển hình như chính sách phù hợp hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn tài chính, hạ tầng, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số… vừa góp phần giải quyết những khó khăn, vừa thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực sản xuất cho doanh nghiệp.
“Vừa qua, chúng tôi cũng rất phấn khởi và đồng tình với tinh thần chỉ đạo được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh. Đó là cơ chế của Nhà nước từ thụ động phục vụ người dân, doanh nghiệp sang chủ động nắm bắt khó khăn, trở ngại để hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển”, ông Vân chia sẻ.
Là người có 10 năm tham gia đề xuất các chính sách cho khu vực kinh tế tư nhân, trên cương vị Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình) nói rằng, bản thân cảm thấy rất vui mừng khi Nghị quyết số 68/NQ-TW được ban hành. Theo ông Thân, tại Nghị quyết số 68/NQ-TW, kinh tế tư nhân đã thực sự đặt được đúng chỗ, đúng vai trò và sứ mệnh của mình. Kinh tế tư nhân - bao gồm cả FDI, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, bao gồm 5 triệu hộ cá thể…, là những người bỏ vốn, khởi sự đầu tư kinh doanh, không cần ai giục, họ vẫn tự thúc đẩy, tự làm ăn và hoàn thiện mình.
“Thương trường như chiến trường, trong đó, doanh nghiệp là người "cầm súng" chiến đấu. Để thành công, ngoài cố gắng của doanh nghiệp thì cần có chủ trương đúng đắn, thực thi chính sách đồng bộ, quyết liệt của Đảng và Nhà nước”, ông Thân chia sẻ.